đại sỨ kể chuyện:
Hành trình
hoa kim tước
và câu thần chú “không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Vừa ráo riết với công tác bảo hộ công dân, tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt về nước, vừa đảm bảo cho Đại sứ quán vận hành trơn tru trong bối cảnh sống trong tâm dịch Covid-19. Thực sự là một cuộc đua “chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử Đại sứ quán, theo lời Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu.
THẮT DÂY AN TOÀN
VÀO “TÂM DỊCH” VÀ
BÀI TOÁN “BẢO TOÀN LỰC LƯỢNG”
T
- hưa Đại sứ, cuộc sống của ông và các cán bộ nhân viên Đại sứ quán ở vùng “tâm dịch” như thế nào?
Cho đến đầu tháng Hai, bản thân người dân Ấn Độ cũng nghĩ Covid-19 khó “sờ” đến được đất nước này. Có một vài ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng Giêng tại bang Kerela, xa New Delhi hơn ba giờ bay, đã nhanh chóng được cách ly và chữa khỏi. Nhiều người bạn Ấn Độ nói với tôi tâm điểm Covid-19 lúc này là ở Vũ Hán và thậm chí là ở Việt Nam, nơi đang có vài ca nhiễm.
Hoạt động của Đại sứ quán chúng tôi vẫn diễn ra như thường lệ. Các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra thậm chí còn sôi nổi hơn thời gian trước bởi đường bay thẳng nối Ấn Độ và Việt Nam của hãng Indigo của Ấn Độ và Vietjet của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Chúng tôi chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh diễn ra vào nửa đầu tháng Hai, hỗ trợ chuyến thăm Ấn Độ của đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu vào cuối tháng Hai, đồng hành với các đoàn trao đổi văn hóa, xúc tiến đầu tư, du lịch…
Đại sứ Phạm Sanh Cháu và đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ đón Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ngày 11/2/2020. | Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với các doanh nghiệp Ấn Độ ngày 25/2/2020 |
Đại sứ Phạm Sanh Châu gặp gỡ người dân bang Mizoram nhân chuyến thăm làm việc tại bang này cùng đoàn Đại sứ các nước ASEAN vào ngày 7/3/2020. |
Nhưng cũng giống như nhiều nước trên thế giới, “cơn bão Covid-19” ngày càng tiến gần Ấn Độ.
8h tối ngày 23/3, Thủ tướng Narendra Modi lên truyền hình quốc gia và tuyên bố từ 12:00 đêm ngày 24/3/2020 sẽ cấm toàn bộ người dân Ấn Độ dù ở thành phố hay vùng quê hẻo lánh, kể cả các nhà ngoại giao, đều không được bước chân ra khỏi nhà.
Tôi viết trên Facebook thời điểm đó: “Thế là đất nước 1,3 tỷ dân này sẽ tự cách ly với nhau và với thế giới bên ngoài trong 21 ngày tới! Đây là quyết định mang tính lịch sử, cực kỳ quan trọng và là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ để trách kịch bản được dự báo là giữa 15/4/2020 sẽ có khoảng một triệu người nhiễm bệnh và ba mươi nghìn người chết. Xin bà con hãy tự bảo trọng, thắt chặt dây an toàn vì tàu chuẩn bị vào vùng tâm bão!”
Thực ra, trong tuần trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị cho phương án làm việc. Cả buổi chiều Chủ nhật 22/3, tôi đã lần lượt gọi điện cho tất cả 26 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, dặn dò từng người một.
Trong các tháng tới, mô hình hoạt động của Đại sứ quán sẽ phải thay đổi. Sẽ không có tiếp xúc trực tiếp. Sẽ phải tính cách kết nối online. Làm việc ở nhà thì cố gắng tận dụng thời gian hiệu quả nhất. Và đặc biệt, trọng tâm hoạt động lớn nhất của của Đại sứ quán lúc này là công tác bảo hộ công dân.
