📞

Đa dạng ngoại giao kinh tế Việt Nam tại Trung Đông - châu Phi

09:10 | 13/12/2021
Mạng lưới Đại sứ Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi đã và đang có những hoạt động ngoại giao kinh tế sôi động, đa dạng với vai trò mở đường, đồng hành, hỗ trợ người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”, ngày 9/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển đất nước là nhiệm vụ xuyên suốt mọi hoạt động đối ngoại, theo đó “tất cả trụ cột, binh chủng đối ngoại đều nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế là nòng cốt”. Nhiệm vụ này cũng đặt ra yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong những năm qua, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam đã được triển khai tích cực, trong đó có khu vực Trung Đông và châu Phi. Trên cơ sở quan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi ngày càng được củng cố và đi vào chiều sâu, quan hệ hợp tác kinh tế đã trở thành một trong những điểm sáng trong quan hệ hai bên. Đây chính là kết tinh của những nỗ lực không ngừng nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế của các Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông - châu Phi.

Đại sứ Vũ Viết Dũng giới thiệu về Phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Nỗ lực vì lợi ích kinh tế nước nhà

Về phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng chia sẻ “luôn ý thức được nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, xác định gắng sức làm bất cứ gì có lợi cho kinh tế nước nhà, cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Bên cạnh việc giới thiệu một số đối tác tiềm năng về đầu tư vào trong nước, Đại sứ quán đã có sáng kiến vận động các doanh nghiệp ta gửi hàng mẫu xuất khẩu sang để Đại sứ quán giới thiệu tới các nhà nhập khẩu.

Cùng với việc mở Phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại Riyadh, Đại sứ quán đã trực tiếp mang hàng đi giới thiệu tại một số địa phương lớn ở Saudi Arabia và cũng có kế hoạch đưa hàng đi giới thiệu tại các địa bàn kiêm nhiệm (như Oman, Bahrain, Jordan).

Bên cạnh đó, xác định thế mạnh của Việt Nam là các mặt hàng nông sản, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cũng đang kiến nghị nhà nước ta có chính sách ngoại giao nông sản đối với Saudi Arabia để doanh nghiệp ta có thêm động lực, niềm tin khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam và UAE có tính bổ trợ cao. (Ảnh: Thu Hương)

Tối đa hóa tiềm năng hợp tác

Chia sẻ về phương châm trong ngoại giao kinh tế, Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, Đại sứ quán “luôn đặt ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại, với phương châm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, tận dụng mọi cơ hội đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước”.

Với phương châm trên, Đại sứ quán luôn chủ động tiếp cận lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn lớn của UAE để quảng bá tiềm năng hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tìm hiểu nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại của các đối tác UAE để giới thiệu, tư vấn cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp Việt Nam về các biện pháp thúc đẩy hợp tác.

Đại sứ Lê Huy Hoàng gặp làm việc với Ngoại trưởng Mozambique Verónica Nataniel Macamo Dlhovo, ngày 23/11/2020. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mozambique).

Cố gắng làm tốt nhiều mảng việc

Trong gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mozambique đã ký kết nhiều hiệp định, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong các lĩnh vực hợp tác như an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, văn hóa... và đặc biệt là Liên doanh Movitel của Tập đoàn Viettel tại Mozambique trong lĩnh vực đầu tư.

Trong quá trình triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng luôn xác định phương châm: “Ngoại giao kinh tế phải làm tốt nhiều mảng việc”. Theo Đại sứ, ta cần “tập trung theo dõi sát tình hình sở tại, tìm hiểu các chính sách kinh tế, mô hình phát triển sự đổi thay của sở tại để kịp thời tham mưu, tư vấn cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, Đại sứ cho biết cần “phải tích cực tìm kiếm cơ hội, nguồn lực phát triển cho đất nước; tạo sự đan xen lợi ích với các đối tác, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế của cả hai bên, phải chú trọng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đại sứ Trần Đức Hùng làm việc trực tuyến với Phó Chủ tịch Tập đoàn Vin Group và Trưởng đại diện Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) tại Singapore ngày 10/8/2021. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Qatar)

Chủ động, sáng tạo và thực chất

Nhận định về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư đang chuyển biến tích cực giữa Việt Nam và Qatar, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Trần Đức Hùng cho biết, “vẫn ở mức thấp khi so sánh với một số quốc gia Vùng Vịnh khác” , nhưng “tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn”.

