📞

Đại dương ô nhiễm ‘chưa từng có’

Hạnh Lê 13:40 | 19/03/2023
Theo một nghiên cứu mới được Viện 5 Gyres (Mỹ) công bố, ước tính khoảng 171.000 tỷ hạt vi nhựa - nặng tương đương 2,3 triệu tấn, đã trôi nổi trong lòng đại dương trong năm 2019.
Hàng tỷ hạt vi nhựa từ rác thải đang gây ô nhiễm đại dương trầm trọng trong nhiều năm gần đây. (Nguồn: NRDC)

Do đó, lượng rác thải nhựa có thể sẽ tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu không có chính sách phù hợp và hành động kịp thời.

Kết quả trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học quốc tế hoàn thành phân tích dữ liệu ô nhiễm nhựa bề mặt từ gần 12.000 trạm giám sát trên đại dương ở sáu vùng biển lớn trong giai đoạn năm 1979-2019.

Báo cáo của Viện 5 Gyres nhận định, mức độ ô nhiễm nhựa đại dương tăng “nhanh chóng và chưa từng có” kể từ năm 2005. Đây là hệ quả của việc thế giới sản xuất nhựa với tốc độ chóng mặt trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần và hệ thống quản lý chất thải không đủ khả năng xử lý.

Đáng chú ý, chỉ có khoảng 9% nhựa toàn cầu được tái chế mỗi năm. Một lượng lớn chất thải nhựa còn lại - chủ yếu đến từ đất liền do rác trực tiếp xả ra, hay bị cuốn vào sông mỗi lần mưa lũ - sẽ được đưa tới các đại dương.

Theo các chuyên gia, khi trôi nổi giữa đại dương, nhựa sẽ không thể bị phân hủy mà thường vỡ thành những mảnh nhỏ và rất khó để có thể xử lý. Hạt vi nhựa được đánh giá rất nguy hiểm, bởi không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn phá hủy nội tạng các động vật biển khi chúng vô tình nuốt phải.

Ngoài việc gây ra thảm họa môi trường, nhựa còn là một vấn đề lớn về khí hậu. Nhiên liệu hóa thạch là nguyên liệu thô của hầu hết các loại nhựa. Do đó, nhựa làm ô nhiễm và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu trong suốt vòng đời của chúng - từ khâu sản xuất đến khi thải ra môi trường.

Nghiên cứu trên cũng cho biết, kể từ những năm 1970, rất nhiều thỏa thuận đã được đưa ra nhằm ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa tràn ra đại dương, nhưng chủ yếu là “tự nguyện, rời rạc và hiếm khi bao gồm các mục tiêu có thể đo lường được”. Theo đó, các nhà khoa học đã nhấn mạnh cần giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề nan giải này.

Tháng 11 năm ngoái, Liên hợp quốc đã tiến hành các cuộc đàm phán tại Uruguay, nhằm tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, và đặt mục tiêu đưa ra một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

Theo tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace, nếu không có một hiệp ước toàn cầu, hoạt động sản xuất nhựa sẽ không ngừng tăng, có thể gấp đôi trong vòng 10-15 năm tới, thậm chí gấp ba vào năm 2050.

Ngày 5/3 vừa qua, các nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của biển cả trên thế giới, gửi đi những tín hiệu tích cực cho chặng đường dài phía trước.

(theo CNN, Reuters)