Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các trường không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển đại học. |
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra những hệ lụy của việc xét tuyển đại học sớm và bày tỏ mong muốn trong quá trình tự chủ, các trường đại học cũng cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội.
Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 9/8, góp ý về công tác tuyển sinh, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), kiến nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm/xét tuyển sớm.
“Thời điểm đó, các học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo THPT. Chưa kể, một số tư vấn viên khi tư vấn tuyển sinh đã đề nghị hoặc yêu cầu các học sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu. Việc này là không đúng nhưng họ đã âm thầm làm. Tôi cho rằng như vậy sẽ thiếu sự công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho rằng, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông.
“Việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Do đó, thời gian tới cần phải xem xét bởi các học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa. Điều đó rất tai hại. Các trường chỉ muốn yên tâm về số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học hàng đầu. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng lưu ý các trường không nên có quá nhiều các phương thức xét tuyển. “Càng đơn giản càng tốt, thuận cho thí sinh và xã hội. Các phương thức đừng nhiều quá, phức tạp quá”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.
"Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định và vì việc này, có thể Bộ GD&ĐT sẽ phải tăng thêm một số khung/chế tài để điều tiết”.
Ông Sơn cho hay, kết quả cho thấy, nguồn tuyển dồi dào, trường nào uy tín thì không lo. “Vì vậy không có gì phải ‘chen lấn xô đẩy’. Trong tự chủ, các trường cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội”, ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng, các trường phải hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng, chất lượng. Bộ trưởng Sơn cho biết, số học sinh vào lớp 1 năm nay tới 1,9 triệu em. Số học sinh bình quân mỗi khối lớp (từ lớp 2 đến lớp 11) là khoảng 1,63 triệu em trong khi số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là khoảng 1,1 triệu.
“Như vậy, điều này cho thấy rất lạc quan về mặt số lượng nguồn tuyển vào đại học hằng năm. Với tỷ lệ này, con số những người vào học đại học sẽ tăng đáng kể từng năm một. Chúng ta cần chuẩn bị chỗ cho người học nhưng điều quan trọng nữa là vấn đề chất lượng”, Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: “Như Bộ trưởng đã nói, chúng ta không lo về số lượng bởi nguồn tuyển trong thời gian tới là dồi dào. Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo chất lượng, từ đó nâng cao tư duy của người học, từ hình thức chuyển sang thực chất và hiệu quả”.
Về công tác tuyển sinh, trong năm học tới, theo Thứ trưởng Sơn, Vụ Giáo dục đại học cần khẩn trương phối hợp để có sự thảo sớm nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không có tác động xấu, cần có tác động tích cực hơn tới giáo dục phổ thông.
| Để trẻ sử dụng công nghệ thông minh, không bị lạc vào 'hố đen' thế giới ảo Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Internet mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có những nguy cơ không nhỏ ... |
| Yêu cầu bậc tiểu học không quá 35 em/lớp Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có ... |
| Thời gian dự kiến công bố điểm chuẩn đại học 2024 của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 17/8, ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến công bố vào ... |
| Bạn trẻ cần trang bị 'vaccine số' trong thế giới ngày càng phụ thuộc vào AI Theo ThS. Đinh Văn Mãi, Giảng viên kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường Đại học Văn Lang, để đảm ... |
| Năm 2025, lịch thi tốt nghiệp THPT thế nào? Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và 27/6, sớm hơn năm nay một ngày. |