Nhỏ Bình thường Lớn

Đại sứ Na Uy: Việt Nam là đối tác quốc tế có trách nhiệm

Trả lời phóng viên, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đánh giá cao sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế.
Đại sứ Na Uy: Việt Nam là đối tác quốc tế có trách nhiệm
Đại sứ Grete Lochen cho biết, Na Uy luôn thấy Việt Nam là một thành viên ASEAN tích cực và có trách nhiệm. (Nguồn: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam)

Na Uy là một đối tác đối thoại của ASEAN. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong ASEAN, đặc biệt khi Việt Nam đã hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2020?

Na Uy luôn thấy Việt Nam là một thành viên ASEAN tích cực và có trách nhiệm. “Ấn tượng” là từ tôi muốn dùng để mô tả vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch Covid-19, chúng tôi thực sự ấn tượng vì những gì Việt Nam đã thể hiện. Điểm quan trọng là Việt Nam cam kết duy trì sự gắn kết của ASEAN trong đối phó với Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đồng thời làm cho tiếng nói của ASEAN rõ rệt hơn trên các diễn đàn toàn cầu.

Trong năm 2021, chúng tôi nhận thấy Việt Nam vẫn tiếp tục cam kết này tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) thông qua đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực cũng như phối kết hợp tốt hơn với LHQ.

Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2021-2022, Na Uy nhận thấy Việt Nam là tiếng nói quan trọng của ASEAN tại Hội đồng.

Việc thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh khó khăn đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Đây là minh chứng cho sự chủ động và tính chuyên nghiệp của Việt Nam-một đối tác quốc tế có trách nhiệm.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy ASEAN và Na Uy có nhiều mối quan tâm chung, và những mối quan tâm này ngày càng được tăng cường thông qua các sáng kiến về rác thải nhựa trên biển, năng lượng tái tạo cũng như chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.

"Việt Nam nên cảm thấy tự hào khi sắp hoàn thành những tháng cuối nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Cũng giống Na Uy, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương hiệu quả mà nòng cốt là LHQ. Một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế là sự bảo vệ tốt nhất cho các quốc gia nhỏ và vừa như Na Uy và Việt Nam". (Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen)

Quan hệ hợp tác Na Uy-ASEAN sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới cùng với việc Việt Nam đóng vai trò tích cực và rõ rệt trong khối. Một thời khắc đáng nhớ nữa trong mối quan hệ giữa Quốc hội Na Uy và Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA) đó là trong năm 2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch AIPA, Quốc hội Na Uy đã trở thành nghị viện quan sát viên của AIPA.

Na Uy đang đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2021-2022. Đại sứ nhìn nhận như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trên cương vị này trong nhiệm kỳ 2020-2021?

Chúng tôi rất vui được làm việc cùng với Việt Nam một năm tại HĐBA (năm 2021). Hai nước có chung nhiều chủ đề ưu tiên trong HĐBA, cụ thể là: an ninh và biến đổi khí hậu; ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình; bảo vệ thường dân; phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Tôi theo dõi rất sát các hoạt động của Việt Nam tại HĐBA và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và vai trò chủ động của Việt Nam. Các bạn đã tích cực phối hợp với các ủy viên trong Hội đồng để tìm kiếm các giải pháp cân bằng và xây dựng, thể hiện tính thực tế để đạt được đồng thuận chung về những giải pháp và tuyên bố của HĐBA.

Điển hình là các tuyên bố đồng thuận về tình hình ở Myanmar. Trong thời gian làm Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch rất tham vọng với nhiều sự kiện nổi bật. Tôi rất may mắn khi được mời tham dự các sự kiện trực tuyến này ở Hà Nội và rất ấn tượng về thành phần khách mời cấp cao tham dự cũng như kết quả của các sự kiện.

Một trong những điều tôi nhớ nhất là việc chị Nguyễn Thị Diệu Linh, cán bộ của tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), người quản lý hoạt động bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, đã rất tự tin trình bày trước Hội đồng, chia sẻ những kinh nghiệm bản thân về tầm quan trọng của công tác phòng chống bom mìn. Bài tham luận đã khiến các ủy viên của HĐBA vô cùng ấn tượng.

Việt Nam nên cảm thấy tự hào khi các bạn đang hoàn tất những tháng cuối nhiệm kỳ tại HĐBA. Giống Na Uy, Việt Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương hiệu quả mà nòng cốt là LHQ. Một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế là sự bảo vệ tốt nhất cho các quốc gia nhỏ và vừa như Na Uy và Việt Nam.

