Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn (thứ 5 từ phải sang) tháp tùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức UAE tháng 5/2023. (Ảnh: NM) |
Bộ trưởng Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan thăm Việt Nam từ ngày 13-14/6. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về những quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương ở cấp cao, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan?
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan thăm Việt Nam từ ngày 13-14/6 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Đây là một sự kiện quan trọng, là chuyến thăm Việt Nam của một Bộ trưởng Ngoại giao UAE sau 7 năm và diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương đang phát triển hết sức tốt đẹp, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023).
Đây là dịp để hai Bộ trưởng Ngoại giao cùng điểm lại các thành tựu tốt đẹp của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực sau chặng đường 30 năm phát triển, thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước; cùng trao đổi biện pháp để mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hai nước đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Viêt Nam-UAE (CEPA), được kỳ vọng sẽ có tác động vô cùng to lớn đối với quan hệ hợp tác kinh tế, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan diễn ra hơn một tháng sau chuyến thăm UAE của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Xin Đại sứ đánh giá về những nỗ lực trao đổi đoàn cấp cao và quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương?
Chuyến thăm UAE của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (3-5/5), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoai giao UAE Abdulld bin Zayed bin Sultan Al Nahyan lần này (13-14/6) và chuyến thăm của Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế Bộ Kinh tế UAE, Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (4-6/6) diễn ra trong vòng chỉ hơn một tháng cho thấy việc trao đổi đoàn cấp cao hai nước diễn ra hết sức nhộn nhịp.
Điều đó phản ánh sự mong muốn và quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ kinh tế lên một tầm cao mới, thực chất, hiệu quả, hỗ trợ nhau, tương xứng với vị thế và sức mạnh kinh tế của hai nước hiện nay.
Thật cảm động khi trong buổi tiếp hết sức trọng thị Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ song phương, phục vụ lợi ích chung của hai nước và nói sẽ thăm Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp đó, Lãnh đạo hai nước đã gửi lời mời thăm chính thức trong thời gian tới.
Ngay sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước, UAE đã chủ động đẩy mạnh hợp tác lao động với việc đề nghị lớn chưa từng có: Việt Nam cử 100.000 lao động có tay nghề sang làm việc tại UAE trong thời gian tới.
Với quyết tâm của lãnh đạo hai nước, tin chắc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, đặc biệt về kinh tế, giữa Việt nam và UAE sẽ sớm “đơm hoa kết trái”.
Đại sứ nhận định như thế nào về triển vọng kết thúc đàm phán Hiệp định CEPA trong năm nay và ý nghĩa của Hiệp định đối với thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương?
CEPA bao gồm các điều khoản ưu đãi về thương mại và đầu tư, là cơ sở pháp lý cho phát triển quan hệ kinh tế quốc tế vững chắc giữa UAE và quốc gia khác.
Ngày 5/6 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE đã tuyên bố khai mạc vòng đàm phán CEPA đầu tiên tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/6.
Trong buổi tiếp Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định đàm phán CEPA là một nội dung ưu tiên và đề nghị phía UAE phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để thúc đẩy, cố gắng kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm nay.
Việc hai nước ký CEPA sẽ có ý nghĩa to lớn, là một cột mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới về hợp tác toàn diện, đặc biệt về kinh tế.
Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về thương mại, đầu tư giữa hai bên, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.
Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.
Hai bên đều có nhiều tiềm năng lớn trong hợp tác kinh tế: UAE là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ quốc tế của khu vực Trung Đông, Việt Nam được coi là trung tâm sản xuất hàng hóa quốc tế. Dự báo, hợp tác song phương về thương mại, lao động, đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ được ưu tiên thúc đẩy sau khi ký CEPA.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn và các đại biểu khai mạc Lễ hội quảng bá nông sản và thực phẩm Việt Nam tại hệ thống siêu thị Lulu, UAE. (Ảnh: NM) |
Việt Nam đang rất chú trọng xây dựng và phát triển ngành Halal, trong đó, hợp tác quốc tế chính là trọng tâm triển khai. Theo Đại sứ, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này như thế nào?
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển kinh tế Hồi giáo Dubai, năm 2023, các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã nhập khẩu 50 tỷ USD, các nước Hồi giáo trên thế giới dự kiến chi khoảng 2,4 nghìn tỷ USD cho các sản phẩm Halal và tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện nay, UAE là quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp Halal, ngoài ra, đây cũng là trung tâm giao dịch thương mại quốc tế và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước GCC và khu vực Trung Đông, châu Phi. Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp dồi dào, phong phú, có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển mạnh.
Do đó, việc tăng cường hợp tác với UAE trong tất cả các lĩnh vực trong ngành công nghiệp Halal để thúc đẩy xuất khẩu là rất cần thiết. Trước mắt, Việt Nam và UAE cần thúc đẩy đàm phán để ký thỏa thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước (chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt và chế biến).
Tiếp đó, hai bên cần triển khai các bước đi cụ thể như: Xúc tiến công nhận các tiêu chuẩn và thực hành trong lĩnh vực công nhận, chứng nhận và đánh giá cho các đơn vị của Việt Nam; hợp tác với các đơn vị cấp giấy chứng nhận Halal của UAE để có thể cung cấp thông tin đầu vào hữu ích cho cả các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách cung cấp hàng hóa cho thị trường Halal; và hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về Halal để thống nhất các tiêu chuẩn và cách giải thích về Halal, xây dựng nhân sự có năng lực để xử lý toàn bộ chuỗi giá trị và đảm bảo rằng có sự hài hòa về chứng chỉ Halal toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!