ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, ngày khai trường cần trao đi thông điệp ý nghĩa về sự tử tế, nhân văn. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel với Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm năm học mới.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, ngày khai trường mang ý nghĩa gì đặc biệt đối với học sinh, giáo viên và toàn xã hội?
Khai trường là một ngày đặc biệt, ngày của sự khởi đầu học tập và làm việc, của đầy ắp những khát khao, mục tiêu ước vọng lớn.
Học sinh ngày khai trường mang trong mình một hành trình mới mẻ về kiến thức, quần áo mới được trang bị, toát lên sự hứng khởi, động lực và bộc lộ niềm hy vọng.
Giáo viên mang trong mình một hoài bão lớn, gửi gắm vào thế hệ học trò yêu quý, mong được truyền dạy nhiều kiến thức cho các em. Xã hội hy vọng và đặt tất cả niềm tin trao vào thế hệ trẻ. Một năm học mới bắt đầu với bao thông điệp ý nghĩa...
Chúng ta cần làm gì để ngày khai trường luôn giữ được ý nghĩa và giá trị của nó?
Ngày khai trường tạo động lực cho một năm học đạt nhiều kết quả tốt, ngày của niềm vui. Vì thế, hãy tạo ra một ngày khai trường hết sức ý nghĩa và mang lại nhiều hình ảnh tích cực và sự gắn kết. Nhà trường trao đi thông điệp giá trị của sự trau dồi học tập, có cố gắng là có kết quả tốt, "có công mài sắt có ngày nên kim". Đồng thời, kết hợp cho các em xem những video công nhân nơi công xưởng làm việc cực khổ, những chiến sĩ ở hải đảo xa xôi, biên cương nguy hiểm; hình ảnh cha mẹ nắng mưa làm việc. Từ đó, giúp thúc đẩy tạo động lực và cố gắng không ngừng nơi mỗi học sinh.
Hơn thế, cần có kịch bản ngày khai trường với sự hiện diện của học sinh cùng thầy cô và cha mẹ, đại diện chính quyền xã hội, hình ảnh tốt đẹp của việc giáo dục đồng bộ từ nhà trường – gia đình – xã hội. Đây là điều cần thiết, để mọi người cùng nhau giáo dục, song hành cùng nhau làm và tạo ra những sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc.
Theo quan điểm của anh, "sản phẩm giáo dục tử tế, hạnh phúc" là gì? Và tại sao chúng ta lại cần phải tạo ra những sản phẩm như vậy?
Theo tôi, sản phẩm của giáo dục tử tế, hạnh phúc là đào tạo con người trở thành một người có nhân cách tốt, có tri thức và biết vận dụng tri thức làm bản thân mình hạnh phúc và lan toả đến cộng đồng xã hội.
Nếu có nhiều sản phẩm của giáo dục tử tế thì gia đình, xã hội sẽ giảm đi những gánh nặng. Người trẻ có tri thức với đạo đức và sự hạnh phúc, sẽ làm cho cuộc sống tươi đẹp và lan toả những giá trị tốt đẹp đến mọi người xung quanh.
Anh có thể chia sẻ những tiêu chí để đánh giá một sản phẩm giáo dục có thể được coi là "tử tế và hạnh phúc"?
Dưới góc nhìn của tôi, một số biểu hiện cho thấy một người có lòng tử tế và hạnh phúc như sự yêu thương, biết tôn trọng người khác và có lòng trắc ẩn, có tri thức và nhân hậu, có trách nhiệm. Yêu thương bản thân mình và người khác là tiêu chí quan trọng để đánh giá một sản phẩm được coi là tử tế và hạnh phúc. Từ đó, họ sẽ có những hành vi ứng xử phù hợp. Biết tôn trọng bản thân mình và người khác, tôn trọng thiên nhiên và những giá trị cộng đồng cũng là biểu hiện sâu sắc của giáo dục tử tế. Có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, yêu nước và chung tay xây dựng giá trị hoà bình...
