📞
25 năm quan hệ Việt Nam-Mỹ:

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Hợp tác 'cùng có lợi' - phương châm bảo toàn thành quả quan hệ Việt-Mỹ

Hạnh Hằng 11:05 | 08/07/2020
TGVN. Nắm quan hệ Việt – Mỹ “trong lòng bàn tay” không chỉ bởi ông Nguyễn Tâm Chiến từng có nhiệm kỳ dài làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ mà có lẽ còn bởi ông “sống” cùng mối quan hệ này ngay cả khi về hưu. Những suy tư, trăn trở của ông, vì thế, không hề cũ mà vẫn luôn mới trong câu chuyện với chúng tôi…
Ông Nguyễn Tâm Chiến là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ năm 2001-2007. Ảnh chụp Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến trình Quốc thư lên Tổng thống Mỹ G. W. Bush ngày 10/10/2001.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến, hiện là Chủ tịch Hội Việt-Mỹ cho rằng, thực trạng quan hệ Việt-Mỹ từ cựu thù đến Đối tác toàn diện là một mẫu mực của sự hòa giải giữa các dân tộc-quốc gia từng đối đầu; là một minh chứng tốt đẹp về lòng vị tha, tính nhân văn và triết lý của người Việt Nam luôn nhìn về tương lai, sẵn sàng gác lại quá khứ.

Không có lòng vị tha, liệu rằng có hòa giải?

Cho đến nay đã 45 năm sau chiến tranh nhưng hậu quả của cuộc chiến ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề như về nạn nhân chất độc da cam, bom mìn chưa nổ hay người mất tích... Trầm ngâm nghĩ về những mất mát trong chiến tranh ấy, khuôn mặt Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến có một chút thoáng buồn, “thực sự nếu không có cội nguồn văn hóa của người Việt như tôi đã từng nói thì khó có thể đi đến hòa giải Việt-Mỹ”.

Nguồn lực thúc đẩy hòa giải trước hết thể hiện qua suy nghĩ và hành động của người dân. Tiến trình hoà giải và bình thường hóa giữa hai nước đã bắt đầu chính bằng những tiếp xúc và hoạt động không chính thức, và mọi chính sách của Nhà nước cũng xuất phát từ mong muốn của người dân và được đại đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ. Không phải ngẫu nhiên mà có cuộc khảo sát xã hội Việt Nam gần đây cho kết quả đại đa số người được hỏi có cảm tình với Mỹ. Vì thế, các tiến triển về quan hệ hai nước cần nhìn nhận trước hết từ lòng dân, theo kênh đối ngoại “từ trái tim đến trái tim”.

Nghĩ về hành trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), trong vị Đại sứ với gần 40 năm làm Ngoại giao Nhà nước và 12 năm làm Đối ngoại nhân dân, là hàng dài câu chuyện cảm động về hàng nghìn người dân Việt Nam đã cao thượng tham gia tìm kiếm MIA dù đến nay hơn 30 vạn con em họ chưa có tung tích.

Khắp mảnh đất hình chữ S, Việt Nam vẫn thầm lặng vượt qua và khắc phục hậu quả buồn đau mang tên “Da cam” đã kéo dài đến ba thế hệ... mà không đặt điều kiện nào cho các bước cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đã diễn ra nhiều cuộc gặp đầy cảm động giữa các giới nhân dân Việt-Mỹ trong mấy chục năm qua, nhất là của các bà mẹ và các cựu chiến binh. Trong những lần gặp gỡ ấy, đã có bao giọt nước mắt từ cả hai phía bởi mọi mất mát đều đau thương.

“Người Việt không giữ lâu hận thù mà cảm thông, tha thứ và thậm chí chia sẻ; còn người Mỹ là sám hối và xúc động trước lòng nhân hậu, vị tha. Sức truyền cảm của truyền thống tốt đẹp của người Việt đã cảm hóa từng con người quốc tế và làm nên kỳ tích trong lịch sử ngoại giao của ta”, nhà ngoại giao kỳ cựu trải lòng trong niềm xúc động, đôi mắt ông đâu đó ánh lên niềm tự hào…

Đoàn Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA) tại địa điểm tìm kiếm MIA ở Bình Dương năm 2010.

Trang mới từ 25 năm không có “dích dắc”

Quan hệ Việt-Mỹ kể từ khi bình thường hoá phát triển liên tục trong 25 năm qua, chẳng có “dích dắc” hay như đồ thị hình sin mà cũng chẳng có bất thường lớn nào như nhiều mối quan hệ đối ngoại khác. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến lấy dẫn chứng, như sau ngày 11/9/2001, khi nước Mỹ lao vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, khó khăn đối với quan hệ là khá lớn nhưng việc thực hiện Hiệp định Thương mại Song phương Việt–Mỹ (BTA) vẫn rất có kết quả; hay như hiện nay, tuy chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump gây nhiều lo lắng song buôn bán giữa hai nước vẫn gia tăng mạnh...

