Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. (Nguồn: ĐSQ Lào tại Việt Nam) |
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 11-12/7.
Nhân sự kiện đặc biệt này, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm cũng như những ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong nhiệm kỳ của bà tại mảnh đất hình chữ S.
Thưa Đại sứ, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào sắp tới của Chủ tịch nước Tô Lâm, đặc biệt khi đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới?
Chuyến thăm Lào sắp tới của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức Chủ tịch nước.
Trong buổi tiếp Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor-Leste tại Hà Nội ngày 30/5, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của tự cường và tự chủ chiến lược đối với ASEAN. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đã chọn chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, với ưu tiên tăng cường sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy khả năng tự cường và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức địa chính trị và kinh tế.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam góp phần vào sự phát triển kinh tế khu vực. Việt Nam tích cực hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch ASEAN, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định ASEAN luôn là gia đình của những người anh em láng giềng gần gũi, gắn bó thân thiết của Việt Nam. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào chính là nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác này.
ASEAN luôn là lực lượng chủ đạo đối với hòa bình, an ninh khu vực. Đối thoại và hợp tác là rất cần thiết trong việc giải quyết các thách thức đa chiều, phức tạp và khó lường. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Lào đang nỗ lực hướng tới mục tiêu tối ưu hóa tiềm năng của ASEAN vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung.
Tựu trung, chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sự đoàn kết, tự cường và hợp tác khu vực của ASEAN, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực này.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh trong buổi tiếp Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor-Leste tại Hà Nội ngày 30/5. |
Theo bà, thành tựu nổi bật nhất của quan hệ Việt Nam-Lào trong hơn 6 thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao là gì?
Quan hệ Việt Nam-Lào có lịch sử lâu đời và đặc trưng bởi sự trung thành, trong sáng, bền vững và mối liên kết đặc biệt giữa hai nước. Dưới đây là một số thành tựu nổi bật của mối quan hệ đặc biệt này:
Mối liên hệ lịch sử và độc lập: Mối quan hệ chặt chẽ giữa Lào và Việt Nam xuất phát từ sự gần gũi về mặt địa lý, cùng chia sẻ dòng sông Mekong và dãy núi Trường Sơn. Cả hai nước đều mong muốn độc lập, tự do, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 và nước Lào Issara ngày 12/10/1945.
Những thắng lợi to lớn của Cách mạng Lào và liên minh chiến đấu Việt-Lào đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định quốc tế Trung lập Lào (Hiệp định Geneva về Lào) ngày 23/7/1962, công nhận độc lập và chủ quyền của Lào. Hai tháng sau, Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương hiện đại.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác: Trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, Lào và Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977. Hiệp ước này thể hiện cam kết của cả hai nước về hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong những năm qua, Hiệp ước đã trở thành tài sản quý giá, là cơ sở pháp lý vững chắc để mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư và giáo dục.
Tình đoàn kết đặc biệt và thịnh vượng chung: Quan hệ Việt Nam-Lào là tài sản vô giá được dày công vun đắp bởi các nhà lãnh đạo vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong. Các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã góp phần không nhỏ tạo nên mối quan hệ đoàn kết đặc biệt này.
Nếu không có liên minh đấu tranh Việt-Lào và tình đoàn kết đặc biệt thì cuộc đấu tranh giành độc lập ở mỗi nước sẽ không thể đi đến thắng lợi, những nỗ lực xây dựng và bảo vệ đất nước sau này sẽ không đạt được những thành tựu đáng kể như ngày nay.
Mối quan hệ Việt Nam-Lào là biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt, lòng trung thành và sự thịnh vượng chung. Mối quan hệ đó đã vượt qua thử thách của thời gian và tiếp tục là nền tảng để bảo vệ lợi ích quốc gia ở cả hai nước.
"Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, tự cường và hợp tác khu vực của ASEAN, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực này." (Đại sứ Khamphao Ernthavanh) |
Nhận nhiệm vụ tại Việt Nam cách đây không lâu, bà có thể chia sẻ ấn tượng của mình về đất nước và con người Việt Nam?
Với tư cách là Đại sứ mới được bổ nhiệm của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, tôi rất vinh dự được chia sẻ những ấn tượng của mình về đất nước và con người xinh đẹp này.
Việt Nam là quốc gia hấp dẫn với khả năng phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lòng hiếu khách nồng hậu, lịch sử phong phú, thiên nhiên tươi đẹp và di sản văn hóa dồi dào.
Tôi mong muốn tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy trao đổi văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Vẻ đẹp và tinh thần của Việt Nam tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi và tôi mong muốn được đóng góp vào hành trình chung của chúng ta hướng tới hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng.
Đại sứ Khamphao Ernthavanh cùng các nữ Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trải nghiệm làm tranh Đông Hồ ngày 6/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong nhiệm kỳ tới, bà dành ưu tiên gì nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào?
Trong nhiệm kỳ tới, nhằm thúc đẩy tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, tôi xin chia sẻ một số lĩnh vực ưu tiên:
Một là, hợp tác thương mại và đầu tư. Thời gian tới, hai nước sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Tăng cường quan hệ kinh tế sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và phát triển chung.
"Tôi mong muốn tăng cường mối quan hệ song phương, thúc đẩy trao đổi văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước chúng ta. Vẻ đẹp và tinh thần của Việt Nam tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi và tôi mong muốn được đóng góp vào hành trình chung của chúng ta hướng tới hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng". - Đại sứ Khamphao Ernthavanh |
Hai là, kết nối giao thông. Việc cải thiện kết nối giao thông giữa hai nền kinh tế là điều cần thiết để vận chuyển hàng hóa, giao lưu nhân dân và chia sẻ sáng kiến một cách hiệu quả. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực.
Ba là, giáo dục và văn hóa. Hợp tác về giáo dục và văn hóa sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và trân trọng di sản giữa hai nước chúng ta. Trong khi đó, giao lưu nhân dân sẽ góp phần tăng cường gắn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Bốn là, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Nỗ lực hợp tác, xây dựng đường biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị vô cùng quan trọng để duy trì sự ổn định và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước anh em láng giềng.
Năm là, hợp tác thông tin và truyền thông. Hai nước tiếp tục tổ chức các chương trình hợp tác quan trọng, trong đó có hợp tác thông tin và truyền thông giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào. Sự hợp tác này nhằm mục đích tăng cường các kênh liên lạc và tăng cường sự hiểu biết song phương.
Sáu là, hợp tác và trao đổi khoa học. Việc tăng cường trao đổi và hợp tác khoa học sẽ thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển chuyên môn giữa Việt Nam và Lào. Hợp tác nghiên cứu và hợp tác học thuật sẽ góp phần vào sự phát triển và tiến bộ chung của hai nước.
Những ưu tiên này phản ánh cam kết của cả Việt Nam và Lào trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ đặc biệt và bảo đảm hợp tác lâu dài vì lợi ích của người dân hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh (thứ ba từ trái) tham gia hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan ẩm thực quốc tế 2023. (Ảnh: Tuấn Việt) |