📞

Đã đến lúc ASEAN sở hữu một thương hiệu riêng

14:50 | 13/10/2017
Không có lý do gì để ASEAN không thể tạo ra một thương hiệu sản phẩm cho riêng mình như Sony của Nhật Bản hay Samsung của Hàn Quốc. Có lẽ đây là thời điểm phù hợp để ASEAN đẩy mạnh chiến lược hội nhập kinh tế và tạo ra thương hiệu sản phẩm riêng.

Chuyên gia phân tích kinh tế Phidel Vineles tại trung tâm nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Nanyang, Singapore đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trên The Today vừa qua.

Ảnh minh họa: Một thương hiệu riêng sẽ giúp kinh tế ASEAN hội nhập mạnh mẽ hơn. (Nguồn: The TODAY)

ASEAN hiện tại là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với tổng kim ngạch thương mại lên tới 2,3 nghìn tỷ USD trong năm 2015. ASEAN có chính sách thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia ngoài khu vực, dự kiến, ASEAN sẽ là một công xưởng của thế giới trong 10 đến 15 năm tới. Điều quan trọng là ASEAN phải nhận thức được tiềm năng sản xuất của khu vực trong việc tạo ra các sản phẩm thương hiệu của mình, với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực.

Có một số lý do để ASEAN đầu tư vào ngành điện tử để phát triển các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình. Thứ nhất, điện tử là ngành xuất khẩu lớn nhất trong khu vực, với tổng giá trị lên tới 289 tỷ USD năm 2015, tương đương với 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của khu vực. Theo Ban thư ký ASEAN, các sản phẩm liên quan đến điện cũng chiếm khoảng 21,4% xuất khẩu nội khối. Bên cạnh đó, trong khoảng 15 năm tới, sự phân bổ các yếu tố sản xuất cũng sẽ được hiện thực hóa giữa các nước thành viên.

Theo một nghiên cứu mang tên “ASEAN: Chân trời mới” của một nhóm chuyên gia Australia và New Zealand, cũng trong khoảng thời gian này, ASEAN cũng sẽ hình thành ba tiểu vùng, bao gồm khu vực Mekong (Myanmar, Campuchia, Lào), Các nhà sản xuất cạnh tranh tầm trung (Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines) và các nền kinh tế có thu nhập cao (Singapore, Malaysia).

Tiểu vùng thứ nhất sẽ cung cấp lao động giá rẻ cho các cơ sở sản xuất ở tiểu vùng thứ hai, trong khi đó, tiểu vùng thứ ba sẽ hỗ trợ phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng cao như thiết kế sản phẩm. Nói cách khác, sự kết hợp thế mạnh kinh tế của mỗi quốc gia thành viên ASEAN sẽ là điều kiện tiên quyết cho ASEAN phát triển các sản phẩm thương hiệu riêng trong ngành điện tử. Đặc biệt, Singapore sẵn sàng cung cấp các phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt là trong hoạt động nghiên cứu để ASEAN đạt được mục tiêu của mình.  

Việc tạo ra sản phẩm công nghệ mang thương hiệu ASEAN sẽ tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực và sẽ là một cơ hội để thúc đẩy cảnh quan kinh tế đa dạng của Hiệp hội. Nhưng để hiện thực hóa kế hoạch này, hơn bao giờ hết, ASEAN cần có vốn và tập trung đầu tư vào con người để cung cấp cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết. Đồng thời, ASEAN cũng phải thiết kế một lộ trình để làm rõ những hoạt động sản xuất cần được tăng cường trong khu vực.

Hợp tác sản xuất cũng sẽ giúp ASEAN củng cố vị trí trung tâm trong kiến trúc kinh tế khu vực châu Á. Một thương hiệu ASEAN góp phần biến khu vực trở thành một nền kinh tế cấp khu vực tích hợp và gắn kết mạnh mẽ. Một nền kinh tế vững mạnh giống như một máy bay có hai động cơ, đó là thị trường xuất khẩu và thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, ASEAN mới làm tốt ở thị trường xuất khẩu. Một khi dựa rất lớn vào thị trường xuất khẩu, nếu môi trường xung quanh mà biến động lớn sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ASEAN.

Năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Với triển vọng phát triển kinh tế ngày càng tăng cùng với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đã đến lúc ASEAN phải xây dựng thêm một chiến lược hội nhập kinh tế, trong đó tất cả các nước thành viên sẽ hợp tác để phát triển thương hiệu sản phẩm của riêng khu vực.

(theo The Today)