Trên cơ sở đó, đối với Đại sứ Trần Đức Hùng, phương châm về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước nên hướng tới ba yếu tố: Chủ động, sáng tạo và thực chất.

Về yếu tố chủ động, Đại sứ cho biết luôn tranh thủ tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước quan tâm tới thị trường Qatar. Về yếu tố sáng tạo, Đại sứ quán đã tận dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Qatar trong bối cảnh Covid-19. Về yếu tố thực chất, Đại sứ quán cũng đã có nhiều hoạt động giới thiệu và kết nối nhiều nhà đầu tư với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Đỗ Minh Hùng (thứ ba từ phải) gặp làm việc với Cục trưởng Lãnh sự Eyal Siso để thúc đẩy đàm phán Hiệp định lao động, tháng 6/2021. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Israel)

Nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên

Theo Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Israel trong những năm gần đây phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu, thương mại... Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng khủng hoảng chính trị tại Israel đang đặt ra nhiều thách thức cho việc triển khai công tác đối ngoại, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế.

Đại sứ cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel luôn xác định công tác ngoại giao kinh tế là “nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên nhằm khai thác các thế mạnh trong quan hệ giữa hai nước”. Trong bối cảnh mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel xác định phương châm phải “chủ động, sáng tạo để đổi mới tư duy nhằm nhận diện, xác định các cơ hội mới và linh hoạt nhằm đổi mới cách làm, tận dụng từng cơ hội dù nhỏ nhất”.

Theo đó, Đại sứ quán tiếp tục duy trì các động lực quan trọng trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước, thúc đẩy thành công các vấn đề chính sách như sớm kết thúc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do, khởi động đàm phán hiệp định lao động.

Đại sứ Đặng Thu Hà tham dự Phiên tư vấn xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới thị trường Morocco, tháng 8/2021. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Morocco)

Trụ cột quan trọng trong chiến lược ngoại giao

Ý thức được tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế, thời gian qua Đại sứ Việt Nam tại Morocco Đặng Thị Thu Hà đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Morocco, đặc biệt chú trọng việc duy trì sự phối hợp chặt chẽ, hợp tác thường xuyên giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực kinh tế thương mại và doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối đối tác, xử lý các vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tổ chức các phiên kết nối doanh nghiệp hai nước...

Về định hướng trong thời gian tới, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco sẽ “tiếp tục bám sát các chỉ đạo trong nước về công tác ngoại giao kinh tế, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp thực tế tình hình địa bàn, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh hết sức có thể các hoạt động xúc tiến hợp tác, thương mại, đầu tư”.

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi. (Nguồn: NVCC).

Để người tiêu dùng “nghiện” hàng Việt Nam

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho rằng, để người tiêu dùng Nam Phi “nghiện” hàng Việt Nam, ngoài nỗ lực của hai bên, quan trọng nhất vẫn là từ doanh nghiệp.

