Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, do UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch trong ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin về Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022 chiều 21/11, ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc HPA cho biết, tiếp nối thành công của các kỳ tổ chức hội chợ những năm vừa qua, Hội chợ tiếp tục được tổ chức, là một trong những giải pháp cần thiết, hiệu quả cho các doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19.
Hội nghị cung cấp thông tin về Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022, chiều 21/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Hội chợ năm 2022 có quy mô 260 gian hàng với hơn 350 đơn vị, doanh nghiệp của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trực tiếp và hội tụ đủ sản phẩm, đặc sản của 63 vùng, miền cả nước. Sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban Tổ chức lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương; các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…).
Với quy mô 4.000 - 4.500m2, khoảng 260 gian hàng, Hội chợ được thiết kế, trang trí, dàn dựng tổng thể thể hiện hình ảnh các vùng miền, khu vực như: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên...
Hội chợ được phân bổ thành các không gian như: Không gian các gian hàng đặc sản của các tỉnh, thành phố trong cả nước; Không gian sản phẩm đặc sản, OCOP Hà Nội; Không gian sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý; sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để cung cấp cho các chuỗi phân phối tại nước ngoài; Không gian sản phẩm đặc sản quốc tế của Đại sứ quán, tổ chức quốc tế một số nước tại Hà Nội;
Cùng với đó là không gian ẩm thực đặc sản 3 miền; Không gian tiểu cảnh trang trí sân khấu, cổng chào; Không gian trình diễn sản phẩm; quảng bá du lịch, văn hóa… Không gian giao dịch kết nối giữa đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối (Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, sàn thương mại điện tử...)
Tại Hội chợ, các nhà phân phối, Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử… sẽ giao dịch trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ tìm hiểu sản phẩm, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp... tìm kiếm nguồn hàng dưa vào hệ thống phân phối; đàm phán ký kết biên bản hợp tác, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm.
Ban tổ chức Hội chợ cũng sẽ phối hợp với các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam (Aeon, Central Group, Lotte...), sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước kết nối, lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tiến tới xuất khẩu, đưa vào hệ thống phân phối tại các nước. Đồng thời, tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, chất lượng mẫu mã, bao bì phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, tại Hội chợ còn có trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch với các hoạt động tôn vinh sản phẩm truyền thống; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; trình diễn thưởng trà Vùng Tây bắc, quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng và giới thiệu văn hóa trà; Lễ hội quảng bá thương hiệu đặc sản trái cây…
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022 sẽ có không gian ẩm thực đặc sản 3 miền. (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) |
Theo bà Lại Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại (HPA), Hội chợ lần này sẽ tập trung giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nổi tiếng, đặc sắc đến từ nhiều làng nghề truyền thống Hà Nội như mây tre đan Phú Xuyên, gốm Bát Tràng, cốm làng Vòng...Ngoài ra, Hội chợ còn có sự tham gia trưng bày của một số Đại sứ quán như Đại sứ quán Bulgaria, Đại sứ quán Ba Lan với nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của hai đất nước.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, năm 2022 Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn hơn so với các năm trước, nhiều tiểu cảnh đặc trưng các vùng miền trên cả nước được dàn dựng, trang trí đặc biệt, các gian hàng được thiết kế theo module đặc biệt, vừa hiện đại vừa truyền thống theo không gian mở ngoài trời, là điểm khác biệt so với mọi năm.
Năm nay, theo số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký trực tiếp thì có khoảng 50% là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2023, Hội chợ phấn đấu 100% sản phẩm bày bán đều đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, Ban tổ chức sẽ mời một số nhà nhập khẩu nước ngoài tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… tham gia Hội chợ.
Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng lên về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch có uy tín cao, có tính lan tỏa, được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá cao, kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối tạo thành chuỗi liên kết giá trị; hỗ trợ hiệu quả cho các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu đến thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu.