Thưa Đại sứ, ông có thể chia sẻ về những điểm nổi bật trong công tác bảo hộ công dân tại Philippines thời gian qua?
Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) tại Philippines trong thời gian qua thường xuyên thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Tại Philippines cũng có thỏa thuận miễn thị thực cho công dân hai nước với Việt Nam. Do vậy, với việc đi lại thuận tiện, công dân Việt Nam có mặt tại Philippines thường xuyên với số lượng đông. Tuy nhiên, việc công dân ta vi phạm pháp luật của Philippines hay gặp khó khăn như mất hộ chiếu, hoặc tranh chấp dân sự cũng xảy ra.
Từ năm 2016 đến nay, ĐSQ đã xử lý và phối hợp xử lý 18 vụ việc, liên quan đến 21 tàu cá và 165 ngư dân. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, ĐSQ đã phối hợp xử lý 4 tàu, gồm 49 ngư dân. Công tác bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và được ĐSQ coi trọng. Nắm bắt tình hình ngư dân ta vi phạm và liên hệ với cơ quan chức năng Philippines sớm nhất để xác định vụ việc cũng như triển khai nhanh chóng công tác bảo hộ, được cán bộ ĐSQ thực hiện hết sức khẩn trương, liên tục.
Đại sứ Lý Quốc Tuấn trình Quốc thư. |
Trong năm 2017, ĐSQ tập trung cao độ để triển khai giải cứu, phối hợp xác định danh tính của 6 thuyền viên tàu Royal 16 và 5 thuyền viên tàu Giang Hải bị khủng bố Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines bắt cóc, đòi chuộc tiền.
Các cán bộ ngoại giao không quản ngại khó khăn, vất vả, kể cả nguy hiểm tính mạng khi đến khu vực chiến sự giữa quân đội Chính phủ Philippines chiến đấu chống quân khủng bố Hồi giáo. Kết quả đã giải cứu và đưa về nước an toàn 5 thuyền viên, kịp thời xác định chính xác danh tính 5 thuyền viên bị thiệt mạng để chuyển về gia đình và địa phương.
Để đạt kết quả như trên là do ĐSQ rất coi trọng và thực hiện công tác bảo hộ với trách nhiệm cao. Vậy có những biện pháp bảo hộ công dân cụ thể gì, thưa Đại sứ?
Phù hợp với chức năng của Cơ quan đại diện, cũng như nhiệm vụ bảo hộ công dân, ĐSQ đã triển khai đầy đủ biện pháp. Thứ nhất, tiến hành thực hiện thăm lãnh sự công dân. Thứ hai, thực hiện bảo hộ người, pháp nhân (đối với một số công ty và cơ quan có tranh chấp dân sự). Thứ ba, thực hiện bảo hộ phương tiện vận tải, chủ yếu là tàu chở hàng.
ĐSQ cũng thường xuyên thực hiện một số công việc cụ thể như: Xác định quốc tịch của công dân và pháp nhân là Việt Nam để có cơ sở bảo hộ; Liên hệ với cơ quan chức năng trong nước và sở tại để phối hợp bảo vệ công dân; Cùng với việc triển khai công việc bảo hộ cần thiết, hỗ trợ công dân như cung cấp vật dụng, nhu cầu thiết yếu, trợ giúp pháp lý cho công dân và pháp nhân; Triển khai đưa về nước an toàn...
Thời gian qua, công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán cũng gặp không ít khó khăn?
Đúng vậy, đối với địa bàn có đặc thù nhiều đảo, chủ yếu di chuyển bằng đường hàng không, công tác bảo hộ công dân gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, địa điểm xảy ra vụ việc xa với ĐSQ, lại diễn ra đột ngột. Bởi vậy, cán bộ ĐSQ nỗ lực cao, khắc phục khó khăn, thực hiện công tác bảo hộ công dân rất khẩn trương, đột xuất, bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, việc giải cứu các thuyền viên được quan tâm cao của lãnh đạo cấp cao và của nhân dân. ĐSQ luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Công việc bảo hộ khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện lực lượng khủng bố luôn tìm cách che giấu thuyền viên bị bắt, di chuyển thường xuyên, không để quân đội, cảnh sát Philippines phát hiện.
