📞

Đặc sắc văn hóa của đồng bào vùng biên giới Quảng Bình

Nguyễn Hương 14:15 | 21/11/2021
Baoquocte.vn. Ba dân tộc anh em cùng sinh sống ở vùng núi Trường Sơn, phía Tây Quảng Bình có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện khát vọng được sống trong hòa bình, hạnh phúc và ấm no.
Thanh niên người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thi đập trống. (Nguồn: phongnhaexplorer.com)

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có các dân tộc anh em đang cùng nhau sinh sống, gồm: Kinh, Chứt, Bru-Vân Kiều và một bộ phận nhỏ đồng bào các dân tộc như Lào, Thái, Mường, Tày, Nùng,...

Địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở vùng rừng núi Trường Sơn, phía Tây Quảng Bình.

Dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng; cư trú tại một số xã thuộc các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Dân tộc Bru-Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơme, gồm các tộc người: Vân kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; cư trú tại một số xã thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.

Đời sống văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng, gắn liền với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng dân tộc.

Nơi đây hội tụ và lưu giữ khá nguyên vẹn các loại hình văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể, các nghề thủ công truyền thống. Nghệ thuật trình diễn về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được đúc kết qua nhiều thế hệ.

Các hoạt động lao động, sản xuất, các lễ hội truyền thống hình thành các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc mang đậm nét văn hóa truyền thống của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự kiện văn hóa nổi bật của Quảng Bình là Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Lễ hội đập trống của người Ma Coong được tổ chức vào ngày 14-16 tháng Giêng âm lịch hằng năm ở xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là một lễ hội văn hóa đặc sắc, còn giữ được những nét hoang sơ nhất của tộc người Ma Coong.

Mục đích của lễ hội là cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân bản được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh... Ngoài ra, lễ hội còn là đêm hội “tự do” tình yêu của người dân nơi đây.

“Tự do” ở đây được hiểu là mọi người, không kể lạ quen, người bản này bản kia, người có gia đình hay chưa... khi mặt trống bị đánh vỡ, tất cả đều được dắt nhau vào rừng chuyện trò, tình tự, thổ lộ những điều thầm kín...

Nhưng họ phải trở về nhà trước khi gà gáy sáng để quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau. Có những cặp lại cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến đặt lễ trầu cau, nên duyên vợ chồng.

Những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần. Khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc Lễ hội đập trống của người Ma Coong kết thúc.

Ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2968/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quảng bá ẩm thực trong Hội Rằm tháng Ba ở Minh Hoá, Quảng Bình. (Nguồn: phongnhaexplorer.com)

Hội Rằm tháng Ba và Lễ hội trỉa lúa

Hội Rằm tháng Ba Minh Hoá (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng là sự kiện văn hóa đặc sắc trong năm.

Là hoạt động diễn ra trên quy mô lớn, Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa thu hút tất cả người dân huyện Minh Hóa và đông đảo du khách thập phương tham gia, có lúc lên đến vài vạn người. Lễ hội thể hiện tính cộng đồng cao trên tinh thần tự nguyện tham gia và đóng góp công sức, tiền của cho ngày hội chung.

Sự kiện diễn ra vào tiết tháng Ba, khi hương xuân còn đọng lại trong chồi non cây cối, trong cảnh sắc thiên nhiên, trong tâm hồn con người. Lễ hội đã tạo nên sự hòa quyện với nhau giữa trời và đất, giữa con người với thiên nhiên, với thần linh và giữa con người với nhau.

Đến với lễ hội, người dân muốn bày tỏ sự tưởng nhớ các vị thần linh đã có công, muốn hưởng không khí vui vẻ để quên đi những ngày lao động mệt nhọc, khổ cực; để thăng hoa, hòa nhập vào thế giới cộng đồng trong sự cộng hưởng về hạnh phúc an lành.

Đến với lễ hội, người dân muốn bày tỏ sự tưởng nhớ các vị thần linh đã có công, muốn hưởng không khí vui vẻ để quên đi những ngày lao động mệt nhọc, khổ cực; để thăng hoa, hòa nhập vào thế giới cộng đồng trong sự cộng hưởng về hạnh phúc an lành.

Phần hội được diễn ra một cách sôi động, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng sơn cước. Các hoạt động văn hóa dân gian bao gồm hát ví đúm (hát đối đáp), hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, chơi đu, nhảy sạp, đi cà kheo...

Ngoài ra, Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cũng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Đây là một lễ hội để đồng bào nơi đây cầu xin thần linh ban cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa, cây ngô của dân làng.

Người Bru-Vân Kiều ở miền núi phía tây Quảng Bình cư trú ở vùng có khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai... liên miên. Vì thế mà đồng bào phải sống du canh du cư, phát đốt, cốt, trỉa để sinh tồn, dựa vào tự nhiên, rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người Bru-Vân Kiều là canh tác rẫy và trồng lúa.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Bru-Vân Kiều được tổ chức trên quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp lại. Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ.

Mỗi dòng họ đóng góp theo suất của từng hộ gia đình... Các suất được quy định như 1 con lợn, bảy con gà, 1 ché rượu và chung tiền đế mua 1 con trâu để tổ chức đâm trâu. Con trâu là con vật hiến sinh mang ý nghĩa thiêng liêng, là nguồn thực phẩm dồi dào được đồng bào ưa chuộng, là món ăn chính trong ngày hội.

Phần lễ có các nghi lễ truyền thống: Dân bản đứng khép vòng quanh con vật hiến sinh. Già làng bước vào giữa vòng, tay rót đầy ly rượu, khấn to xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu, người dân bản no ấm.

Phần hội có các hoạt động vui chơi giải trí như tổ chức các trò chơi dân gian, hò hát giao duyên,....