Lễ Khai giảng có sự tham dự của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên các khoa, các khóa của trường Đại học Đại Nam. Đặc biệt có sự hiện diện của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương và khách mời Nam Sung Woo đến từ Công ty LG Electronics Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhung, ông Nguyễn Việt Hùng, ông Nguyễn Duy Hồng, anh Lê Quang Trung (cựu sinh viên khóa I ngành Tài chính - Ngân hàng) và các thế hệ cựu sinh viên, phụ huynh.
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. Lê Đắc Sơn, thay mặt Hội đồng nhà trường, Ban Giám hiệu và hơn 800 cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường Đại học Đại Nam, nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị khách quý, các vị phụ huynh, toàn thể sinh viên Đại học Đại Nam, đặc biệt là 2.450 tân sinh viên K15 - thành viên mới, chính thức của đại gia đình Đại học Đại Nam!
TS. Lê Đắc Sơn nhắn gửi thông điệp đến các bạn sinh viên, giảng viên và phụ huynh |
TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh đây là Lễ khai giảng đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử của ngành giáo dục nói chung và trường Đại học Đại Nam nói riêng. Bước vào một năm học hết sức đặc biệt, thầy căn dặn toàn thể sinh viên, nhất là tân sinh viên K15: “Dù chưa thể đến trường trực tiếp học tập, gặp gỡ thầy cô, bạn bè, chúng ta đã có phương tiện thay thế là học trực tuyến. Không bằng như học tập trực tiếp tại trường, cùng thầy cô, nhưng đây là giải pháp tối ưu nhất đang được học sinh, sinh viên trên toàn thế giới sử dụng trong thời gian đại dịch để đảm bảo học tập. Chính vì thế, các em phải tập trung học tập tốt ngay từ đầu. Tuyệt đối không được có tư tưởng trực tuyến là tạm bợ chờ đến ngày trực tiếp. Nếu đại dịch kéo dài, chúng ta có thể phải chấp nhận học trực tuyến 1 năm, thậm chí 2 năm hoặc lâu hơn".
Các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường tại buổi Lễ |
Gần 5.000 sinh viên, tân sinh viên tham gia buổi Lễ trực tuyến trên hệ thống Zoom webinar. |
Nhắn gửi đến các cán bộ, giảng viên của nhà trường, TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta là người một nhà, có chung nhiệm vụ dậy dỗ, đào tạo các thế hệ sinh viên. Thầy cô cũng là những người cha, người mẹ có con cái đang độ tuổi học hành và đều mong con em mình sẽ được học các thầy cô tốt – giỏi. Không có học trò dốt mà chỉ có thầy chưa giỏi. Sinh viên không chịu học, bỏ học, thi đạt kết quả kém lỗi đầu tiên là ở người thầy dạy trực tiếp trên lớp. Sau đó là lỗi của trưởng khoa, của hiệu trưởng và cuối cùng là lỗi của người đúng đầu nhà trường. Chúng ta có lỗi với sinh viên, với gia đình các em. Vì vậy, tôi yêu cầu các thầy cô thấm nhuần tư tưởng đó để hành nghề”.
TS. Lê Đắc Sơn đánh trống khai giảng năm học mới 2021-2022 |
Sau bài phát biểu gửi thông điệp tới các cán bộ nhân viên, thầy cô và các em sinh viên, TS. Lê Đắc Sơn thực hiện nghi thức đánh trống khai giảng năm học mới 2021 – 2022 và Chào đón các em tân sinh viên K15. TS. Lê Đắc Sơn gửi lời cảm ơn các quý vị phụ huynh đã tin tưởng nhà trường, đồng thời khẳng định DNU sẽ làm hết sức để không phụ sự tin tưởng đó. Đại học Đại Nam mong muốn các vị phụ huynh luôn phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, dạy dỗ và đào tạo các em sinh viên.
TS. Lê Thẩm Dương "giải mã’"học đại học và sự học đại học cùng sinh viên Đại học Đại Nam |
Ngoài các phần giao lưu, chia sẻ trực tiếp với khách mời, với cựu sinh viên, chương trình còn có sự tham gia vô cùng sôi động dành cho các e sinh viên thông qua phần mini game và bốc thăm trúng thưởng. Cuối chương trình, Ban Tổ chức đã tìm ra những gương mặt xuất sắc, may mắn để trao giải thưởng là 10 bộ tai nghe không dây và 1 giải đặc biệt là 1 chiếc Ipad mini.
Đáng chú ý, trong Lễ khai giảng năm nay và Chào tân sinh viên K15, sinh viên Đại học Đại Nam đã được “tái ngộ” TS. Lê Thẩm Dương với chủ đề “Học đại học và sự học đại học”. TS. Lê Thẩm Dương khẳng định đại học không phải con đường duy nhất, nhưng lại là con đường ngắn nhất đưa con người đến với thành công, TS. Lê Thẩm Dương nói: “Nếu không học đại học, chúng ta sẽ mất đi một người thầy quan trọng. Đó là người thầy có hệ thống hóa tốt nhất, giúp chúng ta phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phương pháp hành động chuẩn mực”.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chỉ những người không biết nhìn xa trông rộng mới “từ chối” học đại học, hay nói cách khác là không biết tự định vị chính mình. Trước hết là phải xác định mục tiêu đường dài, trong đó mục tiêu học tập phải đặt lên hàng đầu. Khi đã có mục tiêu, chúng ta mới có khát vọng và tạo dựng lòng tin vào bản thân. Bên cạnh đó cần phải tìm cho mình một người thầy có kiến thức rộng, có thể định hướng, nghiêm khắc và đặt ra những yêu cầu cao.