📞

Đại hội XIII: Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước

PHƯƠNG NGUYÊN 08:00 | 24/01/2021
TGVN. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021, là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước với diện mạo và cơ đồ mới đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen; cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đại hội lần thứ XIII sẽ thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Việc xây dựng các dự thảo văn kiện được chuẩn bị từ rất sớm, công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị. Dự thảo các văn kiện được lấy ý kiến rất rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, cả trong nước và ở nước ngoài.

Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu (đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên), đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 191 (là các Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm), chiếm tỷ lệ 12,03%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.381, chiếm tỷ lệ 87,01%; đại biểu chỉ định là 15, chiếm tỷ lệ 0,94%.

Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, các đồng chí đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu...

Có nhiều điểm mới nổi bật trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, các dự thảo văn kiện đã điểm lại chặng đường 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Dự thảo cũng cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong năm năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Theo đó, dự thảo đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Về các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp: Dự thảo đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, trong đó, định hướng về đối ngoại nêu: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Dự thảo cũng xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Trong đó, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại biểu là giáo sư, phó giáo sư chiếm tỉ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỉ lệ 12,54%; thạc sĩ chiếm tỉ lệ 54,69%; đại học chiếm tỉ lệ 32,77%.

Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất 77 tuổi, thấp nhất 34 tuổi.