Nhờ Chính phủ Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nên đã tránh được kịch bản xảy là có hơn 1 triệu người dân ở Ấn Độ nhiễm bệnh vào giữa tháng Tư.
Các bác sĩ Ấn Độ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. | Người dân Ấn Độ theo dõi thông báo lệnh giới nghiêm của Thủ tướng Modi trên sóng truyền hình quốc gia, ngày 23/3/2020. |
Số liệu cập nhật đến ngày 31/10/2020, Ấn Độ có 8.137.119 ca mắc Covid-19. |
Nhưng bạn cũng thấy Covid-19 đã càn quét như thế nào rồi đấy. Đến nay Ấn Độ ghi nhận tổng cộng trên 8 triệu ca mắc, cao thứ hai trên thế giới và số ca tử vong tại quốc gia Nam Á này là hơn 100 nghìn ca.
Từ thời điểm Ấn Độ bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa đến nay, chúng tôi đã ở trong tâm dịch hơn 7 tháng. Chúng tôi vừa áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, ưu tiên tối đa cho việc “bảo toàn lực lượng” nhưng cũng không một phút lơ là nhiệm vụ được giao phó, đặc biệt là công tác bảo hộ công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Ấn Độ do dịch Covid-19.
KHAO KHÁT trở VỀ NHÀ VÀ NHỮNG CHIẾN DỊCH MANG TÊN CÁC LOÀi HOA
Đ
ược biết, các chiến dịch đưa công dân Việt Nam từ địa bàn ông phụ trách về nước không hề dễ dàng?
Trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng dịch bệnh quy mô toàn cầu, chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại, chính sách xuất nhập cảnh của các nước thay đổi liên tục khiến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân từ vùng dịch về nước của không chỉ của chúng tôi mà của các đồng nghiệp ở các cơ quan đại diện khác của Việt Nam trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều ẩn số.
Chúng tôi thường gọi tên các đợt tổ chức chuyến bay đó là các chiến dịch vì để tổ chức một chuyến bay, cần sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không, cơ quan y tế, cơ sở cách ly, các ban ngành sở tại…
Và để đảm bảo một chiến dịch thành công thì bạn cần sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các bên liên quan và nhiều khi thêm một chút may mắn nữa. Nói ví von thì chỉ cần mắt xích trong động cơ gặp trục trặc thì chiếc xe khó mà lăn bánh về đích.
Các cán bộ nhân viên Đại sứ quán chuẩn bị thức ăn để mang ra sân bay. | Vận chuyển nước uống và đồ ăn ra sân bay. | Những suất ăn miễn phí đặt tại sân bay dành cho bà con. |
Chiến dịch Hoa kim tước, chiến dịch đầu tiên đưa công dân về nước diễn ra vào ngày 19/5 cũng là một hành trình đầy chông gai?
Hơn hai tháng không bước ra khỏi nhà trong bối cảnh Ấn Độ thực hiện lệnh phong toả nghiêm ngặt nhưng cuộc sống của tôi dường như trải đều trên khắp các bang và vùng lãnh thổ của đất nước Nam Á này.
Thay vì trực tiếp chủ trì tổ chức các sự kiện, tiếp xúc với giới chức sở tại, tham gia các hội thảo, gặp gỡ giới ngoại giao đoàn... lịch làm việc hàng ngày của tôi xoay quanh công tác bảo hộ công dân.
Tôi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn... xin trợ giúp từ các công dân mắc kẹt tại khắp các địa phương ở Ấn Độ bất kể ngày, đêm. Tôi trực tiếp gọi cho từng bà con, họ là tăng ni sinh, Phật tử, là du học sinh, là công nhân lao động hết hạn hợp đồng, là thủy thủ, là chuyên gia kỹ thuật, là nhà đầu tư...
Khao khát trở về quê hương của họ khiến chúng tôi, những nhà ngoại giao được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các công dân Việt Nam ở sở tại không thể không hành động.
