Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.
Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội. (Ảnh: Trọng Đức) |
Đại hội còn tạo động lực động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy nội lực, khát vọng vươn lên, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội.
Đây cũng là ngày hội cũng đã biểu thị ý chí quyết tâm và thống nhất cao trong việc phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”
Phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Hà Thị Nga cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức một cách trọng thể, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và cụ thể của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với phụ nữ cả nước và tổ chức Hội.
Thay mặt Đại hội, bà Hà Thị Nga bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, sâu sắc tại Đại hội, ghi nhận và biểu dương những thành tựu trong phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Hà Thị Nga phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa) |
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có ý kiến chỉ đạo, định hướng tầm chiến lược để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, vận động xã hội thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc.
Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh: "Đại hội tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp chính quyền, các bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là với sự đồng thuận, tin tưởng đoàn kết của phụ nữ cả nước và sự năng động, sáng tạo, tận tâm cống hiến của cán bộ Hội các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ được thực hiện thắng lợi, tạo những bứt phá mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ và công tác Hội thời gian tới".
Với tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII kêu gọi phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực ở trong và ngoài nước hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân và vai trò trong gia đình.
Ngoài ra, phụ nữ sẽ tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp, tự tin hội nhập quốc tế; cùng khơi dậy niềm tự hào, khát vọng cống hiến; trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu.
Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. (Nguồn: BTC) |
Thành công trên 5 phương diện
Thứ nhất, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Báo cáo chính trị Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.
Thứ hai, sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN VIệt Nam khóa XIII có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận được nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
Đặc biệt, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam gồm 155/163 uỷ viên, đại diện cho các cấp Hội phụ nữ trong cả nước (trong đó có bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Trưởng ban Nữ công, Bộ Ngoại giao).
Đại hội XIII đã dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng. (Ảnh: Phương Hoa) |
Ban Chấp hành đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Uỷ viên Ban Chấp hành tham gia tập trung thảo luận dân chủ với tinh thần dân chủ xây dựng về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đề án nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Hội nghị đã bầu 31 chị tham gia Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII; 100% Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; bầu 04 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.
Thứ ba, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, Đại hội tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Đại hội Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn Lý Thị Quyên trình bày tham luận tại Đại hội. (Ảnh: Minh Đức) |
Với cách làm này, đại biểu Đại hội có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.
Thứ tư, công tác tuyên truyền trước, trong sau Đại hội được thực hiện rầm rộ, khí thế ở tất cả các cấp Hội trong cả nước.
Nhiều tỉnh/ thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang Fanpage, nhiều tin bài, phóng sự về Đại hội được đăng tải thực hiện trên các Đài, báo TW và địa phương.
Thứ năm là khâu tổ chức Đại hội XIII về hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị, tổ chức đã đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện.
Đại biểu tham dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày bế mạc. (Ảnh: Trung Kiên) |
8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2022- 2027: 1- Hàng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 1 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe. 2- Hàng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. 3- Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội. 4- Hàng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. 5- Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn. 6- Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác hội. 7- Hàng năm, Hội LHPN cấp trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức hội; mỗi hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 1 chính sách và góp ý ít nhất 1 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền. 8- Đến cuối nhiệm kỳ, Hội LHPN cấp trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án; hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 1 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ. Dự kiến đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách: 1- Chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. 2- Chương trình/đề án/chính sách đặc thù bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư. 3- Chính sách hoặc đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi. 4- Đề án hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030. 5- Đề án chuyển đổi số Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2025-2030. Dự kiến đề xuất 2 chương trình: 1- Chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính phủ điện tử và nền kinh tế số. 2- Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới cho 3.500 cán bộ nữ. Thí điểm, triển khai một số mô hình/hoạt động mới tại các cấp Hội: 1- Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư trở về, trung tâm một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, đường dây nóng. 2- Các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng. 3- Phát hành thẻ hội viên thông minh. 4- Đề xuất cơ chế để các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có tổ chức Hội thực hiện các dịch vụ, hoạt động có thu phù hợp với tôn chỉ, mục đích. 5- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động hội, xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát nội bộ của của cơ quan chuyên trách Hội. 6- Giải thưởng Nguyễn Thị Định dành cho cán bộ hội xuất sắc. 7- Xây dựng Chiến lược nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam. 8. Đại hội thông qua điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. |
| Bà Hà Thị Nga tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiều 10/3/2022, 100% Ủy viên Ban Chấp hành có ... |
| 'Nhận thức mới, khí thế mới' cho phong trào phụ nữ Việt Nam Phát biểu tại khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng ... |