Vì vậy, công tác giải cứu thuyền viên thường xuyên động, đột xuất và nguy hiểm rình rập, đòi hỏi cả ĐSQ, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cơ quan chức năng của ta cố gắng cao nhất. Khi vụ việc xảy ra, không quản ngày đêm, tất cả cùng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất và hoàn tất công việc bảo hộ công dân khẩn trương nhất. Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc của ĐSQ tới thân nhân gia đình của các thuyền viên xấu số.
Trên cương vị của một Đại sứ, ông muốn nhắn nhủ gì với ngư dân Việt?
Trong những năm qua, việc ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển Philippines thường xuyên xảy ra. Đây luôn là nội dung trao đổi công tác giữa ĐSQ với cơ quan chức năng của Philippines như Bộ Ngoại giao Philippines, hải quân, cảnh sát biển…
Tổng thống Rodrigo R. Duterte cũng rất thiện chí tổ chức hai cuộc tiễn ngư dân Việt Nam vi phạm về nước (tháng 10/2016 và tháng 11/2017), cung cấp các nhu yếu phẩm, xăng dầu cho ngư dân trên đường về lại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này sẽ không diễn ra thường xuyên, bởi Philippines là quốc gia có pháp luật, có cơ quan chức năng quy định xử lý hành vi công dân nước ngoài vi phạm vùng biển của mình. Nếu ngư dân Việt Nam tiếp tục có vi phạm sẽ là nguy cơ làm mất đi thiện chí của Tổng thống Philippines, tạo thành vấn đề trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Rodrigo R. Duterte chụp hình cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines. |
Vì thế, từ thực tiễn địa bàn, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam, chính quyền địa phương cần tiếp tục có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài. Cũng đã đến lúc chúng ta phải thực hiện các chế tài nghiêm túc đối với những người tái phạm. Thực tế trong thời gian qua, một số ngư dân của ta đã nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan chức năng nước bạn do trước đó đã vi phạm vùng biển Philippines, đánh bắt cá trái phép.
Thiết nghĩ, không chỉ cơ quan chức năng Trung ương và địa phương của ta cần triển khai biện pháp giáo dục ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, từ các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc, chung sức, chung tay để vừa kết hợp biện pháp ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, cùng tìm ra các giải pháp lâu dài, hiệu quả giúp ngư dân ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như quản lý số lượng hợp lý tàu cá và số lượng ngư dân, hợp tác đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài, cải thiện nguồn hải sản trong biển Việt Nam, chuyển đổi nghề làm trên đất liền cho ngư dân…
Vậy Đại sứ có kỳ vọng gì về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân sau Hội nghị Ngoại giao 30?
Với tinh thần Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 là: “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” và với sự phấn khởi trước kết quả, thành công rực rỡ và bài học rút ra từ Hội nghị, tôi cho rằng:
Đối với ĐSQ Việt Nam tại Philippines, công tác bảo hộ công dân tiếp tục triển khai thường xuyên, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công dân và pháp nhân Việt Nam trên địa bàn. Trong thời gian tới, việc giao lưu, đi lại, làm ăn của công dân ta tại Philippines sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng. Công dân pháp nhân ta gặp khó khăn, hoạn nạn, tranh chấp tại Philippines khả năng sẽ tăng. ĐSQ xác định luôn sẵn sàng thực hiện công tác bảo hộ công dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực cao nhất bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam.
Tôi tin rằng, thời gian tới các cơ quan chức năng trong nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phối hợp giúp đỡ công tác bảo hộ công dân của ĐSQ. Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ công tác bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, kịp thời. Các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục và ngăn chặn hiệu quả việc đi đánh cá không phép trên vùng biển…
Xin cảm ơn Đại sứ!