Đại biểu Nguyễn Anh Trí. |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Cán bộ y tế cơ sở làm ngày làm đêm nhưng thù lao trực chỉ có 18.600 đồng/đêm
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ có 18.600 đồng/đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng nghìn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc.
Ông Trí cho rằng: "Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch Covid-19 trong hoạt động bảo vệ nhân dân nay đang bải hoải đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ, tạm nghỉ".
Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành y tế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà: Cuộc chiến của các nhân viên y tế
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong ba năm qua, toàn ngành y đã dốc sức tham gia khống chế đại dịch Covid-19.
Bà Hà khẳng định: "Đây thật sự là một cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế. Hiện nay, chúng ta có thể tự tin khẳng định, dịch bệnh đã được kiểm soát".
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, khi mà hệ thống chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa cập nhật kịp thời, tháng 7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30. Trong đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, nhưng cần thiết để kịp thời đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh và cũng là minh chứng cho thấy sự cần thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, đại biểu Hà cho rằng, đây không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là định hướng lâu dài cho ngành trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Do vậy, đại biểu Hà nhất trí cao với nội dung Tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Đại biểu Nguyễn Công Long: Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần giải quyết căn bản vấn đề bất cập...
Đại biểu Nguyễn Công Long. |
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế. Trong đó, phải giải quyết những điều, những quy định bất hợp lý mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam là mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công.
Theo ông Long, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm giám đốc bệnh viện công, trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên.
Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành quản trị hoạt động bệnh viện, dẫn đến những bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, làm cho chất lượng dịch vụ kém, hoạt động khám, chữa bệnh thiếu tính chuyên nghiệp.
Do đó, theo đại biểu Nguyễn Công Long, đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực nhiệm vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành được cả hai.
Đại biểu Long nêu quan điểm: "Chúng ta thử hình dung, giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó thì có vô số những lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn".
Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và các giám đốc điều hành và dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà chuyên môn bằng các nhà quản lý kinh nghiệm.
Ông Long cho rằng, CEO không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành nhằm tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng bệnh viện, bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ, đó là chăm sóc và chữa bệnh.
Tuy nhiên, ông Long cho biết, theo đánh giá chung của ngành y tế, quá trình thực hiện các mô hình nói trên gặp hai rào cản chính, đó là nhận thức và thể chế.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm. |
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) tán thành với sự cần thiết sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Cầm cho rằng, chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.
Theo đại biểu đoàn Tiền Giang, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu quan điểm: "Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua".
| Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: 'Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, ... |
| Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Xu hướng đổ lỗi khiến nạn nhân bị 'bạo lực kép' Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, xu hướng đổ lỗi ... |