Ông Terence Jones, quyền Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế mà còn là thách thức kinh tế nghiêm trọng. (Ảnh: UNDP) |
Phục hồi kinh tế chậm lại
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Terence Jones cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế mà còn là thách thức kinh tế nghiêm trọng, thậm chí còn mang đến những hệ lụy ghê gớm hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Sau khi sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020, hoạt động trao đổi thương mại và sản xuất toàn cầu đã phục hồi trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Terence Jones nhận định: "Cuộc khủng hoảng còn lâu mới đi đến hồi kết, với hơn 400.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, trong đó có khoảng hơn 50.000 ca ở khu vực Đông Nam Á.
Hy vọng lớn nhất của chúng ta vẫn là việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng và công bằng trên toàn thế giới”.
Bên cạnh đó, đại diện UNDP cho rằng, các quốc gia cũng cần phối hợp hành động đa phương để duy trì đầu tư, thương mại và hướng tới khôi phục chuỗi cung ứng hậu đại dịch.
Đối với Đông Nam Á, năm 2020, tốc độ tăng trưởng giảm 3,9% do nguồn thu từ ngành du lịch và đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh. Các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng cũng bị gián đoạn.
Ông Terence Jones cho rằng, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, sự phục hồi kinh tế trong khu vực có thể bị chậm lại trong năm 2021 và năm 2022.
Đại diện UNDP nhận định: “Tốc độ tăng trưởng trong khu vực sẽ tăng trong năm nay, tuy nhiên thấp hơn so với các khu vực khác.
Trong năm 2022, kinh tế khu vực sẽ khởi sắc hơn do các ngành như du lịch, vận tải và dịch vụ có thể bắt đầu phục hồi hoàn toàn”.
Gói trợ cấp tương đương 5% GDP
Ở Việt Nam, do các chính sách giãn cách xã hội dẫn tới phải tiết kiệm bắt buộc hoặc tiết kiệm ngoài kế hoạch, làm mất thu nhập đối với các công ty sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, khiến nguồn thu ngân sách giảm..
Theo ông Terence Jones, Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng, thị trường việc làm và thu nhập của người dân bằng một chương trình hỗ trợ tiền mặt quy mô lớn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà không lo ngại lạm phát hoặc tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán.
Đại diện UNDP khuyến cáo, Chính phủ có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP một quý, tương đương 77.000 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ tạo ra "hiệu ứng cấp số nhân" tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn, tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng nền kinh tế.
Ông Terence Jones nhấn mạnh: "Gói hỗ trợ này vừa trợ giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cho rằng cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt".
Theo đại diện UNDP, cách nhanh nhất để triển khai gói hỗ trợ 77.000 tỷ đồng là áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em. Theo đó, mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ), với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi, sẽ được hỗ trợ ngay.
Đồng thời, gói này có thể hỗ trợ phụ nữ mang thai, người từ 60 tuổi trở lên (bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên) với điều kiện họ không có lương hưu. Ngoài ra, gói hỗ trợ còn có thể hướng đến đối tượng là người khuyết tật.
Ông Terence Jones đề xuất: "Chính phủ cũng cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hằng tháng hay một lần, áp dụng cho 3 tháng cuối năm nay”.
Đại diện UNDP: Chính phủ có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP một quý, tương đương 77.000 tỷ đồng. |
Tăng cường các chương trình hỗ trợ bổ sung
Theo ông Terece Jones, một trong những bài học quan trọng rút ra từ sự lây lan dịch bệnh với tốc độ chóng mặt của biến thể Delta là chúng ta không chỉ phải đối mặt với những bước lùi, mà thậm chí là chúng ta cần phải dự kiến trước những bước lùi đó.
Do vậy, đại diện UNDP nhấn mạnh: “Một mặt, cần triển khai gói hỗ trợ tạm thời ngay lập tức; mặt khác, cần chuẩn bị xây dựng các chương trình bổ sung nhằm duy trì tăng trưởng và tiêu dùng tư nhân trong trường hợp cần thiết”.
Các chương trình bổ sung nhằm giải quyết các vấn đề mà chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được. Ví dụ như:
Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, thực hiện đăng ký điện tử cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội dựa trên mã số định danh duy nhất thay vì dựa trên đăng ký cư trú.
Thứ hai, triển khai chương trình hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm đảm bảo người lao động thu nhập thấp không bị buộc phải rời khỏi nơi thuê trọ trong thời gian giãn cách do mất thu nhập.
Thứ ba, triển khai chương trình hỗ trợ máy tính bảng giá phải chăng cho mọi trẻ trong độ tuổi đến trường để đảm bảo việc học online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Thứ tư, phát phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm giá đối với các nhu yếu phẩm sản xuất trong nước như gạo, rau củ quả, dầu ăn, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập…
Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch, bao gồm Nghị quyết 42/NQ-CP được ban hành vào tháng 4/2020 nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có trị giá khoảng 62 nghìn tỷ đồng; Nghị quyết 68/NQ-CP được ban hành vào tháng 7/2021 gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng.
Ông Terence Jones cho rằng, Chính phủ đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.