Năm 2020 là tròn một phần tư thế kỷ phát triển ổn định quan hệ Việt-Mỹ, rất đáng được kỷ niệm, ghi nhận và suy nghĩ về tương lai. Năm nay cũng là năm tròn 45 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, kỷ niệm ngày lễ trọng đại đất nước ta hòa bình và dân tộc sum họp một nhà. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, theo kênh đối ngoại nhân dân, kết hợp với các hoạt động theo kênh đối ngoại khác, và cả với các tổ chức, cá nhân Mỹ, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Hội Việt-Mỹ đã và đang thực hiện kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động sâu rộng.

Hai nước sẽ tổ chức gặp gỡ và Hội thảo lớn bàn về 25 năm quan hệ ngoại giao với sự tham gia của các đại diện cao cấp và đông đảo các giới xã hội. “Với những thực tế quan hệ phong phú của quá trình hòa giải giữa hai cựu thù, giữa một nước nhỏ còn phát triển thấp và một cường quốc, giữa hai nhân dân có văn hóa khác nhau... chắc sẽ có nhiều điều sẽ được đề cập”, Đại sứ khẳng định.

Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có hàng loạt hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa các giới xã hội hai nước; giữa các hội viên các Hội Việt-Mỹ Trung ương và địa phương với các đoàn Mỹ thăm Việt Nam... Những sự tiếp xúc đó sẽ gia tăng hơn nữa sự hiểu biết giữa hai dân tộc, giúp thúc đẩy hữu nghị và sự hợp tác tương xứng với giai đoạn tương tác toàn diện Việt-Mỹ. Từ lòng tin và hiểu biết sâu rộng sẽ càng nhiều hành động hiệu quả.

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Đại sứ không giấu nỗi lo lắng về diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội và đối ngoại không chỉ của Việt Nam trong năm nay.

Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến (giữa) tiếp Đoàn Tổ chức Cựu binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài - VFW (Mỹ), tháng 3/2017.

Một điều “bất biến” cần coi trọng

Khi nói về tương lai quan hệ Việt–Mỹ, chen vào mạch câu chuyện của Đại sứ Tâm Chiến là nụ cười của sự lạc quan. Tính chất “cùng có lợi” trong quan hệ song phương vẫn là điều mà ông nhấn mạnh. Theo ông, mọi quan hệ xã hội và cả mối liên hệ giữa con người và tự nhiên, cũng phải nhằm tới cân đối mới bền vững. Do vậy, khi đề cập quan hệ quốc tế giữa hai đất nước, hai nhân dân với nhau trong điều kiện hòa bình, bình thường, nguyên lý “cùng có lợi” như là một điều “bất biến” phải coi trọng.

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho rằng, một chiều tương tác chỉ là tạm thời, cục bộ. Nói về sự “cho-nhận” trong quan hệ Việt-Mỹ có lẽ là không thích hợp dù ta chỉ đề cập tỉ dụ như trong quan hệ viện trợ nhân đạo hay mọi sự viện trợ nào đó. “Bất cứ tổ chức phi chính phủ nào muốn vào ta hoạt động thì đều có lợi ích chứ không phải họ bỏ tiền của ra để ‘không hoàn lại’. Có khi lợi ích của họ lại ở tận cộng đồng hay giới xã hội bên Mỹ mà ta khó nhìn thấy. Chỉ có điều trong giai đoạn hiện nay, khi quan hệ hai bên là Đối tác toàn diện”, Đại sứ nhấn chất giọng Nghệ của mình rằng “cần thực sự ‘quán triệt’ sâu rộng phương châm cùng có lợi thì quan hệ mới phát triển tốt, lâu dài được”.

Để “cùng có lợi”, theo Đại sứ, trước hết phải hiểu biết về lợi ích của nhau. Để hiểu lợi ích của nhau phải gia tăng gặp gỡ, trao đổi và nghiên cứu. Và ở đây, quan hệ nhân dân-nhân dân càng có vai trò quan trọng. Những điều thực chất nhất được thể hiện qua cầu nối giữa người dân. Và tính cùng có lợi phải được nhìn thấy trong tương tác cụ thể giữa các giới xã hội mới có động lực để phát triển.

Giờ đây đang có nhiều khả năng để hai bên gia tăng hợp tác cùng có lợi, và chỉ có huy động mọi người dân, doanh nghiệp hai nước ra sức tận dụng thì giai đoạn mới sẽ thực sự hiện hữu. 25 năm quan hệ giữa hai nước, hai nhân dân cũng mới là một giai đoạn để từ “chưa có hợp tác” đi đến “hợp tác nhiều lĩnh vực” và từ đây tiến đến “hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

Từ tầm quan trọng của mối quan hệ Việt-Mỹ, thúc đẩy khuôn khổ hợp tác đó là mong muốn của cả hai bên, và sự “cùng có lợi” là phương châm bảo đảm thành quả, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến khẳng định.