Đại hội XIII: Đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham luận tại Đại hội. |
Tại Đại hội XIII, đồng chí Phan Văn Giang phát biểu làm rõ kết quả và đề xuất một số nội dung chủ yếu về “Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Đồng chí Phan Văn Giang cho biết, năm năm qua, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thử thách; các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ta ngày càng tinh vi, thâm hiểm, công khai, trực diện hơn.
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tập trung củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Quân đội anh hùng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, với nhiều dấu ấn nổi bật.
Thứ nhất, đã lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội thực hiện tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược; kiên quyết, kiên trì, xử lý kịp thời, linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Chỉ đạo tổng kết thực tiễn, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam và nhiều nghị quyết, kết luận, văn bản pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, chính sách quốc phòng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp được lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Thế bố trí chiến lược quốc phòng được quy hoạch, điều chỉnh phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hệ thống phòng thủ dân sự..., đảm bảo cho tác chiến, phòng tránh, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, thảm họa; ưu tiên xây dựng tại các vùng căn cứ chiến lược đặc biệt quan trọng (CT229), hướng chủ yếu, địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, các đảo gần bờ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường tuần tra biên giới, cơ bản hoàn thành xây dựng đường Trường Sơn Đông. Thực hiện tốt chủ trương dân sự hóa quần đảo Trường Sa.
Tổ chức tốt giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được xây dựng, tổ chức chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động, là lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự và trực tiếp tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chỉ đạo xây dựng, phát huy hiệu quả của 28 khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển và hải đảo. Các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo khảo sát, đánh giá, nâng cao năng lực sửa chữa, sản xuất của các cơ sở sản xuất để sẵn sàng động viên công nghiệp cho quốc phòng.
Hệ thống kho dự trữ, mạng lưới cung ứng, phân phối hàng hóa được quy hoạch, xây dựng rộng khắp, hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa bảo đảm dự trữ, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng... Tiềm lực, sức mạnh của các khu vực phòng thủ được nâng lên, bảo đảm tính độc lập, tự lực, tại chỗ, liên kết chặt chẽ, thực hiện được mục tiêu “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, đáp ứng yêu cầu phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn và cả nước.
Quân đội luôn phát huy tốt vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy, giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới..., góp phần thắt chặt đoàn kết quân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Thứ ba, Đảng bộ Quân đội được chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gương mẫu, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, phát huy tốt vai trò lãnh đạo; trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội được giữ vững; toàn quân luôn vững vàng, kiên định, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Quân đội tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và đạt nhiều kết quả quan trọng; chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tổ chức lực lượng Quân đội được điều chỉnh tinh, gọn, mạnh và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo Kết luận số 16-KL/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ năm 2016 đến nay, toàn quân đã điều chỉnh trên 800 tổ chức; trong đó, giải thể 260 tổ chức trung gian, phục vụ từ cấp tiểu đoàn và tương đương đến cấp cục và tương đương, giảm 10% quân số cơ quan chiến dịch, chiến lược, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuyến biên giới, hải đảo; đầu tư thích đáng cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; tổ chức tốt nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh hiện đại và ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống.
Công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác có bước phát triển mới; đặc biệt, đã nghiên cứu, làm chủ, sản xuất, sửa chữa hầu hết vũ khí trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân và một số vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai tích cực, chủ động, mềm dẻo, linh hoạt, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Ưu tiên hợp tác, giải quyết tốt mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước có ý nghĩa chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống.
Tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đối ngoại quốc phòng đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, tạo thế chủ động để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Những kết quả trên đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tăng cường tiềm lực, sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
***
Từ thực tiễn thực hiện chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có thể rút ra một số kinh nghiệm.
Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng.
Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải bắt đầu từ xây dựng thế trận quân sự, dựa vào dân, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là then chốt.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cần quán triệt, thực hiện tốt quan điểm “người trước, súng sau”; ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; chủ động bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nghệ thuật quân sự Việt Nam bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
***
Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu to lớn; đất nước ta đứng trước những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình hình Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, các thách thức an ninh phi truyền thống và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Một là, tập trung lãnh đạo Quân đội, các lực lượng chức năng tăng cường cảnh giác, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghiên cứu xác định chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, hoá giải nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và công cuộc lao động hòa bình của Nhân dân.
Hai là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; trọng tâm là khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy tốt vai trò của Quân đội, Công an và các lực lượng trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, Kết luận số 64-KL/TW của Bộ Chính trị, nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ các cấp gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng thủ của các quân khu và phạm vi cả nước.
Coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là dân quân biển, dân quân thường trực, cơ động và lực lượng động viên khẩn cấp. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục xây dựng, phát huy hiệu quả các đoàn, khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm, tạo thế trận, “phên dậu” vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Ba là, tập trung lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.
Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, mẫu mực; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự; thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thực chất, hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín quốc tế, củng cố vị thế chiến lược của đất nước, Quân đội, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng bộ Quân đội tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại sẽ đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.