Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam trao cúp của Chương trình Gương sáng Pháp luật cho Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, ngày 8/4. (Nguồn: PLVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc khi được nhận danh hiệu Gương sáng Pháp luật – một danh hiệu cao quý của những người làm công tác pháp luật?
Cuối tháng 10/2023, tôi nhận được giấy báo của Báo Pháp luật Việt Nam về việc tôi là một trong 50 đại biểu được trao tặng danh hiệu Gương sáng Pháp luật năm 2023. Sáng 8/4 vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngay tại Tòa soạn Báo lễ trao tặng cho tôi danh hiệu cao quý này, do tôi đã không thể về nước tham dự Lễ trao tặng được tổ chức vào tối ngày 1/11/2023 khi đang đảm nhiệm trọng trách Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ.
Tôi vô cùng xúc động, vui mừng và vinh dự được trao tặng danh hiệu Gương sáng Pháp luật trong khuôn khổ Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2023, do Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì tổ chức theo Đề án bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng Pháp luật) đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt. Đây là vinh dự và sự ghi nhận đối với không chỉ cá nhân tôi mà còn là vinh dự và sự ghi nhận đối với cán bộ ngoại giao làm công tác pháp luật, đặc biệt là Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao trong đóng góp cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Danh hiệu Gương sáng Pháp luật là một danh hiệu cao quý, đó vừa là vinh dự và cũng là trách nhiệm của tôi, với trọng trách trước đây vừa làm công tác đối ngoại, luật pháp quốc tế và pháp luật trong nước trên cương vị nguyên Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao, sau đó là Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva (2/2020-1/2024); và nay tiếp tục phát huy với tư cách người mang hàm Đại sứ cấp 1, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật quốc tế Việt Nam trong tham gia hỗ trợ công tác đối ngoại - luật quốc tế, cũng như công tác pháp luật.
Tôi cũng cảm nhận và biết ơn sâu sắc sự chỉ đạo sát sao, quan tâm và động viên to lớn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao hiện nay và trước đây, các đồng chí Lãnh đạo Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế qua các thời kỳ dành cho các cán bộ ngoại giao – luật quốc tế, nhờ đó mà tôi và các đồng nghiệp của tôi được bồi dưỡng nâng cao và được tham gia đóng góp trong hoạch định và triển khai chiến lược, chính sách đối ngoại, cũng như công tác luật quốc tế, công tác pháp luật ở các cấp độ trong nước, khu vực và quốc tế.
TS. Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo về luật nhân đạo quốc tế khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á lần thứ 14 (SNAS), ngày 24/6/2019. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tôn vinh Gương sáng Pháp luật đối với lực lượng làm công tác pháp luật Việt Nam?
Tôi nhận thấy việc tôn vinh Gương sáng Pháp luật đối với những người làm công tác pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực trên toàn quốc có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho việc nâng cao hiệu quả xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam, cũng như triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước ta và tôn chỉ của Liên hợp quốc về đề cao thượng tôn pháp luật ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Việc tôn vinh Gương sáng Pháp luật còn có ý nghĩa góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam trên các lĩnh vực; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật, trong đó có công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đang triển khai.
Không những vậy, việc bình chọn và trao tặng danh hiệu Gương sáng Pháp luật cho cán bộ làm công tác luật pháp quốc tế, một chuyên ngành đặc biệt trong ngành Ngoại giao và công tác pháp luật nói chung còn có ý nghĩa khích lệ và động viên rất lớn đối với các cán bộ ngoại giao làm công tác luật pháp quốc tế, pháp chế tại các đơn vị của Bộ Ngoại giao, nhất là Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, đã và đang đóng góp cho công tác xây dựng và thực hiện pháp luật ở Việt Nam, cũng như thúc đẩy sự tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam cho sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế, thu hút sự quan tâm nhất định của quốc tế, giới ngoại giao, các bộ, ngành, doanh nghiệp.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và một số cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngoại giao 24/6/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Nhìn lại quá trình làm công tác pháp luật, đặc biệt là chuyên ngành luật pháp quốc tế, với Đại sứ, đâu là những điều khiến Đại sứ cảm thấy nhớ nhất, góp phần vào thành công của công tác pháp luật Việt Nam nói chung?
