📞

Đại sứ Bỉ: Việt Nam đang tạo nên những kỳ tích như Hàn Quốc và Singapore

16:16 | 19/10/2018
Đại sứ Paul JANSEN đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về quan hệ Việt Nam – Bỉ cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nhân chuyến thăm tới châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 14 - 21/10.

Đại sứ đánh giá như thế nào về sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua?

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mặt kinh tế. Đó là một thành tựu đáng khen ngợi, Việt Nam đã có được những bước đi đúng đắn, tạo nên kỳ tích giống như những gì Hàn Quốc, Singapore đã từng làm. Theo tôi, những gì các bạn cần làm, giống như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) vừa qua, đó là chú trọng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và WEF ASEAN 2018 chứng tỏ quyết tâm của các bạn vào việc vun đắp, xây dựng và phát triển nền kinh tế thế giới.

Hiện Bỉ đang viện trợ cho Việt Nam trong một chương trình hỗ trợ phát triển như: phát triển xanh, nông nghiệp xanh và quản lý nhà nước. Việt Nam hiện đang là một quốc gia có thu nhập trung bình, vậy nên chương trình này sẽ kết thúc vào tháng 6/2019, khi tất cả các mục tiêu hai nước đặt ra được hoàn thành.

Đối ngoại đa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, bởi lẽ, “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, Đại sứ có thể chia sẻ quan điểm cũng như kinh nghiệm của Bỉ về đối ngoại đa phương?

Ngay từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã ký kết thành lập Liên minh kinh tế Benelux. Bỉ cũng là một trong 6 nước thành lập nên Liên minh châu Âu (EU) và là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bỉ là quốc gia khá nhỏ tại châu Âu, và từ rất lâu rồi, chúng tôi luôn chú trọng đến việc đa phương hoá chính trị và kinh tế vì chúng tôi tin rằng, chính nhờ việc các nước có những diễn đàn đa phương để cùng ngồi lại và trao đổi, bàn luận về những vấn đề gây khúc mắc, căng thẳng là hướng đi duy nhất giúp vun đắp và xây dựng một thế giới hoà bình.

Đại sứ Bỉ Paul JANSEN trả lời phỏng vấn phóng viên TGVN. (Ảnh : Nguyễn Hồng)

Môi trường sống ở Bỉ rất đáng ngưỡng mộ, Bỉ đã cân bằng như thế nào giữa câu chuyện phát triển và bảo vệ môi trường?

Bỉ cũng đã từng mắc nhiều sai lầm trong việc bảo vệ môi trường. Trong khoảng cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX, để phát triển kinh tế, Bỉ đã xây dựng rất nhiều nhà máy khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, những năm 1950, chúng tôi từng chặt phá mất 80% số cây xanh và rừng. Nhưng bây giờ thì khác, rừng đã được trồng lại, Bỉ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch từ gió, năng lượng mặt trời,… Tuy vậy, tình hình giao thông tại thủ đô Brussels vẫn khá là đông đúc, chúng tôi vẫn đang cố gắng xây dựng đường xá phù hợp, đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện công cộng và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay vì ô tô.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang đi qua chặng đường phát triển, các nhà máy mọc lên rất nhiều. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã học được từ những sai lầm của các nước đi trước và đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu như việc Hà Nội xây dựng đường sắt trên cao để giảm thiểu khí thải, những điều luật mới được đặt ra về chất thải tại các nhà máy...

Mới sang nhận nhiệm vụ ở Việt Nam không lâu, Đại sứ có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về đất nước và con người Việt Nam, lý do ông chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp ngoại giao của mình?

Lý do tôi chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp ngoại giao của mình cũng khá đơn giản. Tôi đã luôn yêu thích châu Á, từ cách làm việc rất chăm chỉ và luôn hướng tới những sáng kiến mới lạ cho đến văn hoá gia đình gần gũi. Tôi cũng đã từng làm việc tại Hàn Quốc và vợ tôi cũng là người Hàn Quốc. Có một số điều mà tôi cảm thấy nể phục người châu Á, đó là việc ở Hàn Quốc không hề có một viện dưỡng lão nào. Người già sau khi nghỉ hưu sẽ luôn được sum vầy với gia đình. Ngoài ra, tôi cũng từng nghe đến câu chuyện khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, người dân đã tự động cống hiến số vàng trong gia đình của mình cho Chính phủ để giúp đất nước.

Cho dù mới chỉ được biết đến Việt Nam qua sách vở, tôi cũng chưa có nhiều thời gian và cơ hội đi tham quan, tìm hiểu về văn hoá, con người Việt Nam, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của các bạn là một điểm đến hoàn hảo và hy vọng rằng tôi sẽ có nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong quá trình làm việc ở đây.

Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam đã tổ chức khá nhiều chương trình để chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bỉ, nhưng do tôi mới bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ đầu tháng 8 vừa qua nên mọi công lao thuộc về người tiền nhiệm của tôi, Đại sứ Jehanne Roccas. Những gì bà từng làm trong đầu năm nay thật là tuyệt vời, và tôi sẽ cố gắng tiếp nối thật tốt những gì mà bà đã từng làm tại đây để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Gần đây, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đang làm xáo trộn phần nào châu Âu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng làm dậy sóng nhiều vấn đề trong nền kinh tế toàn cầu, quan điểm và nhận định của ông về hai vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề Brexit, quả là một điều đáng tiếc khi phần lớn người dân Vương quốc Anh bầu đồng ý để Anh rời khỏi EU. Về phía EU, chúng tôi không hề mong chuyện này xảy ra vì EU và Anh là những đối tác lớn của nhau và hơn hết, Anh vẫn thuộc châu Âu. Chính vì lý do đó, tôi vẫn tự tin rằng quan hệ giữa EU và Anh hậu Brexit sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng lớn và chúng tôi sẽ tiếp tục cùng hợp tác và phát triển.

Về vấn đề thời gian, rất khó nói liệu đến năm 2019 quá trình Brexit có thể hoàn thành được hay không bởi đó là một quá trình đàm phán dài, liên quan đến lợi ích của hai bên,… Giống như khi một cặp vợ chồng ly hôn vậy, họ phải chia sẻ tài sản thì quá trình ly hôn mới thành công.

Còn chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc quả là một điều đáng tiếc bởi Bỉ là một quốc gia hết mình ủng hộ một nền kinh tế, thương mại tự do. Chưa kể đến việc cuộc chiến này diễn ra giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới có thể sẽ kéo theo nhiều căng thẳng giữa các quốc gia khác.

Ngoài ra, Mỹ và EU cũng có những căng thẳng nhất định nhưng may mắn rằng chúng tôi đã gỡ được những nút rối và tiến dần đến giải quyết những căng thẳng này.