📞

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã "biến điều tưởng chừng không thể thành có thể"

06:00 | 05/11/2016
Đó là cảm nhận của TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức – về sự kiện Đại sứ Nguyễn Hồng Thao vừa được bầu vào Ủy ban pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc (ILC).

Nhân sự kiện Đại sứ Nguyễn Hồng Thao vừa được bầu vào Ủy ban pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc (ILC), báo TG&VN đã có bài phỏng vấn Thẩm phán Nguyễn Thị Hoàng Anh về vấn đề này.

TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (Ảnh: Thu Trang/TGVN)

Là một thẩm phán và từng là một nhà ngoại giao, Tiến sĩ suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?

Trước hết, tôi xin chúc mừng ngành Ngoại giao và cá nhân Phó Giáo sư, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao – một trong số ít chuyên gia đầu ngành về Luật biển Quốc tế của Việt Nam đã trúng cử vào ILC. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, vì lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong tổ chức pháp lý quốc tế có ảnh hưởng lớn trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Việc tham gia ILC của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của luật pháp quốc tế tại Việt Nam. Đây là niềm vui đối với các luật gia, đặc biệt với những người nghiên cứu và thực hành luật pháp quốc tế. Đây cũng là tiền đề cho việc Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào các thể chế liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung và các tổ chức quốc tế có liên quan nói riêng.

Đây cũng là một đóng góp trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới. Chúng ta đã chứng kiến các sự kiện như Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009… Tiếp nối tất cả những sự kiện đó, việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trúng cử ILC càng khẳng định hơn nữa chính sách đối ngoại chủ động, tích cực trong ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Với việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được các nước tín nhiệm bầu chọn, cũng là sự ghi nhận, đánh giá đối với Đại sứ, cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương nói chung và về pháp luật quốc tế nói riêng; khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bà đánh giá như thế nào về trọng trách của cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trên cương vị là thành viên của ILC và đóng góp của Việt Nam?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về luật pháp quốc tế, đặc biệt ông là một chuyên gia đầu ngành về Luật biển Quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng là một giảng viên, một Phó Giáo sư đã giảng dạy nhiều năm tại các trường Đại học lớn của Việt Nam. Đại sứ đồng thời là tác giả của nhiều giáo trình, sách nghiên cứu về luật biển. Ngoài nền tảng chuyên môn vững chắc trên, Đại sứ còn thể hiện năng lực thực tiễn của mình trong quá trình nhiều năm tham gia đàm phán trực tiếp về các vấn đề biên giới lãnh thổ.   

Trong khi đó, ILC là một tổ chức với mục tiêu pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế; xây dựng các công ước quốc tế liên quan đến các vấn đề toàn cầu, khu vực mà các quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, ILC cũng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguyên tắc, kiến tạo luật chơi chung, thúc đẩy hợp tác các quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, đóng góp vào sự tiến bộ nhân loại.

Tham gia ILC là cơ hội để những đóng góp tích cực của cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nói riêng và Việt Nam nói chung vào việc pháp điển hóa tiến bộ luật pháp quốc tế, hướng luật pháp quốc tế đến sự phát triển, nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực mà cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam quan tâm. Điều này cho thấy Việt Nam đang hội nhập vào xu thế chung, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế theo đúng phương châm "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" mà Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII đã thông qua.

Cảm xúc của bà đối với sự kiện này như thế nào, thưa Thẩm phán​?

Cùng với các đồng nghiệp và các cán bộ pháp lý Việt Nam, chúng tôi thực sự vui mừng trước việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã biến điều tưởng như không thể trở thành có thể.

Nhân đây, tôi muốn gửi tới Đại sứ Nguyễn Hồng Thao một câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela rằng: “Dường như luôn là điều không thể cho đến khi có người làm được điều đó”.

Rõ ràng, trong lịch sử phát triển luật pháp quốc tế tại Việt Nam, thì đây thực sự là một sự kiện đáng để tự hào, đồng thời cũng là sự động viên cho tất cả những luật gia làm về luật pháp quốc tế khi “đã đến lúc chúng ta có thể nhìn thấy và gặt hái được thành công!”

Xin trân trọng cảm ơn Thẩm phán!

(thực hiện)