Đó là chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XII), diễn ra từ ngày 20-28/1.
Thông báo về Đại hội XII, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, đây là Đại hội thường kỳ, được tổ chức nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong năm năm tới.
Đại hội sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo về Tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đại hội cũng sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.
Ý kiến đóng góp: Phong phú
Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân cho biết, quá trình soạn thảo các văn kiện của Đại hội XII đã thể hiện được tinh thần đổi mới, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, phát huy tinh thần dân chủ, thực sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến khác nhau trong nghiên cứu thảo luận, có cơ chế phát huy trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý cho những văn kiện, đóng góp cho đường lối phát triển đất nước. Đã có 26 triệu lượt ý kiến đóng góp của các tổ chức Đảng, đảng viên, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tầng lớp nhân dân, gửi về các cơ quan được phân công tiếp nhận hoặc phản ánh cho báo chí.
Theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, những ý kiến, góp ý rất phong phú và cũng đề cập tất cả các lĩnh vực, trong đó nhiều ý kiến tập trung về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đặc biệt là về tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới đất nước, về phòng chống tham nhũng. Cũng có ý kiến góp ý về xây dựng Đảng, về nâng cao năng lực lãnh đạo và sự chiến đấu của Đảng để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có những ý kiến về bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ của đất nước, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.
Ông Thuận Hữu cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của các đảng viên và nhân dân, những ý kiến trái chiều cũng được nghiêm túc xem xét. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của toàn Đảng, toàn dân, Tiểu ban văn kiện Đại hội đã tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét thông qua, và trình Đại hội XII của Đảng.
Nội dung văn kiện: Nhiều nét mới
Nét mới nổi bật của các nội dung dự thảo văn kiện của Đại hội lần này, ông Thuận Hữu cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII có bổ sung một số chủ đề mới. Cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, lần này chủ đề còn nêu rõ, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Chủ đề Đại hội lần này cũng không nêu mốc thời gian nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà đưa cụm từ "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Điểm mới thứ hai là kết cấu của báo cáo chính trị lần này chia ra 15 phần, tương đương với 15 lĩnh vực để tiện theo dõi và khái quát lại từng lĩnh vực; nêu những thành tựu, hạn chế và hướng phát triển sắp tới của từng lĩnh vực.
Về kinh tế, dự thảo văn kiện đại hội nêu sẽ tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về vấn đề kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Về lĩnh vực văn hóa- xã hội và môi trường, dự thảo văn kiện nêu ra bốn điểm: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo; phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng văn hóa và con người; quản lý xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội.
Về lĩnh vực quốc phòng an ninh, văn kiện lần này khẳng định các vấn đề quan trọng, nêu lên những việc mới về nhận thức, về mục tiêu, về giải pháp bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân, về đối ngoại độc lập tự chủ nâng cao sức mạnh thời đại.
Về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, dự thảo văn kiện lần này nêu quan điểm: Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực tiềm năng sáng tạo của nhân dân, tôn trọng những điểm khác biệt... Phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng thời xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, trong đó có việc đẩy mạnh chống suy thoái về tư tưởng chính trị.
Ông Thuận Hữu khẳng định, trong 30 năm đổi mới, đất nước đã thu được những thành tựu to lớn. Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục tinh thần đổi mới của 30 năm đổi mới vừa qua.
Đối ngoại tiếp tục được coi trọng
Thông tin với báo giới về đường lối, chính sách đối ngoại, ông Hoàng Bình Quân - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương chia sẻ, trong nhiệm kỳ qua, thành tựu bao trùm của công tác đối ngoại là góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Việt Nam đã kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, công lý với tinh thần nhất quán là chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên pháp luật quốc tế.
Thành tựu lớn thứ hai là đã tăng cường thiết lập quan hệ đối tác ổn định, lâu dài với các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực; đồng thời, thúc đẩy, tiếp tục đưa các mối quan hệ với các nước lớn đi vào chiều sâu. Hiện Việt Nam đã có mối quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước. Trong năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ba chuyến thăm rất quan trọng: đến Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Mỹ...
