Đại biểu Vũ Tiến Lộc trao đổi với báo chí tại Đại hội XIII sáng 29/1. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhiệm kỳ vàng của những thành tựu kép
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định, kỳ đại hội XII là nhiệm kỳ vàng của những thành tựu kép đã đạt được trong cả nhiệm kỳ. Đó là: Phát triển kinh tế xã hội và chỉnh đốn xây dựng Đảng; ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng; đối nội và đối ngoại; hội nhập và tự chủ; đẩy lùi dịch bệnh và duy trì được sinh kế cho dân…
“Chúng ta vừa duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống được dịch bệnh Covid-19. Chúng ta vừa phát huy được nội lực, vừa mở rộng hợp tác kinh tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Riêng trong công tác phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến tích cực, rõ nét, không chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng Đảng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Cải cách thể chế cũng được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ qua với những đợt sóng mạnh mẽ.
“Đây là hành trang rất quan trọng để Đảng ta bước vào Đại hội XIII”, đại biểu khẳng định.
Khát vọng hùng cường
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, lần đầu tiên trong chủ đề Đại hội đã đề ra yêu cầu “khơi dậy khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường”. Đây là thông điệp có sức thôi thúc mạnh mẽ. “Lần đầu tiên chúng ta đưa ra tầm nhìn cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Tầm nhìn Việt Nam phải trở thành một nước phát triển có thu nhập cao… Hành trình của dân tộc ta từ đầu thế kỷ 20 là hành trình của những khát vọng”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc chia sẻ, từ năm 1911 đến năm 1954 là hành trình thực hiện khát vọng tự do độc lập; từ năm 1954 đến năm 1975 là hành trình thực hiện khát vọng thống nhất đất nước. Và từ năm 1986 khi Đảng ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, là hành trình thực hiện khát vọng chiến thắng đói ngèo và cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Và “bây giờ chúng ta tiếp tục hành trình đưa đất nước hùng cường, xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước”.
Vì vậy, đại biểu khẳng định, Đại hội XIII có ý nghĩa rất quan trọng trong khởi động, thúc đẩy hành trình khát vọng đó với mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
“Tôi cũng đánh giá cao văn kiện Đại hội lần này, lần đầu tiên chúng ta đưa ra khái niệm xây dựng thể chế phát triển bền vững. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Bởi lẽ, sau những biến động vừa qua trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu, những giá trị phát triển bền vững đang được đề cao, những giá trị của chủ nghĩa xã hội đang được coi trọng. Mô hình phát triển của Việt Nam là một mô hình phù hợp và được thế giới đánh giá cao.
“Đại hội XIII một lần nữa khẳng định con đường chúng ta đã chọn. Những nền tảng của mô hình này đã có trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục phát triển mô hình và hệ thống lý luận về mô hình này”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đã đúc rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển. Đó cũng là những nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển một nền kinh tế không chỉ hướng tới sự sáng tạo, hiệu quả, tăng trưởng hay lợi ích vật chất mà cả những giá trị xã hội, môi trường, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân.
"Đó là mô hình chúng ta đang thúc đẩy và Đại hội lần này là một dấu mốc rất quan trọng trong hành trình tiến tới mục tiêu năm 2045 chúng ta có một nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa", đại biểu Vũ Tiến Lộc.
"Trong phát biểu của các đại biểu, các chủ đề được đề cập trong phần thảo luận đã nhấn mạnh những yếu tố rất quan trọng đối với mô hình phát triển kinh tế thời gian tới. Trong đó phát triển bền vững và kinh tế số là “đôi cánh” để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên".
Các FTA là động lực
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, các hiệp định thương mại tự do rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước hết nó là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở nước ta trong những năm tiếp theo và cũng là động lực mở cửa thị trường của Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, “chúng ta đã chứng kiến các thị trường lớn trên thế giới suy giảm, các thị trường nhập khẩu lớn đều khó khăn, các nước cạnh tranh về xuất khẩu đều giảm nhưng riêng Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu. Đây là tác động trực tiếp của các hiệp định thương mại tự do”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Hiện Việt Nam có thêm Hiệp định RCEP, không đặt ra những chuẩn mực cao như EVFTA hay CPTPP, nhưng cũng mở ra thị trường lớn, đặc biệt là cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các chuỗi trong sản xuất công nghiệp chủ yếu ở các nền kinh tế ở khu vực Đông Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
"Tham gia RCEP tạo điều kiện để chúng ta kết nối với các nền kinh tế, chuỗi sản xuất lớn nhất trong khu vực, tạo cơ hội phát triển cho nền kinh tế của Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.