Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2022), lần đầu tiên đại lễ cầu siêu được tổ chức nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ hai nước cũng như góp phần thiết thực kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022.
Đông đảo người dân các bộ tộc Lào tới tham dự nghi thức Xaybath (Cúng dường) để tri ân liệt sĩ hai nước. |
Tham dự buổi lễ có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang Kiều Thị Hằng Phúc, đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh Xieng Khouang, các cựu chiến binh là quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam từng chiến đấu tại Lào, cựu binh Lào cùng đông đảo cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại tỉnh và hàng nghìn người dân các tầng lớp nhân dân tỉnh Xieng Khouang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Xieng Khouang cho biết, Đại lễ cầu siêu không chỉ nhằm nhằm tri ân các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cũng như bộ đội Lào đã hy sinh trong cuộc chiến chống kẻ thù chung vì nền độc lập của hai dân tộc Lào-Việt Nam anh em.
Sự kiện còn là dịp để thế hệ trẻ hai nước hiểu biết hơn về giá trị của hòa bình, biết thêm về sự hy sinh của quân đội Việt Nam giúp cách mạng Lào, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thấy được ý nghĩa đặc biệt của quan hệ Lào-Việt và từ đó tiếp tục nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ này trường tồn với thời gian.
Bà Kiều Thị Hằng Phúc phát biểu: “Trong cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt và gian khổ để giành lại độc lập cho nước Việt Nam và Lào, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận và chiến trường Lào.
Các cựu binh Lào và người dân dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại đại lễ cầu siêu. |
Đặc biệt tại chiến trường Cánh đồng Chum Xieng Khouang, tỉnh Xieng Khouang, tỉnh Xaysomboun và tỉnh Vientiane, có hơn 15.000 các bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do và nền hòa bình của hai dân tộc.
Đến nay vẫn còn hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Việt Nam nằm lại đâu đó trên đất nước Lào chưa được về với Đất mẹ Việt Nam”.
Ngay từ sáng sớm, bất chấp thời tiết nắng nóng, phải đi bộ rất xa và leo đồi cao, hàng nghìn người dân địa phương cùng đông đảo bà con kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Xiengkhuang tập trung tại Khu Điện thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam-Lào tỉnh Xieng Khouang để tham gia các nghi thức trong Đại lễ cầu siêu.
Chị Chanphaxone Bounsouk, người dân đến từ thị xã Phonesavan, tỉnh Xieng Khouang cho biết, trong những năm kháng chiến chống kẻ thù chung, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến Xieng Khouang kề vai sát cánh cùng bộ đội và nhân dân Lào đánh đuổi kẻ thù, giải phóng Xiêng Khoảng.
Chính vì vậy, chị rất xúc động khi tham dự lễ cầu siêu nhằm tưởng nhớ đến công ơn của các đồng chí bộ đội và chuyên gia tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại Xiengkhouang.
Cũng như chị Chanphaxone, chị Sathda Sihanak, người dân thị xã Phonesavan cũng đến nơi tổ chức Đại lễ cầu siêu từ rất sớm, chờ đến lúc được hòa vào dòng người đến tri ân trước anh linh của các liệt sĩ Việt Nam, những người đã hy sinh vì Lào trong những năm tháng chiến tranh.
Các nhà sư Lào thực hiện nghi lễ cầu siêu theo tôn giáo Lào. |
Chị Sathda cho biết: “Tôi đến đây để tỏ lòng tri ân trước anh linh các liệt sĩ Việt Nam, những người đã hy sinh xương máu vì Lào trong những năm tháng chiến tranh, tôi cũng muốn thực hiện các nghi thức cúng dường, lòng thành dâng lên các liệt sĩ ngụm nước, nắm xôi theo phong tục Lào để tri ân các liệt sĩ".
Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Xieng Khouang, ông Hà Văn Cảnh, cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh dự kiến sẽ cố gắng phối hợp với chính quyền tỉnh Xieng Khouang tổ chức đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn Việt Nam Lào theo hình thức thường niên.
| Những tượng đài vĩnh cửu trên đất Lào Đến Lào ta sẽ dễ nhận ra giữa trung tâm mỗi tỉnh lỵ, từng là chiến trường khốc liệt thời chống Mỹ đều được nước ... |
| Đại sứ Campuchia: Không có các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, tôi không có ngày hôm nay! Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài có “duyên” với nước sở tại, phần nhiều gắn bó với sự nghiệp làm đối ngoại của họ. “Duyên” ... |