Cuộc sống trong trạng thái bình thường mới tại Hà Nội. (Nguồn: Dân trí) |
Tầm quan trọng của vaccine
Chia sẻ về câu chuyện vaccine, PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cùng với thông điệp 5K, vacine chính là yếu tố quan trọng cho cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Truyền cho biết, nếu như trước đây, quá trình sản xuất thành công vaccine thường phải mất tới 10 năm, nhưng việc phải triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 một cách “thần tốc” như hiện nay là sự nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học.
Ông nói: “Thế giới đã thay đổi, chúng ta buộc phải tiếp cận với cách nhìn mới. Như tôi được biết thì hiện tại trên thế giới có 10 công nghệ sản xuất vaccine, không còn là công nghệ truyền thống trước đây. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp các nhà khoa học có nhiều công cụ hữu hiệu hơn để sản xuất vaccine. Điều này đã tạo nên những thành tựu khoa học tuyệt vời như việc phát minh ra vaccine AstraZeneca chỉ trong vòng chín tháng”.
Cũng theo ông Lê Văn Truyền, Tổ chức Y tế thế giới chỉ cấp phép vaccine khi đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và chấp nhận một tỷ lệ biến chứng nhỏ. Tuy nhiên, dù sử dụng công nghệ gì thì mỗi loại vaccine có một ưu điểm riêng với mục tiêu có thể bao phủ cho 6 tỷ người trên thế giới, tức là cần tới 12 tỷ liều.
Về việc ban hành Nghị quyết 128, PGS. TS. Lê Văn Truyền cũng thấy rằng, các chính sách của Chính phủ đều đi từ bài học thực tiễn và cần điều chỉnh theo tình hình thực tế. Ngoài ra, cùng với việc thích ứng với trạng thái bình thường mới, thì tinh thần cảnh giác với dịch bệnh càng không được chủ quan, lơ là.
“Rất có thể sau SARS-CoV-2 sẽ có SARS-CoV-3, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo điều này. Tuy nhiên, những bài học quý rút ra từ quá khứ sẽ giúp ta đối phó tốt hơn trong tương lai.
Tôi rất tâm đắc một câu của Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky đó là ‘Con người chúng ta đang chiến đấu với nhau chứ không phải là con virus’. Tôi nghĩ, từ chiến đấu ở đây phải để trong ngoặc kép, có nghĩa chúng ta phải luôn hợp tác cùng nhau trên phạm vi từng người, từng địa phương, từng ngành, từ trong nước đến quốc tế”, ông Lê Văn Truyền chia sẻ.
Chống dịch với tinh thần tích cực
Khẳng định vaccine là một lối thoát trong dịch bệnh, PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Chủ tịch Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, việc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe ở thời điểm hiện nay rất quan trọng.
Ông Doãn Ngọc Hải bày tỏ băn khoăn khi nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt những người ở những vùng sâu vùng xa, không có thói quen khám chữa bệnh thường xuyên dẫn đến dễ bị mắc bệnh nền. Bởi vậy, để cuộc sống có thể trở lại bình thường, cần sự chung tay trong ý thức phòng bệnh, tiêm vaccine và phải bảo vệ những người có nguy cơ mắc dịch bệnh cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh mới, bên cạnh những cảnh báo, thì theo ông, tinh thần chống dịch cũng cần những tư duy mới mẻ và tích cực hơn nữa.
“Covid-19 nguy hiểm thật nhưng con người phải suy nghĩ tích cực hơn, phải nâng cao sức khỏe của mình lên để đối phó với nó. Khi đặt hàng và cho phát hành bài hát nổi tiếng Ghen Covy, Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cũng suy nghĩ cần phải tuyên truyền chống dịch theo cách vui vẻ nhất để cổ vũ và khích lệ cộng đồng”, ông Doãn Ngọc Hải nói.
Nói về việc nâng cao sức khỏe trong tình hình mới, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books cho rằng, các kiến thức y học và bảo vệ sức khỏe đôi khi đang bị nhiều người quên lãng và không coi trọng trong cuộc sống ngày nay.
Vì vậy, trong năm qua, ông Bình đã sáng lập Medinsights, một dự án xuất bản tri thức y học hiện đại nhằm lan tỏa tri thức về y học cho cộng đồng Việt Nam.
Tin liên quan |
Văn hóa, du lịch và thể thao hoạt động trở lại thế nào trong trạng thái bình thường mới? |
Medinsights bao gồm các sách y học thường thức cho độc giả đại chúng, sách chuyên ngành và giáo trình y khoa cho sinh viên và bác sĩ, cổng thông tin y học và các dữ liệu số. Dự án mong muốn đóng góp tích cực vào nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển của nền y học nước nhà, dưới các phương thức và hình thức xuất bản mới mẻ, đa dạng.
Đáng chú ý, tại tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cũng phân tích, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể về chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và đưa Nghị quyết vào thực thi hiệu quả trong cuộc sống.
Phát biểu tại tọa đàm, GS. TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, Nghị quyết 128 ra đời kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tích ứng an toàn, linh hoạt để phòng chống dịch hiệu quả và đánh dấu mốc cho việc cả nước chuyển qua giai đoạn bình thường mới.
Ông nói: “Thực tế, chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới, vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không hoảng sợ, lo lắng quá mức. Nghị quyết 128 xây dựng dựa trên ba tiêu chí: số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần, số người đã tiêm và khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc và điều cần thiết khi triển khai thực hiện cần phải thống nhất trong cả nước”.
| Văn hóa, du lịch và thể thao hoạt động trở lại thế nào trong trạng thái bình thường mới? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có hướng dẫn tạm thời cho các hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thích ứng an toàn, thống nhất trên toàn quốc để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 Sáng ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực ... |