Từ khi bắt đầu thủ tục xin phép tổ chức chuyến bay đến khi chuyến bay được chấp thuận thì muôn vàn khó khăn nảy sinh.
Thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 17 bang trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều đóng.
Song song với việc gỡ các nút thắt trong quá trình xin phép bay, chúng tôi sát cánh các bà con, động viên, tìm phương án di chuyển, hỗ trợ gia hạn visa, cứu trợ lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu…
Và chúng tôi cùng các công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Ấn Độ trải qua một hành trình hơn hai tháng với nhiều bão giông nhưng đầy ắp niềm hy vọng để biến giấc mơ trở về Đất Mẹ trở thành sự thật.
Liên tiếp các cuộc họp, cả trực tiếp và trực tuyến, chuẩn bị cho các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước. | Cán bộ lãnh sự Đại sứ quán hỗ trợ thực phẩm cho các sinh viên bị ảnh hưởng do lệnh phong toả |
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách ở lại qua đêm tại Đại sứ quán để chuẩn bị lên chuyến bay ngày 19/5. |
Các chiến dịch sau cũng mang tên các loài hoa?
Sau chiến dịch Hoa Kim tước đưa 339 công dân Việt Nam và nhà đầu tư Ấn Độ về nước ngày 19/5, Đại sứ quán đã tổ chức thêm ba chiến dịch nữa đều mang tên các loài hoa.
Chiến dịch Hoa đỗ quyên đưa hơn 200 bà con mắc kẹt tại năm nước Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives. Chiến dịch Hoa phượng tím đưa về Việt Nam gần 200 bà con và các nhà ngoại giao Ấn Độ và Việt Nam. Chiến dịch Ba bông hồng không chỉ đưa về nước 100 bà con còn mắc kẹt tại Ấn Độ mà còn giúp đưa công dân Lào mắc kẹt tại Ấn Độ về Lào và đưa 200 công dân Ấn Độ mắc kẹt tại Việt Nam về Ấn Độ.
Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là lo lắng và hồi hộp đến phút cuối. Chưa bao giờ ba tiếng “Trở về nhà” vừa trở nên thiêng liêng vừa trở nên khó khăn đến thế cho tất cả mọi người dù bạn là ai, quốc tịch gì và đang ở đâu.
Không chỉ đưa các công dân Việt Nam, các chuyến bay thường kết hợp với việc đưa các nhà đầu tư, các doanh nhân Ấn Độ sang Việt Nam và có chuyến bay sau này chủ yếu dành cho doanh nghiệp Ấn Độ?
Với một nền kinh tế lớn thứ năm thế giới như Ấn Độ, tiềm năng thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh giữa hai nước là rất lớn. Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 chưa hoành hành, tôi đã quyết tâm hỗ trợ tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ như HCL, Essar… đầu tư ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành “thiên đường tổ chức đám cưới” cho các gia đình tỷ phú Ấn Độ, nỗ lực tạo ra “cú hích” cho du lịch giữa hai nước bùng nổ khi đường bay thẳng giữa hai nước đã thành hiện thực…
Trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh “mục tiêu kép” là chặn "giặc" Covid-19 song hành với việc phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường xuất khẩu, tận dụng thời cơ để thu hút FDI thì trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.
Đặc biệt, với Quyết định 850/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, việc thúc đẩy các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao… trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chúng tôi sau khi công tác bảo hộ công dân cơ bản tạm ổn định.
Ánh sáng của sự tận tâm và tinh thần nhân bản
Sau chiến dịch Hoa kim tước, Đại sứ có viết một cuốn sách về cuộc di chuyển đặc biệt này?
Ý tưởng viết cuốn sách ra đời ít ngày sau chiến dịch Hoa kim tước kết thúc. Cuốn sách ghi lại những nỗ lực phi thường của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai trong công tác bảo hộ công dân và tìm cách đưa bà con về nước tránh dịch Covid-19.