Ông chỉ ra các thách thức đáng quan tâm nhất. Thách thức lớn nhất là hàng Việt Nam phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc với những lợi thế khó phủ định là giá rẻ và mẫu mã đẹp, đáp ứng đúng nhu cầu của gần 50% người tiêu dùng Nam Phi có mức sống thấp. Hiện chưa có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại nào của Việt Nam ở Nam Phi, do đó các doanh nghiệp thường phải thanh toán qua các ngân hàng Trung Quốc.Thực tế này càng làm tăng thêm độ rủi ro cũng như tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp hai nước khi quyết định ký kết hợp đồng, hợp tác làm ăn với nhau, hoặc nếu có thì thiên về ngắn hạn và theo vụ việc.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi đưa ra một số lời khuyên khi ký hợp đồng mua bán với đối tác Nam Phi, nhất là với các đối tác lần đầu thiết lập quan hệ làm ăn: Nên gặp gỡ trực tiếp hoặc tìm hiểu kỹ đối tác trước khi quyết định hợp tác; cần phải ký hợp đồng chính thức, có giá trị pháp lý ngay cả đối với các đơn hàng giá trị ít. Doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác cung cấp bản sao Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy xác nhận tài khoản của ngân hàng và giấy tờ tuỳ thân của chủ doanh nghiệp để kiểm tra, thẩm định thông tin về đối tác.

Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Thương vụ tại Nam Phi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, trong đó có việc cung cấp thông tin, kiểm tra tính pháp lý và tình hình hoạt động của đối tác Nam Phi.

Đại sứ Trần Thành Công làm việc với Phòng Thương mại tỉnh Biển Đỏ và tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ai Cập, từ ngày 5-7/7. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ai Cập)

Bám sát bối cảnh và tình hình

Nhận định về công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh mới, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cho rằng “công tác ngoại giao kinh tế phải bám sát bối cảnh và tình hình hiện nay, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phục vụ thiết thực cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025”.

Trong thời gian qua, Đại sứ quán đã làm việc với một số tỉnh, thành phố kinh tế lớn của Ai Cập; tích cực hỗ trợ tìm hiểu tập quán kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư, bảo hộ lợi ích và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tranh chấp thương mại với doanh nghiệp sở tại.

Đại sứ Ngô Toàn Thắng chào xã giao Thống đốc tỉnh Al-Ahmadi, Kuwait và quảng bá du lịch Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Kuwait)

Chú trọng thúc đẩy, quảng bá du lịch Việt Nam

Nhận thấy tiềm năng du lịch của người dân Kuwait, trong những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait đã chủ động xác định những điểm hạn chế, chủ yếu là do công tác quảng bá của Việt Nam chưa có chiều sâu và hiệu quả chưa cao, từ đó triển khai nhiều hoạt động mới mẻ nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam tới người dân Kuwait. Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng cho biết, Đại sứ quán đã xây dựng trang mạng xã hội riêng trên Instagram để quảng bá, cập nhật hình ảnh du lịch của Việt Nam; phối hợp với những cây viết về du lịch có tiếng tại Kuwait nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều cản trở cho công tác xúc tiến du lịch nhưng theo Đại sứ Ngô Toàn Thắng, Đại sứ quán vẫn nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước để chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch Kuwait đến Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV):

Với tiềm lực, cơ hội và những khó khăn trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, để đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại khu vực Trung Đông, theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm sau:

Doanh nghiệp cần bám sát và trao đổi thường xuyên với các Cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ tại Trung Đông bởi đây chính là đơn vị “mở đường, đồng hành” chính thức và đại diện cho Việt Nam, có trách nhiệm cao nhất để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong công tác tìm hiểu thị trường, nhu cầu và đầu mối, hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư, thương mại; Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường. Đặc biệt là phải xác định chính xác hơn nhu cầu của thị trường với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp có thể cung cấp, để từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp...

Ông Krishnakanth Kodukula - Tổng Giám đốc Zamil Steel Việt Nam:

Trong thời gian qua, chúng tôi đã thấy nhiều nghị quyết và kế hoạch hành động tích cực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư...

Trong hai năm 2020 và 2021, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy yếu mạnh và kinh tế giảm sút ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch bùng phát bằng gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa bao gồm nhiều loại thuế, các biện pháp hỗ trợ. Tất cả hành động nhanh chóng và kịp thời này của Chính phủ Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư và duy trì được dòng vốn FDI cho nhiều lĩnh vực quan trọng như sản xuất, công nghệ cao và ngành hàng tiêu dùng.