Đến dự đại lễ có: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhiều đại diện của các bộ, ban, ngành, vụ, viện của trung ương, địa phương. Về phía tỉnh Quảng Ninh có: Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, cùng đại diện các cơ quan ban, ngành của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh tham dự đại lễ. |
Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời và tôn vinh công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Sinh thời, Ngài là vị vua văn võ song toàn, đặc biệt có công lớn trong việc lãnh đạo quân dân nhà Trần hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông vào các năm 1285, 1288. Sau khi đất nước thái bình, thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con để xuất gia tu hành, có công đầu trong việc hợp nhất các dòng thiền ở nước ta để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngài được coi là vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt duy nhất ở nước ta theo tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời. Trải qua hơn 700 năm, tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh đều khẳng định, tôn vinh công lao to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông với dân tộc ta cả về đạo và đời.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu khẳng định công đức to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định, đại lễ là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tín ngưỡng Phật hoàng, vị vua anh minh - anh hùng gắn liền với một trong những thời kỳ lịch sử oai hùng nhất của dân tộc ta. Việc tổ chức đại lễ cũng thể hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước ta, trong đó có Phật giáo với tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Phó Thủ tướng Chính phủ mong rằng, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp ấy trong xây dựng đất nước hôm nay. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, những giá trị vật thể và phi vật thể của thiền phái Trúc Lâm mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại trên vùng đất Quảng Ninh, nhất là khu di tích Yên Tử đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo để ngày càng khang trang, tạo thuận lợi cho đông đảo các tăng, ni, phật tử và du khách gần xa về tham quan, chiêm bái vị vua anh minh, tài ba, nhân hậu, vị tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm. Thời gian tới đây, các giá trị này sẽ tiếp tục được tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy, hướng tới việc phát triển du lịch văn hoá tâm linh trong chiến lược phát triển xanh bền vững của Quảng Ninh.
Trong khuôn khổ buổi lễ cũng đã diễn ra nhiều hoạt động như: Cắt băng khánh thành công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; tiếp nhận trống đồng do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng; thả chim bồ câu hoà bình...
Lễ tưởng niệm 705 năm Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng tại Yên Tử ước tính thu hút trên 5 vạn quan khách, phật tử, du khách gần xa tham dự.
Cung nghinh các đại biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về dự đại lễ. |
Các đại biểu tiến hành thả chim bồ câu hoà bình trong ngày đại lễ. |