Đại sứ Việt Nam tại Morocco Đặng Thị Thu Hà. |
Đánh giá về quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Morocco, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà nhận định mối quan hệ này có thuận lợi rất lớn khi được phát triển trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và gắn bó theo suốt chiều dài của lịch sử.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961-27/3/2021), mốc son quan trọng đánh dấu một chặng đường lịch sử của hai quốc gia, hai dân tộc.
Đà tăng trưởng tích cực
Theo Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đặc biệt được chú trọng và ngày càng đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2020, GDP của Morocco là 119,7 tỷ USD, đứng thứ 61 thế giới trong khi GDP của Việt Nam là 261,9 tỷ USD, đứng thứ 42 thế giới. |
Morocco hiện là điểm sáng trong xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Phi và ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Điều này được thể hiện bằng những con số biết nói khi trao đổi thương mại giữa hai nước tăng đều trong những năm gần đây, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Morocco duy trì đà tăng trưởng khoảng 13-14%/năm.
Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Morocco trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam ở châu Phi với kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 197 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN của Morocco.
Về khung pháp lý, hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ về thương mại, công nghiệp, đầu tư ở cả cấp quốc gia và bộ ngành, tạo tiền đề quan trọng để tăng cường hợp tác như Hiệp định Thương mại, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định bảo hộ đầu tư…
Ngoài ra, hai bên thường xuyên có trao đổi đoàn công tác của các bộ/ngành, doanh nghiệp để tìm hiểu các khả năng và cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, hai bên vẫn tích cực phối hợp, tìm ra những giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác trong tình hình mới như tổ chức các hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ với hình thức trực tuyến, đẩy mạnh các hình thức thông tin về thị trường…
Tọa đàm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa thành phố Tanger với Đà Nẵng vào tháng 4. (Nguồn: ĐSQ VN tại Morocco) |
Thuận lợi "không thể uổng phí"
Mặc dù trao đổi kinh tế thương mại Việt Nam-Morocco thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên Đại sứ Đặng Thị Thu Hà tin rằng hai nước còn nhiều tiềm năng, dư địa có thể tận dụng để phát triển hợp tác hơn nữa.
Cụ thể, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà chỉ ra 4 điều kiện thuận lợi nổi bật “không thể uổng phí” của thị trường Morrocco, cũng là cơ sở để hàng hoá Việt Nam có thể tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Thứ nhất, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của hai nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh đối kháng với nhau. Hàng hoá Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý, được các đầu mối nhập khẩu đánh giá tốt và hoàn toàn có thể tiếp cận tất cả các phân khúc tại thị trường Morocco.
Thứ hai, Morocco là thị trường khá mở vì quốc gia này là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế. Đồng thời trong quan hệ với các nước, Morocco thường nhập siêu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vào Morocco, nhất là các mặt hàng ưu thế như nông sản, thuỷ sản, hàng tiêu dùng…
Thứ ba, ưu thế về vị trí và vai trò của mỗi bên trong khu vực cũng là yếu tố quan trọng giúp hai nước tăng cường, mở rộng hợp tác kinh tế.
Morocco là thị trường khá mở vì quốc gia này là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế. Đồng thời trong quan hệ với các nước, Morocco thường nhập siêu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vào Morocco, nhất là các mặt hàng ưu thế như nông sản, thuỷ sản, hàng tiêu dùng… |
Morocco có vị trí địa lý thuận lợi, gần châu Âu và nằm trên tuyến giao thương nối Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, có khả năng trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực từ 1/1/2021, đưa châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp bước vào được thị trường Morocco thì có thể mở rộng sang thị trường các nước khác trong khu vực châu Phi.
Ngược lại, Việt Nam cũng có thể là đối tác tiềm năng giúp các doanh nghiệp Morocco tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Thứ tư, bên cạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của Morocco như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, xây dựng, dịch vụ logistic…
Phiên tư vấn xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới thị trường Morocco cuối tháng 8 vừa qua. (Nguồn: ĐSQ VN tại Morocco) |
Công thức 3C
Theo Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, hiện nông thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Morocco và những sản phẩm này khá phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng sở tại.