Trước, trong và sau chiến dịch, tôi liên tiếp nhận được các bức thư cảm ơn, những dòng tâm sự, chia sẻ của các công dân được Chính phủ tạo điều kiện để về nước ngày 19/5.
Chính những trải nghiệm cá nhân và câu chuyện kể của bà con trong thời khắc lịch sử có một không hai này đã thôi thúc tôi viết về hành trình hoa kim tước như một cách lưu dấu những năm tháng không thể nào quên.
Hành trình bắt đầu với những tháng ngày rực rỡ đầu năm 2020 với những chuyến đi khám phá Trung Đông kỳ bí, những tháng ngày bận rộn đón các đoàn lãnh đạo cấp cao, say sưa với các hoạt động ngoại giao kinh tế, mải mê với những chuyến đi khám phá địa phương.
Bước sang tháng Ba là câu chuyện đầy dự cảm về những biến động ngỡ ngàng do virus Corona đem lại, cắt đứt gần như mọi chuỗi kết nối vật lý tưởng như hiển nhiên từ trước tới nay.
Tháng Tư, tháng Năm là chuỗi những ngày tháng chạy đua với bóng ma đại dịch của những cán bộ ngoại giao để rồi vỡ oà khi những thủ tục cuối cùng cũng hoàn tất để 339 công dân Việt Nam, trong đó có 4 công dân nước ngoài, có thể bước chân lên chiếc tàu bay mang Boeng 787-10 Dreamliner của VNA để trở về trong vòng tay quê hương.
Chiến dịch Hoa kim tước khép lại, chiến dịch Hoa đỗ quyên, Hoa phượng tím, Ba bông hồng và các chuyến bay đặc biệt khác mở ra, cùng vô vàn những thách thức mới.
Sự tận tâm, tinh thần nhân bản, cùng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành câu “thần chú” cho tôi và các cộng sự của mình luôn tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, như những bông kim tước luôn biết cách toả sáng dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến chừng nào.
Các công dân khai báo y tế trước khi làm thủ tục vào sân bay. | Các công dân xếp hàng làm thủ tục vào sân bay. | Đại sứ Phạm Sanh Châu thăm hỏi động viên bà con. |
Các công dân đã có mặt trên máy bay sau khi hoàn tất các thủ tục để trở về quê hương. |
Cuốn sách hoàn thành trong vòng một tháng giữa bộn bề các công việc khác của một Đại sứ, với chất liệu được hình thành từ chính công việc của tôi và các đồng nghiệp; từ đời sống của các công dân Việt Nam bị mắc kẹt; từ những trải nghiệm phong phú của bản thân trong hơn một năm rưỡi sống ở đất nước sông Hằng đa văn hoá, đa sắc tộc.
Đọc cuốn sách, bạn có thể phần nào thấu hiểu hơn cuộc sống của những "người lính trên mặt trận ngoại giao", luôn ý thức nhiệm vụ bảo hộ tốt nhất cộng đồng người Việt Nam ở sở tại; bảo vệ và phát huy lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tôi đã đọc cuốn sách với cảm giác như thể của một người ở trong chính những sự kiện mà Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ, nhân viên của sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm. Việc đưa những người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác tại Ấn Độ về Việt Nam một cách an toàn, với tôi, là một cuộc di dân đặc biệt. Và tôi gọi đó là “cuộc di dân bác ái”. Chỉ cần đọc thông tin qua báo chí, những người ở trong nước cũng đã hình dung ra sự phức tạp, khó khăn của những người Việt Nam ở các vùng dịch tìm cách trở về nhà. Nhưng khi đọc những trang ghi chép của ông, tôi mới thấy hết những gì khó khăn, thách thức và cả hiểm nguy trong cuộc giải cứu nhân tính tuyệt vời này.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Giám đốc Tổng biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn
Bài: Vân An
Ảnh: Công Tuấn, Nam Việt, Reuters
Đồ họa: Minh Nhật