📞

Đa dạng hóa thương mại tự do để tự cải cách

07:00 | 31/01/2017
TPP thành hiện thực hay không cũng chỉ là một trong nhiều hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết, để thể hiện nỗ lực chủ động hội nhập quốc tế, cũng như cải cách thể chế để đổi mới chính mình.

Nếu Mỹ “chia tay” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trao đổi thương mại của Việt Nam vẫn tích cực- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV khẳng định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV

Ông đánh giá thế nào nếu Mỹ dừng “cuộc chơi” tại TPP. Việc dừng TPP có gây xáo trộn gì nhiều không?

Trước hết, sẽ có 3 kịch bản cho TPP. Kịch bản 1 có thể xấu hơn, Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đảm nhận vai trò thủ lĩnh dẫn dắt TPP. Như vậy sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với xuất khẩu, thương mại, đầu tư của Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chiếm tới 20% và tăng trưởng tích cực trong thời gian vừa qua. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ cũng nhiều. Đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đang đứng thứ 8 với lượng đầu tư khoảng 12 - 13 tỷ USD.

Kịch bản thứ 2 có thể xảy ra nhiều hơn. Mỹ đã kết thúc đàm phán TPP nhưng Tổng thống mới của Mỹ vẫn yêu cầu đàm phán thêm, đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định, sẽ làm chậm tiến độ của TPP. Tuy vậy, phương án này vẫn tích cực vì Mỹ vẫn tham gia là một điều kiện quan trọng. Ở phương án này, tiến độ chậm lại nhưng tác động đến đầu tư, thương mại không quá lớn. Chậm lại nhưng vẫn xảy ra. Trên thực tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tận dụng hiệu ứng của TPP.

Kịch bản thứ ba là Mỹ sẽ rút khỏi TPP, các nước trong TPP giải tán, không đàm phán nữa. Kịch bản này xấu nhất và có nhiều tác hại với cả thương mại, đầu tư và các uy tín quốc tế của các nước tham gia trong TPP. Nhưng hy vọng kịch bản này không xảy ra.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào Việt Nam trong thời gian vừa qua để “đón đầu” TPP, ông dự báo thế nào về dòng vốn FDI thời gian tới?

Dòng vốn FDI có thể chậm hơn  một chút về giải ngân, tốc độ dự án nhưng về cơ bản cũng sẽ không đảo chiều như chúng ta lo lắng vì vẫn còn có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

Theo ông, nếu Mỹ bỏ cuộc chơi với TPP thì có tác động gì đến thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hay không?

Trong trường hợp TPP chậm tiến độ, thương mại vẫn diễn ra tích cực. Với thị trường Mỹ, thương mại sẽ không tăng lên được 25 - 30% như chúng ta giả định khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, thương mại song phương vẫn duy trì được như hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ở mức 20%.

Theo tôi, Mỹ vẫn duy trì là nhà đầu tư đứng 7 hoặc 8 đầu tư vào Việt Nam vì các dự án đó không rút về dễ dàng ngay được và nếu có rút về thì làm chi phí tăng lên rất nhiều.

Ví dụ, với điện thoại Iphone của Mỹ, nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu chuyển cơ sở kinh doanh của mình từ nước ngoài về Mỹ, lập tức chi phí của họ mỗi năm tăng lên là 4,6 - 4,7 tỷ USD. Dĩ nhiên, doanh nghiệp không muốn điều đó xảy ra. Hay giá cuối cùng của chiếc Iphone sẽ tăng lên vì chi phí tăng lên. Nếu giá tăng lên, người tiêu dùng trong đó có người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tác động. Tôi nghĩ chắc Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải cân nhắc tính toán nhiều chiều và không thể quyết định ngay được.

Việt Nam tham gia TPP sẽ là cơ hội để thúc đẩy cải cách trong nước?

Tôi hiểu Việt Nam ký TPP là cách tạo ra áp lực để cải cách trong nước. Thực ra, nếu Việt Nam thực thi mạnh mẽ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), rất nhiều thể chế cần phải đổi mới. Bởi EVFTA cũng yêu cầu không kém gì về mặt thể chế so với TPP. Tức là cũng đụng chạm vào những lĩnh vực nhạy cảm của Việt Nam như: lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường, DNNN, mua sắm công…

Thực tế, thời gian qua Chính phủ cũng đã có những đột phá về mặt thể chế. Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 tiếp tục là những điểm nhấn về thể chế thời gian vừa qua và tiếp tục thời gian tới.

Rõ ràng với một cơ chế như TPP, áp lực cải cách có những tiêu chuẩn riêng. Nếu để chúng ta tự cải cách, theo ông liệu có dễ dàng không

Như tôi đã phân tích tiêu chuẩn của hai hiệp định không kém gì nhau. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ hiệu lực hiệp định EVFTA. Đó là hướng để Việt Nam đa dạng hóa thương mại tự do.

Cũng liên quan đến EU, ông đánh giá thế nào về khả năng hiệp định sẽ có hiệu lực sau sự kiện Brexit?

FTA với EU đã có Quốc hội một số nước thông qua. Như chúng ta đã biết, hiệp định ký kết thúc đàm phán  ngày 1/12/2015 và hy vọng có hiệu lực trong vòng 2 năm, kỳ vọng đầu năm 2018 có hiệu lực. Quốc hội một số nước cũng đã thông qua nhưng còn vướng mắc tại Anh. Anh rời EU có thể làm chậm tiến độ. Chúng ta có thể đàm phán lại một chút với Anh, đàm phán lại với EU. Khi đó là hiệp định song phương giữa Anh và Việt Nam chứ không còn là Việt Nam - EU.

Việc này có thể chậm tiến độ nhưng sẽ không quá lâu. Các nước EU hiện đang thúc đẩy hiệp định thương mại tự do để chứng tỏ có Anh hay không, các hiệp định thương mại tự do của EU cũng ít bị ảnh hưởng.

Những FTA mà Việt Nam tham gia

Đã ký kết

* TPP: Ngày 4/2/2016, TPP đã được ký kết chính thức, hiện các nước thành viên đang tiến hành thủ tục nội bộ để thông qua. Dự kiến TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Cùng với Hiệp định EVFTA, TPP được đánh giá là FTA có mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam

* AEC: Một trong những mục tiêu chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là hình thành một thị trường thống nhất và cơ sở sản xuất chung khu vực.

*ASEAN - Ấn Độ: ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ngày 8/10/2003. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết các Hiệp định về Hàng hóa (có hiệu lực 1/1/2010), Hiệp định về Dịch vụ (có hiệu lực 1/7/2015) và Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực 1/7/2015) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.

* ASEAN - Australia/New Zealand: ký Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) ngày 27/2/2009, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

* ASEAN - Hàn Quốc: ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện năm 2005. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết 4 Hiệp định khác về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 6/2007), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 5/2009), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 6/2009) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

* ASEAN - Nhật Bản: ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) vào tháng 4/2008 và Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.

* ASEAN-Trung Quốc: ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc.

* Các FTA song phương khác là: FTA Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Chile; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu.

 

Chưa ký kết và đang đàm phán

* RCEP (ASEAN+6): Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013.

* ASEAN - Hongkong: chính thức khởi động đàm phán FTA từ tháng 7/2014.

* Việt Nam - EU: Ngày 1/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016, văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

* Việt Nam - EFTA: FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012

. * Việt Nam - Israel: bắt đầu khởi động đàm phán FTA từ ngày 2/12/2015.

(Nguồn: Trung tâm WTO - VCCI)

Xin cảm ơn ông.