📞

Đại sứ hiến kế giúp doanh nghiệp ở Cuba

08:00 | 10/02/2019
Trong những lần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, không ít lần Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành “cứu” doanh nghiệp “những bàn thua trông thấy”…
Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành.

Những câu chuyện về làm ngoại giao kinh tế luôn đặc biệt tạo hứng thú đối với Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành khi ông say sưa chia sẻ về công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, kinh doanh tại Cuba. Đại sứ Nguyễn Trung Thành ví cơ quan đại diện Việt Nam ở Cuba như những cánh én nhỏ cần mẫn, ngày ngày góp nhặt những câu chuyện thành công, góp phần dệt nên mùa Xuân trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Cầu nối tin cậy

Ngay khi sang Cuba đảm nhận nhiệm vụ mới, một trong những công việc được Đại sứ Nguyễn Trung Thành tập trung đẩy mạnh là phát triển hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên, cụ thể là giới thiệu về những luật lệ, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam; giới thiệu đối tác; tư vấn cho doanh nghiệp về môi trường kinh doanh nước sở tại, phối hợp cùng các bên giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi đầu tư, kinh doanh tại Cuba.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành kể, có doanh nghiệp rất lớn, từng thành công tại một số thị trường nước ngoài, khi nhìn thấy tiềm năng từ thị trường Cuba đã chủ động gặp Đại sứ để xin tham vấn. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba nhận thấy những kỳ vọng của doanh nghiệp chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của nước bạn nên đã tư vấn doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn dài hơn và bước tiếp cận phù hợp, từ ngắn hạn đến trung hạn, đặc biệt là cần hiểu rõ những đặc thù khó khăn của thị trường Cuba.

“Sau khi nghiên cứu thị trường bạn, những điểm mạnh - yếu, chúng tôi đã đưa ra những lời khuyên rất xác đáng từ khâu thủ tục pháp lý, các cam kết pháp lý cho đến những bước triển khai. Doanh nghiệp đã đánh giá rất cao những tư vấn thiết thực, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tác của Đại sứ quán”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhớ lại.

Hay trường hợp “cứu thua” cho một doanh nghiệp nhỏ đến tham dự Hội chợ hàng quốc tế tại Cuba để quảng bá sản phẩm tại thị trường này cũng được Đại sứ nhắc đến như một ví dụ về những hạn chế của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường nước ngoài. “Doanh nghiệp Việt Nam sau khi vượt một chặng đường rất dài, tham dự nhiều triển lãm, hội chợ ở nước ngoài nhưng khi đến Cuba lại mang những sản phẩm không phù hợp với thị trường bạn. Chúng tôi đã góp ý thẳng thắn với doanh nghiệp và nhận được những phản hồi rất tích cực khi giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí và nguồn lực”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Đại sứ Việt Nam tại Cuba nhận định, do thiếu sự chuẩn bị và thiếu thông tin về thị trường Cuba nên cách tiếp cận của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự tinh tế vì nếu không hiểu rõ đối tác và thị trường nước bạn thì sẽ không thể kinh doanh thành công. “Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài không chỉ là cầu nối tin cậy, tư vấn cho doanh nghiệp để có được kế hoạch kinh doanh tốt, các đối tác tốt mà còn phải tư vấn để có những cách tiếp cận tinh tế, phù hợp với văn hóa của nước bạn”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói. 

Đại sứ Nguyễn Trung Thành (thứ tư từ trái sang) thăm Dự án mẫu Việt Nam giúp Cuba trồng cà phê tại tỉnh miền Đông, Santiago de Cuba. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba)

Đừng thấy nhỏ mà chê

Rất nhiều doanh nghiệp Việt, khi có ý định đầu tư ở thị trường nước ngoài thường “bỏ qua” Cuba do ngại khoảng cách địa lý xa xôi, quy mô thị trường nhỏ. Chia sẻ câu chuyện này với Đại sứ Nguyễn Trung Thành, ông cho rằng đây là quan niệm có phần “phiến diện”: “Nhiều người cho rằng thị trường Cuba nhỏ bởi nó không lớn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường Cuba không phải là quá nhỏ để không lưu tâm”.

