📞
25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink: Từ mẩu chuyện 'đời' tới chất keo nối hai đất nước

Minh Quân 09:44 | 03/07/2020
TGVN. Những mẩu chuyện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho thấy một góc nhìn giản dị, gần gũi về tiến trình hòa giải “chậm mà chắc” trong quan hệ song phương.
Buổi họp báo ngày 2/7 của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. (Ảnh: Yến Nhi)

Ngày 2/7, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tổ chức họp báo về kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Việt Nam (12/7/1995-12/7/2020), với sự tham dự của Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink. Trong cuộc họp báo kéo dài hơn 2 tiếng, Đại sứ đã dành nhiều thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên về nhiều vấn đề lớn như quan hệ song phương sau đại dịch Covid-19, vai trò của Việt Nam trong chính sách của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác Việt Nam–Hoa Kỳ trong năm Việt Nam đảm nhận trọng trách kép tại ASEAN và Liên hợp quốc…

Song điều ấn tượng hơn cả lại là những câu chuyện được chính Đại sứ chia sẻ một cách rất “đời”, về trải nghiệm trong hành trình thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa xứ cờ hoa và mảnh đất hình chữ S, cố gắng tìm kiếm sự hòa giải giữa hai quốc gia, hai dân tộc và hai bờ chiến tuyến.

Cuộc gặp bất ngờ

Câu chuyện về cuộc gặp bất ngờ ở trụ sở Báo Nhân dân ngày 1/7 là một trải nghiệm như vậy. Đại sứ chia sẻ: “Ngày hôm qua, tôi đã thăm trụ sở Báo Nhân Dân và có cuộc gặp thú vị với Tổng Biên tập Thuận Hữu. Trước khi tới cuộc họp, tôi đã ghé thăm Nhà Truyền thống của Báo Nhân Dân ở tầng 1. Tôi rất xúc động khi được biết và nhìn thấy kỷ vật còn sót lại của một số nhà báo đã hy sinh khi tác nghiệp trong Chiến tranh Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong buổi gặp gỡ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu ngày 1/7. (Nguồn: Nhân Dân)

Khi lên tầng 2 để nói chuyện với Tổng Biên tập, tôi đã bất ngờ khi biết rằng có một cán bộ lãnh đạo của Báo là con trai của một nhà báo Nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt ấy. Tôi đã bắt tay và nói với ông ấy rằng: Tôi lấy làm tiếc vì sự hy sinh của cha ông trong chiến tranh, song tôi tin rằng ông hẳn rất tự hào khi cha mình đã sống, chiến đấu và hy sinh vì lòng yêu nước.

Dù lấy làm tiếc vì quá khứ bi thương ấy giữa hai quốc gia và những người đã ngã xuống, song ngày hôm ấy, tôi cũng cảm thấy may mắn khi có thể gặp lại, coi ông ấy như là một người bạn, trong bối cảnh quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết”.

Hàn gắn vết thương

Đại sứ cũng chia sẻ thêm về một số trải nghiệm đáng nhớ khác khi công tác tại Việt Nam.

“Đầu tuần này, tôi đã có chuyến thăm Thanh Hóa. Dù mới lần đầu thăm Thanh Hóa, tôi đã được đón tiếp rất nồng hậu và cảm thấy vô cùng cảm động, nhất là khi tôi có vinh dự nắm tay những cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng nhau đi đến giữa cầu Hàm Rồng lịch sử, nơi từng chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt trong quá khứ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các cựu chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam chụp ảnh tại cầu Hàm Rồng ngày 30/6. (Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

Đó chỉ là ví dụ nhỏ nữa, củng cố niềm tin về sức mạnh của quá trình hòa giải, khiến tôi vững bước hơn trong hành trình đưa quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai, ngày một phát triển và bền vững. Trong nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa cựu chiến binh hai nước và cá nhân tôi cũng vinh hạnh được tham gia một số trong đó. Theo tôi, chính trải nghiệm của các cựu chiến binh và gia đình đã ít nhiều thúc đẩy họ tham gia vào quá trình trao đổi, hợp tác giữa hai quốc gia.

Một ví dụ khác mà tôi muốn chia sẻ là câu chuyện của bà Jerilyn Brusseau. Có anh trai đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, song bà mong muốn thúc đẩy quá trình hòa giải Hoa Kỳ-Việt Nam. Những nỗ lực ấy đã được cụ thể hóa với sự ra đời của tổ chức Peace Trees Vietnam, nhằm rà phá bom mìn còn sót lại ở tình Quảng Trị và phát triển ngành nông nghiệp sạch, bền vững tại đây.”

Niềm tin là sức mạnh

Theo Đại sứ, các hoạt động trong những chuyến thăm của ông, dù là tới nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn cuối năm 2019 hay nghĩa trang liệt sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều có chung một mục đích là thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh những người đã khuất ở cả hai bờ chiến tuyến vì lòng yêu nước. Ông hy vọng rằng, qua những hoạt động đó, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể thúc đẩy công tác về hàn gắn những vết thương còn âm ỉ, hòa giải giữa hai quốc gia và hai dân tộc.

Câu nói năm nào của cựu Tổng thống Bill Clinton vẫn còn đó: “Chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, nhưng cũng đừng để lịch sử kiểm soát chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra trong quá khứ, nhưng chúng ta có thể cùng nhau dốc lòng, bằng mọi cách thúc đẩy tiến trình hòa giải, tình hữu nghị, quan hệ đối tác Hoa Kỳ và Việt Nam, người Mỹ và người Việt. Đó là điều chúng tôi cam kết thực hiện”.

Một mối quan hệ giữa hai quốc gia chỉ có thể phát triển và dài lâu khi được xây dựng trên nền tảng vững chắc của lòng tin. Thú vị thay, khi lòng tin, thứ tưởng mông lung, xa vời trong một thế giới nhiều biến động, lại thường được vun đắp bằng những hành động nhỏ nhưng giàu ý nghĩa như trong các mẩu chuyện rất “đời” của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.