Trước thềm Hội nghị của LHQ về Khí hậu COP-26, tôi muốn nhấn mạnh rằng an ninh và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Na Uy tại HĐBA.

Biến đổi khí hậu là thách thức mang tính xác định của thời đại chúng ta. Đó là “mối đe đọa cấp số nhân” có thể làm trầm trọng hóa các xung đột hiện tại và làm phát sinh các xung đột mới. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện có gần một nửa số trẻ em trên thế giới đang sống ở các quốc gia có "nguy cơ cực kỳ cao". Biến đổi khí hậu khiến người dân bị mất chỗ ở cũng như có nguy cơ làm phát sinh các cuộc di dân lớn do bị mất sinh kế.

Quan trọng là các quyết định của HĐBA phải dựa trên thông tin thực tế về các rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu ở các quốc gia cụ thể. Những rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu cũng cần được xem xét trong mọi nhiệm vụ liên quan của các phái bộ gìn giữ hòa bình và chính trị đặc biệt. Đây là vấn đề ngăn ngừa xung đột. Giải quyết rủi ro về biến đổi khí hậu và khả năng thích ứng phải là một phần của nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Các ủy viên HĐBA cần cố gắng hết sức để đảm bảo HĐBA thể hiện được vai trò lãnh đạo và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Đại sứ Na Uy ‘ấn tượng’ với Việt Nam trong ASEAN và Hội đồng Bảo Liên hợp quốc
Quan hệ hợp tác Na Uy-ASEAN sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới cùng với việc Việt Nam đóng vai trò tích cực và rõ rệt trong khối. (Nguồn: ASEAN News)

Quan điểm của Đại sứ về vai trò của ngoại giao đa phương trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp như hiện nay?

Trong 76 năm qua, LHQ đã và đang là một tổ chức toàn cầu thực sự. Để đối phó thành công với bất kỳ thách thức mới nào của thế giới, chúng ta phải dựa trên di sản của LHQ.

Tuy nhiên, ngày nay, hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp đang chịu nhiều áp lực. Cơ chế quốc tế đang có nhiều bất ổn. Một số quốc gia đang quay lưng lại với chủ nghĩa đa phương. Các chuẩn mực, quyền và giá trị cơ bản đối với chúng ta đang bị thách thức.

Thực tế cho thấy Covid-19 đã trở thành yếu tố phá vỡ an ninh lớn nhất thế kỷ một cách phi truyền thống. Trong thời điểm này, điều tối quan trọng là chúng ta phải khẳng định lại cam kết chung trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: duy trì chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế lấy LHQ làm trung tâm.

Chúng ta phải bảo vệ và củng cố trật tự quốc tế vốn đã và đang phục vụ chúng ta rất hiệu quả, một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, có thể đoán định được, để giúp thế giới an toàn hơn và ổn định hơn.

Chúng ta cần một trật tự thế giới nơi các quốc gia lớn và nhỏ có thể hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp chung, nơi các cường quốc không thể hành động đơn phương, nơi “chân lý sẽ chiến thắng sức mạnh”. Đó là điều tốt nhất cho chúng ta. Trên thực tế, chủ nghĩa đa phương là cam kết vượt trên cả lợi ích bản thân.

Trong khu vực, ASEAN tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. ASEAN cần có các quá trình do chính ASEAN dẫn dắt. Về uy tín và danh tiếng của một tổ chức, điều quan trọng là kết quả công việc, là xây dựng lòng tin và chủ động điều chỉnh để phù hợp với những thách thức mới trong và ngoài tổ chức.

Bối cảnh của 10 quốc gia thành viên không giống nhau, nhưng cùng với nhau, các bạn có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa cho toàn khối. ASEAN đã trở thành một nền tảng khu vực quan trọng đối với nhiều nước đối tác. Na Uy đánh giá cao sự hợp tác với ASEAN và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN.

Tôi xin khẳng định lại: chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết để giải quyết các thách thức toàn cầu, truyền thống và phi truyền thống.

Tôi rất vui mừng khi quan hệ song phương giữa Na Uy và Việt Nam được tăng cường thông qua hợp tác tại các diễn đàn đa phương khác nhau, dù ở LHQ hay ASEAN.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Việt Nam chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Mực nước biển dâng và tác động đến hòa bình, an ninh quốc tế

Việt Nam chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Mực nước biển dâng và tác động đến hòa bình, an ninh quốc tế

Chiều 18/10, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, đã diễn ra cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an ...

Việt Nam đồng bảo trợ cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Haiti

Việt Nam đồng bảo trợ cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Haiti

Chiều ngày 15/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp theo thể thức Arria về tình hình Haiti.