Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. |
Xin ông cho biết cảm nhận của mình về sự phát triển của Việt Nam những năm qua?
Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc kể từ những năm 1990. Từ một quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình nhờ các chính sách cải cách, sự cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng công bằng và xóa đói giảm nghèo.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hai năm qua, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân. Vào thời điểm này năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã trở thành một trong các nước đi đầu khi triển khai nhanh chóng vaccine Covid-19 cho toàn dân.
Chương trình tiêm chủng tích cực đã nhanh chóng kéo theo sau một chiến dịch phục hồi kinh tế. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa biên giới và dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh. Đây được coi là chìa khóa trong việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế. Cho đến nay, điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể, xuất khẩu ngày càng phát triển và du lịch quốc tế đang quay trở lại.
Tuy nhiên, nhiều thách thức còn tồn tại. Vào đỉnh điểm của đại dịch năm 2021, tình trạng nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở những người di cư, lao động tự do và lao động có kỹ năng thấp không đủ điều kiện nhận trợ cấp. Khoảng cách bất bình đẳng gia tăng giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp.
Để đối phó với điều này, Việt Nam đã triển khai hai gói hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, do các yêu cầu hành chính, sự hỗ trợ đôi khi đã không đến được kịp thời với những người có nhu cầu.
Mặc dù tăng trưởng cao trong ba quý đầu năm 2022 do du lịch, vận tải và các dịch vụ khác khởi động trở lại, nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu đã có những tác động bước đầu đến Việt Nam. Tăng trưởng bền vững phải đối mặt với tác động của xung đột ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng cao, bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu…
Trong nửa cuối năm 2022, biến động trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã từng tạo ra tâm lý bất an. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao, hạn hán và lũ lụt. Giai đoạn vừa qua đúng như cái tên “Thời đại bất định, cuộc sống bất an” của Báo cáo Phát triển Con người 2021-2022 của UNDP.
Do đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Trước các mối đe dọa khí hậu ngày càng tăng và các cam kết về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần lập kế hoạch và tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tạo tiền đề thích hợp, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài chính dài hạn trong nước cho phát triển, hiệu quả đầu tư công, xây dựng thể chế vững mạnh và đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển.
Việt Nam cũng cần xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thành công có thể xuất phát từ việc thử nghiệm ở cấp địa phương và cấp ngành, với sự chia sẻ bài học giữa các địa phương, tỉnh, sở và bộ ngành.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để xây dựng một Việt Nam xanh, bao trùm và thịnh vượng.
Việt Nam đang bắt đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2025. Ông kỳ vọng gì ở Việt Nam khi đảm nhận vai trò này?
Một lần nữa tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền mang đến một trách nhiệm to lớn nhưng cũng là một cơ hội quan trọng để thể hiện những nỗ lực cụ thể trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Trong nhiệm kỳ của mình tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ trải qua Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4, cơ chế được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất của Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của mình trong việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế bằng cách bảo đảm sự tham gia thực chất của các bên liên quan, đặc biệt là các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và bằng cách tăng cường chấp nhận các khuyến nghị và cam kết xây dựng lộ trình thực hiện các khuyến nghị nhận được.
UNDP mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người phổ quát. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong nhiệm kỳ 2023-2025 với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình theo các cơ quan công ước khác nhau của Liên hợp quốc, ví dụ như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) và Công ước chống tra tấn (CAT). Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng cường công tác báo cáo theo các cơ chế chủ chốt này bằng cách theo dõi các nỗ lực quốc gia bằng dữ liệu và chỉ số, cũng như đẩy nhanh việc thực hiện các khuyến nghị do các cơ quan công ước này đưa ra.
Việc Việt Nam gần đây phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh là một bước quan trọng để tiếp tục bảo vệ quyền của người khuyết tật. Tôi tin rằng bước tiếp theo là biến những nghĩa vụ pháp lý này thành hiện thực.
Trong khi thực hiện các cam kết quốc tế mới về nhân quyền, Việt Nam nên xem xét phê chuẩn các công ước nhân quyền cốt lõi còn lại của Liên hợp quốc, bao gồm Công ước quốc tế bảo vệ tất cả mọi người khỏi mất tích cưỡng bức, Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình của họ, hay Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR... Việc Việt Nam phê chuẩn các công ước quan trọng này sẽ là một bằng chứng mạnh mẽ cho các cam kết nhân quyền của mình.
Trong các Bản cam kết tự nguyện với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo bình đẳng giới, quyền con người trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Giờ đây, Việt Nam đã chính thức ngồi vào vị trí của Hội đồng Nhân quyền, cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam sẽ trông chờ vào vai trò lãnh đạo tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các ưu tiên này, cả ở trong nước và trên trường quốc tế.
UNDP muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người phổ quát cho tất cả mọi người ở Việt Nam và góp phần giải quyết các thách thức về nhân quyền trên toàn cầu.
Trong dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua, ông đã có những trải nghiệm và ấn tượng gì đặc biệt?
Đây là cái Tết thứ hai của tôi ở Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về cách người Việt Nam chuẩn bị đón Tết, đặc biệt là việc trang trí cây quất và hoa đào.
Tôi đã được mời dự tiệc chiêu đãi Tết của các đối tác trong nước và đã trao đổi về những gì chúng ta đã cùng nhau làm được trong năm qua và bắt đầu năm Quý Mão với sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì sự phục hồi xanh và bao trùm ở Việt Nam.
Nhân dịp Năm mới, ông muốn gửi gắm gì tới người dân Việt Nam?
Ngay trước Tết, UNDP cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, World Share đã bàn giao 73 căn nhà chống bão, lũ mới cho các hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Một trong những mong muốn của tôi là trong năm mới là tất cả người dân, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển, có một ngôi nhà có thể chống chọi với lũ lụt và bão lớn.
Chúc mọi người Xuân mới đầm ấm, vui vẻ và một năm Quý Mão thật hạnh phúc!
Xin cảm ơn ông!
| Một Việt Nam tự tin, chủ động, nhân văn và hòa hiếu Trong một năm tình hình thế giới có những biến động khó lường như năm 2022, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên ... |
| Thanh niên Việt Nam chung tay hành động, ứng phó với biến đổi khí hậu Lễ công bố Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022" do Chương trình Phát triển Liên hợp ... |
| Chuyển đổi kinh tế-sinh thái, xã hội theo mô hình sinh thái bền vững ở Việt Nam Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam cần sớm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ... |
| Trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu cho học sinh trung học cơ sở thông qua cuộc thi 'Lá chắn xanh' Ngày 26/12, Lễ trao giải cuộc thi "Lá chắn xanh" - cuộc thi kiến thức về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu ... |
| Hội nghị Gắn kết thanh niên vì các Mục tiêu phát triển bền vững Hội nghị là dịp để 2030YFV tổng kết hoạt động năm 2022, vạch ra định hướng trong năm 2023 nhằm tiếp tục thúc đẩy thanh ... |