Trên thực tế, nông sản và nông sản chế biến đóng góp xấp xỉ 60% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Morocco.
Đại sứ Việt Nam tại Morocco đánh giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thể đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tuy nhiên nông sản vẫn là lĩnh vực tiềm năng nhất.
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản nói chung và nông sản chế biến nói riêng của người dân Morocco khá ổn định. Trong khi đó, chất lượng hàng nông sản Việt Nam được các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Morocco đánh giá khá cao.
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà đặc biệt chia sẻ công thức 3C dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn, kinh doanh tại thị trường Morocco bao gồm: Chất lượng+Cẩm nang+Chiến lược.
Một là, chất lượng tốt của các mặt hàng chính là yếu tố đầu tiên cần phải bảo đảm khi kinh doanh ở bất kỳ thị trường nào.
Hai là, trong quá trình làm ăn với doanh nghiệp Morocco, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác, chuẩn bị tâm lý tích cực trước những khó khăn có thể có do sự khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh, tư duy quản lý và những đặc thù của thị trường Morocco.
Những nội dung này đã được gói gọn trong cuốn “Cẩm nang thị trường Morocco” do Thương vụ Đại sứ quán biên soạn, được đăng trên trang website của Đại sứ quán để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm hiểu, tham khảo.
Ba là, vấn đề cạnh tranh với hàng hóa các nước khác cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng tiếp cận và đứng vững của hàng hóa Việt Nam tại thị trường sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có một chiến lược phù hợp dựa trên năng lực thực tế của doanh nghiệp mình, có như vậy mới đảm bảo được sự thành công khi tham gia kinh doanh và đầu tư tại Morocco.
Công thức 3C dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn, kinh doanh tại thị trường Morocco bao gồm: Chất lượng+Cẩm nang+Chiến lược. |
Chinh phục những nấc thang mới
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà nhận định rằng ngoại giao kinh tế là một trụ cột quan trọng trong chiến lược ngoại giao nói chung của đất nước, đóng vai trò là một trong những công cụ hữu hiệu, góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Ý thức được tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế, thời gian qua Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Morocco, đặc biệt chú trọng việc duy trì sự phối hợp chặt chẽ, hợp tác thường xuyên giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực kinh tế thương mại và doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối đối tác, xử lý các vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tổ chức các hội nghị, hội chợ, hội thảo cũng như các phiên kết nối doanh nghiệp hai nước, phiên tư vấn xuất khẩu sang địa bàn…
Morocco là thị trường khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: VYC) |
Do Morocco là thị trường khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam nên công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh được Đại sứ quán thực hiện bài bản, đồng thời công tác cung cấp thông tin cho doanh nghiệp cũng được quan tâm.
Về định hướng trong thời gian tới, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo trong nước về công tác ngoại giao kinh tế, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp thực tế tình hình địa bàn, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh hết sức có thể các hoạt động xúc tiến hợp tác, thương mại, đầu tư (như gặp gỡ, tiếp xúc, hội nghị, tọa đàm, các chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam…)
"Với mục tiêu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu, thúc đẩy đầu tư, nhằm từng bước đưa quan hệ kinh tế thương mại hai nước chinh phục những nấc thang mới, Đại sứ quán mong có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và góp phần đưa quan hệ của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu", Đại sứ Đặng Thị Thu Hà chia sẻ.
| Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập: Chinh phục thị trường lớn nhất thế giới Arab, tại sao không? Theo Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công, hiện nay Ai Cập đang có chính sách chuyển dịch sang châu Á và ... |
| Cần ‘nhắm trúng’ thế mạnh của Israel về công nghệ cao để hợp tác lợi cả đôi bên Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng chỉ ra những tiềm năng mà doanh nghiệp Israel và doanh nghiệp Việt Nam có thể ... |