Là cán bộ ngoại giao - luật quốc tế với hơn 33 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, nhiều năm làm tại Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, chuyên về công tác pháp luật, đặc biệt là chuyên ngành luật pháp quốc tế, đồng thời tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, đàm phán song phương, nhiều bên, khu vực và quốc tế, tôi cảm nhận sâu sắc trách nhiệm, vinh dự, sự đam mê, đóng góp tích cực và quan trọng của các cán bộ ngoại giao – luật quốc tế trong công tác đối ngoại, công tác xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Trong đó, nổi bật là tư vấn các vấn đề pháp luật trong nước và luật quốc tế trong công tác đối ngoại, pháp chế ngành Ngoại giao và hoạt động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật Việt Nam trên các lĩnh vực nhất là có yếu tố nước ngoài, hoạch định chính sách, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế song phương và đa phương, giải quyết khiếu nại và tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính phủ, tổ chức và cá nhân của Việt Nam, cũng như sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế.
Thực tế cho thấy, cán bộ ngoại giao – luật quốc tế tại Bộ Ngoại giao là những chiến binh thầm lặng, là người tham mưu, đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng, tổ chức và triển khai thực thi pháp luật Việt Nam, phát triển và áp dụng luật quốc tế trong lĩnh vực ngoại giao, hoạt động đối ngoại trong nước, ở nước ngoài, tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Các thế hệ cán bộ của Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao. (Nguồn: Vụ LP&ĐƯQT) |
Luật quốc tế và cụ thể là những lĩnh vực công tác luật pháp quốc tế mà Bộ Ngoại giao đã và đang đảm nhiệm, theo Đại sứ, có vai trò như thế nào trong công tác luật pháp của Việt Nam nói chung?
Công tác luật quốc tế mà Bộ Ngoại giao đã và đang đảm nhiệm trải rộng trên các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng và tích cực góp phần thực hiện, củng cố pháp luật Việt Nam, đề cao thượng tôn pháp luật ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, bao gồm pháp chế ngành Ngoại giao, công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, tư vấn, xây dựng và thực hiện chủ trương của nước ta, cũng như tiến hành thảo luận, tham vấn, thương lượng, đàm phán ngoại giao song phương và đa phương về các vấn đề pháp lý trong đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
Các công tác luật pháp quốc tế mà ngành Ngoại giao đảm nhiệm gắn với ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung, cũng như việc xây dựng và thực hiện pháp luật trong nước, thể hiện mối quan hệ tác động qua lại giữa luật pháp quốc tế và chính sách, pháp luật trong nước.
Tại các địa bàn như Geneva, một trung tâm ngoại giao đa phương, các cán bộ ngoại giao cùng các đoàn công tác của Việt Nam đã và đang tích cực bảo vệ chính sách, pháp luật của Việt Nam, đẩy mạnh và nâng tầm ngoại giao đa phương của nước ta kết hợp với ngoại giao song phương, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc, phát huy vai trò của Việt Nam. Đồng thời, các cán bộ ngoại giao luôn thúc đẩy vận dụng luật pháp quốc tế, nhất là các công ước quốc tế về các quyền con người, các hiệp định về thương mại, đầu tư, thuế quan và tham gia phát triển luật pháp quốc tế.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Chương trình bình chọn và tôn vinh Gương sáng Pháp luật do Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì tổ chức trong phạm vi toàn quốc theo Đề án Bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng Pháp luật) của Bộ Tư pháp. Theo Đề án này, việc tôn vinh và trao tặng danh hiệu Gương sáng Pháp luật được tổ chức hai lần vào năm 2021 và 2023, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm, Ban tổ chức tiến hành lựa chọn và tôn vinh khoảng 50 cá nhân trong cả nước, thuộc các ngành, lĩnh vực và địa phương, đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật, vì sự nghiệp xây dựng và thực hiện pháp luật vì Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
| Nữ Đại sứ hết mình với sứ mệnh vì quyền con người ở 'trái tim đa phương' Hơn 30 năm làm ngoại giao, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva luôn tự ... |
| Những mong mỏi lớn nhất của Việt Nam về ASEAN Với gần 30 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn ASEAN sẽ luôn đoàn kết và có thể ứng phó với những thay ... |
| Một Việt Nam vững vàng ‘tỏa sáng’ trong những guồng quay Nhìn lại một năm đã qua tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng nhưng vẫn ... |
| Hãy luôn giữ ASEAN là điểm sáng của hòa bình, thịnh vượng ASEAN cần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và hợp tác để bất kể môi trường nào đều thể làm tốt hơn cho ... |
| Ấn tượng không khí văn hóa nghệ thuật vùng Tây Bắc tại... Thụy Sỹ Buổi biểu diễn đậm chất nghệ thuật của vùng Tây Bắc diễn ra trong sự kiện kỷ niệm 78 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) ... |