Mục sư Jossy Chacko, đại biểu trong đoàn mục sư Tin lành quốc tế trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, mục sư Jossy Chacko, sống ở Melbourne, Australia, hiện đang điều hành một số doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận Cơ đốc giáo và các tổ chức từ thiện, bày tỏ ấn tượng trước sự cởi mở và sẵn sàng đối thoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho người dân.
Xin ông chia sẻ cảm nhận về Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua?
Tôi tin rằng Việt Nam là một viên ngọc quý hiếm, tươi đẹp và cần được gìn giữ cẩn trọng. Quốc gia này giống như một đóa hoa e ấp khoe sắc vẻ đẹp của đất nước và con người.
Đến Việt Nam, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và vui mừng về sự tiến bộ về kinh tế và xã hội mà các bạn đã và đang đạt được
Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về các chính sách và pháp luật của Việt Nam liên quan đến tự do tôn giáo?
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm tự do tôn giáo cho người dân. Một lần nữa tôi rất ngạc nhiên về sự cởi mở, sẵn sàng đối thoại và mức độ xây dựng, hiện đại mà Việt Nam đang đạt được trong lĩnh vực này.
Khi tôi trò chuyện với những người Cơ đốc giáo ở Việt Nam, họ rất lạc quan và phấn khởi về tương lai của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo.
Là người có nền tảng kinh doanh tại Australia và trên trường quốc tế, ông đã có những trải nghiệm nào với việc thực hành tôn giáo tại Việt Nam trong môi trường công việc và kinh doanh?
Chắc chắn rồi, một trong những doanh nghiệp mà tôi tham gia điều hành là công ty xuất khẩu vật phẩm tôn giáo và doanh nghiệp này cũng đang xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam.
Tại các nhà máy và văn phòng công ty của chúng tôi, các tín đồ tôn giáo, dù chỉ là một nhóm người, nhưng mọi người đều có thể thực hành tôn giáo. Đó có thể là việc tự do cầu nguyện, khích lệ lẫn nhau, hay sự tôn trọng lẫn nhau về đức tin. Tôi nghĩ điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống tôn giáo lành mạnh cho mỗi người, mỗi cá nhân trong xã hội.
Đoàn mục sư Tin lành quốc tế thăm điểm nhóm Tin lành Aquila ở Quốc Oai, Hà Nội. (Nguồn: Thời đại) |
Với chính sách cởi mở về tự do tôn giáo của Việt Nam, nhiều tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế như Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo?
Chính phủ Việt Nam đã xuất sắc trong việc thiết lập khung pháp lý cho các tổ chức tôn giáo có thể tham gia vào các sự kiện quốc tế, thúc đẩy đối thoại và thành lập các cơ quan chuyên trách hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Tôi đã tham gia vào sự kiện Bữa sáng cầu nguyện quốc gia (National Prayer Breakfast) ở nhiều quốc gia và tôi cũng thấy Việt Nam đang cử đại diện tham gia vào một số sự kiện như vậy. Điều này cho thấy Việt Nam đã tiếp thu thực tiễn trên thế giới và tích hợp hiệu quả những kinh nghiệm đó vào các chính sách của mình.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cho công dân?
Chính phủ có trách nhiệm đối với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm tự do tôn giáo. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cân bằng tất cả những yếu tố kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Tôi khuyến khích các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và phát huy các nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho công dân, đặc biệt là trong việc mở rộng các cuộc đối thoại với cộng đồng quốc tế.
Tôi nghĩ thế giới cần thấy được sự cởi mở và tự do của Việt Nam. Nhiều người chưa từng đến Việt Nam vẫn nghĩ đất nước này bị mắc kẹt trong quá khứ. Họ không thực sự hiểu Việt Nam đang ở đâu và vị thế quốc tế như thế nào.
Tôi chắc chắn sẽ khuyến khích mọi người đến thăm và chứng kiến Việt Nam hiện đại và rộng mở như thế nào. Những định kiến còn tồn tại về Việt Nam cần phải loại bỏ và thay đổi.
Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tập trung hơn vào công tác truyền thông với quốc tế về những thành tựu và những mục tiêu các bạn đã đạt được, và cộng đồng quốc tế cần mở rộng tầm hiểu biết về sự tự do và vẻ đẹp của Việt Nam ngày nay.
Xin cảm ơn ông!
Mục sư Jossy Chacko chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang) |