Hoạt động đối ngoại cũng đã góp phần huy động nguồn lực to lớn cho nhiệm vụ phát triển đất nước. Trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã rất nỗ lực và đi đến kết thúc năm năm đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), ký FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, ký FTA với Hàn Quốc…, mở ra một không gian thương mại, đầu tư rộng lớn, mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Đối ngoại Đảng trong năm năm qua cũng có những bước phát triển quan trọng, góp phần rất quan trọng vào thành tựu nổi bật của đối ngoại nói chung, với tinh thần chủ động tích cực mở rộng tăng cường quan hệ với các Đảng Cộng sản, đảng công nhân hay đảng cánh tả, đảng cầm quyền, các đảng tham chính cũng như chính đảng khác trên thế giới, kể cả đối ngoại song phương cũng như đa phương. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 228 chính đảng, ở 112 nước và đưa quan hệ đảng đi vào thực chất, chiều sâu và là cơ sở quan trọng và lâu bền cho quan hệ song phương của Việt Nam với đối tác trong khu vực cũng như quốc tế.
Ông Hoàng Bình Quân cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội XII lần này đã đưa đối ngoại thành một phần riêng, thể hiện việc Đảng hết sức coi trọng công tác đối ngoại của đất nước. Dự thảo khái quát tình hình công tác đối ngoại cũng như phương hướng đối ngoại trong nhiệm kỳ tới. Đường lối đối ngoại sẽ được kế thừa từ văn kiện Đại hội XI, cũng chính là sự kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội của Đảng trước đây.
Theo đó, nét chính của hoạt động đối ngoại trong nhiệm kỳ tới là đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Thứ hai là Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, theo đó đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, hiệu quả và nâng cao chất lượng các hoạt động đối ngoại đa phương. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chủ trương triển khai định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm, coi đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị Việt Nam.
Ông Hoàng Bình Quân cũng cho biết, Việt Nam sớm có thư gửi cho bạn bè quốc tế thông tin về việc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII và đến ngày 18/1 đã có 156 thư, điện của các đảng ở 172 nước gửi đến chúc mừng sự kiện trọng đại này. Có thể nói đây là con số cao nhất so với các kỳ Đại hội trước.
Theo báo cáo về số đại biểu dự Đại hội XII, tổng số đại biểu dự Đại hội là 1.510 đồng chí, trong đó số đại biểu đương nhiên là 197 đồng chí, trong đó có 173 Ủy viên Trung ương chính thức và 24 Ủy viên Trung ương dự khuyết, chiếm tỷ lệ 13,05%; đại biểu bầu cử là 1.300 đồng chí, chiếm 86,09%; đại biểu chỉ định 13 đồng chí, chiếm 0,86%; đại biểu nữ là 194, chiếm 12.85%; đại biểu dân tộc thiểu số là 174 đồng chí, 11,52%; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động 10 đại biểu, 0,66%; nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú 20 đại biểu, 1,32%; đại biểu là thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú là 15, 0,99%; nghệ sĩ ưu tú 1 đại biểu, chiếm 0,07%. Về trình độ: giáo sư, phó giáo sư 55 đại biểu, chiếm 3,64%, trong đó có 2 viện sĩ chiếm 0,14%; tiến sĩ 241 đại biểu, 15,96%; thạc sĩ 511 đại biểu, 33,84%; đại học 757 – 50,13%. Về độ tuổi: từ 30 tuổi trở xuống có 2 đồng chí, chiếm 0,13%; từ 31-40 tuổi có 65 đồng chí, chiếm 4,3%; từ 41-50 tuổi có 384 đại biểu, chiếm 25,43%; từ 51-60 tuổi có 922 đại biểu, chiếm 65,7%; từ 61-70 tuổi có 64 đồng chí, chiếm 4,54%; trên 70 tuổi có 2 đồng chí, chiếm 0,13%. (Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) |
Đại hội XII thông qua quy chế bầu cử Sáng 20/1, Đại hội Đảng XII họp phiên trù bị với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và các đại biểu dự Đại hội XII. Tại phiên họp, Đại hội đã thông qua chương trình phiên họp trù bị, thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; Quy chế bầu cử và Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội lần thứ XII. Phiên khai mạc chính thức Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng diễn ra vào sáng 21/1. |