Tạo ra sân chơi trải nghiệm cho người trẻ giúp các em trở nên tự tin hơn. (Ảnh: NVCC) |
Theo anh, những yếu tố nào tạo nên một sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc?
Để tạo nên một sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc, cần phải có một tiến trình đào tạo sâu sắc về triết lý giáo dục, về nội dung và hình thức. Bên cạnh đó, cần có các phương pháp tiếp cận người học, sân chơi trải nghiệm và môi trường vận dụng; giám sát và đồng hành định hướng chính là những yếu tố quan trọng để tạo nên những con người sống tử tế, có trách nhiệm.
Giám sát và đồng hành định hướng là một giai đoạn khó khăn và quan trọng, khi giám sát thì mới giúp cho học sinh lớn lên mỗi ngày, nhận được những góp ý kịp thời và thay đổi, cùng nhau sống tốt và tử tế, cùng nhau hạnh phúc.
Theo tôi, dùng tình yêu thương để đào tạo người trẻ là giá trị cốt lõi. Tình yêu thương mang lại cho người trẻ sự ấm áp, cảm nhận được lòng vị tha của nhà giáo dục, năng lượng của tình yêu thương có thể làm thay đổi một người và làm lu mờ đi những sự khác biệt to lớn để đến với cộng đồng.
Những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt khi tạo ra sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc là gì, theo anh?
Thách thức lớn ở nhiều nơi vẫn thiếu sự giáo dục đồng bộ nơi nhà trường, gia đình và xã hội; thiếu những gương sáng trong quá trình đào tạo sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc. Nếu gia đình thiếu sự hạnh phúc, còn gương xấu thì việc đào tạo ra một sản phẩm tử tế và hạnh phúc là rất khó.
Người trẻ có sự tự do và lựa chọn lối sống, hình ảnh thương hiệu của chính mình. Chúng ta hãy gieo trong thế hệ trẻ lối sống tử tế, sống có trách nhiệm, đó là điều quan trọng.
Vậy làm gì để giải quyết những thách thức này, vai trò của chính sách, môi trường giáo dục trong việc thúc đẩy tạo ra sản phẩm giáo dục tử tế?
Mỗi nhà giáo dục phải ý thức được vai trò của mình trong việc làm những gương tốt, nhà trường cần xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng về chuyên môn, tinh thần làm việc đầy tích cực, vững mạnh. Thông qua các chương trình tập huấn và gia tăng về thu nhập để giáo viên tận tâm trong việc giáo dục giúp người học hạnh phúc và sống tử tế. Giáo viên hạnh phúc sẽ truyền cảm hứng cho học sinh hạnh phúc.
Trong khi đó, gia đình trở thành nơi sống động về sự tử tế và hạnh phúc, cha mẹ phải là những người tiên phong trong lời hay ý đẹp, hành động ý nghĩa, thể hiện lòng bao dung với các con và tôn trọng sự khác biệt.
Đồng thời, xã hội không ngừng tuyên truyền và tạo ra những hoạt động nhân văn, để các em tham gia, được trải nghiệm trao đi lòng tốt và sự tử tế, cảm nhận được sự hạnh phúc khi cho đi. Từ những hoạt động ấy sẽ giúp các em hình thành những phẩm chất và thói quen tốt. Một người trẻ tử tế và hạnh phúc trong tương lai bắt nguồn từ những sự tử tế và hạnh phúc nhỏ mỗi ngày hôm nay.
Xin cảm ơn anh!
| Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách ... |
| GS Ngô Bảo Châu ra mắt sách Toán GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, ông rất hồi hộp không phải vì chuyện ra đời của cuốn sách mà là chờ đợi phản ứng ... |
| Trách nhiệm thanh niên thời đại số Thanh niên là lực lượng lao động dồi dào, sáng tạo và năng động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - ... |
| Mức lương, thước đo giá trị và thành công của người trẻ Người trẻ không nên đem mức lương ra làm thước đo của thành công bởi có những thứ còn quan trọng và có giá trị ... |
| Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Quan tâm giáo dục đúng mức để tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thủ tướng phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục ... |