Theo Đại sứ, Cuba hiện đang tham gia nhiều thỏa thuận kinh tế trong khu vực Caribbean và Mỹ Latin với khá nhiều ưu đãi từ thị trường này. “Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất tại Cuba chắc chắn sẽ được hưởng những ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Vì vậy, khi nghiên cứu thị trường Cuba, doanh nghiệp nên đặt trong không gian thị trường rộng lớn hơn, đó là vùng Caribbean và khu vực Mỹ Latin. Chưa kể một số nước trong khu vực này đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một thành viên”, Đại sứ lưu ý.

Ngoài ra, theo ông, đảo quốc Dominica nằm ngay sát Cuba với quy mô 10 triệu dân, điều kiện kinh doanh khá dễ dàng cũng là một thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt. “Khi tư vấn, gợi ý cho các doanh nghiệp về thị trường Cuba, chúng tôi luôn lưu ý về thị trường này nhưng vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào thực sự quan tâm”, ông Thành nhấn mạnh.

Cơ hội luôn sẵn có

Dù Cuba là thị trường tương đối mới mẻ, đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp…với rất nhiều khó khăn nhưng Đại sứ Nguyễn Trung Thành tin tưởng, nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm và có quyết tâm, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công tại thị trường này.

Tại đất nước Cuba xa xôi, không phải không có những câu chuyện thành công, trở thành “hình mẫu” cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Cuba, bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp, đoàn kết, thủy chung. Đó là trường hợp của Công ty CP Đầu tư Thương mại Thái Bình - hiện phân phối 12 nhóm ngành hàng vào Cuba và có mặt ở 16 tỉnh, thành của đất nước này. Thái Bình là công ty Việt Nam xuất khẩu lớn nhất và lâu đời nhất vào thị trường Cuba (hơn 20 năm qua) và cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư vào Cuba nhằm “đón đầu” những cơ hội mới khi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế.

Tiếp nối Thái Bình, ngay khi phía bạn mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Tổng công ty Viglacera đã mạnh dạn đầu tư Khu kinh tế ViMariel tại Đặc khu phát triển Mariel (ZEDM) với diện tích 160ha, 100% đầu tư vốn của Việt Nam. Khu kinh tế ViMariel hứa hẹn là địa điểm thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử và những ngành công nghiệp khác bởi vị trí địa lý thuận lợi cùng cơ sở hạ tầng, dịch vụ được đầu tư đồng bộ và đặc biệt nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Cuba với những chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành đánh giá, những doanh nghiệp như Viglacera hay Thái Bình đều là những “cánh chim đầu đàn” thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Cuba ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất. “Họ bắt đầu chỉ bằng một giấc mơ, một khát vọng, sự hiếu kỳ, sự nhạy cảm về kinh doanh, họ dám dấn thân vượt đại dương xa xôi để đến Cuba làm ăn và thành công thì tại sao các doanh nghiệp khác lại không thể làm được?”, Đại sứ đặt vấn đề.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh, những kinh nghiệm và điều kiện của Việt Nam đều khá tương đồng và phù hợp với Cuba. Sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, chăn nuôi, hàng điện tử thay thế…đều là những lĩnh vực mà Cuba có nhu cầu. “Thái Bình chủ yếu thành công từ sản xuất hàng tiêu dùng. Họ sản xuất từ các mặt hàng rất đơn giản như xà phòng hay tã lót trẻ em… nhưng đều là những sản phẩm mà phía bạn đang cần. Từ câu chuyện của Thái Bình để thấy rằng, dù quy mô thị trường nhỏ, dù xa cách về địa lý nhưng nếu chúng ta có lòng quyết tâm, có những chương trình hợp tác phù hợp, hữu hiệu, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thành công. Trước đây đã có Thái Bình, tôi tin rằng giờ đây với sự hỗ trợ và đồng hành của Đại sứ quán, sẽ có thêm nhiều Thái Bình nữa, tại sao không?”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt đang có ý định đầu tư tại thị trường Cuba, Đại sứ Việt Nam tại Cuba cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải chủ động, táo bạo và quyết liệt hơn nữa. Đại sứ cho rằng: “Doanh nghiệp có thể nhỏ và vừa nhưng nếu đồng hành thành công với Cuba cũng sẽ đóng góp vào sự lớn mạnh của chính bản thân doanh nghiệp”. 

(ghi)