Đại sứ Nguyễn Tất Thành (trái) gặp mặt Cao uỷ Đầu tư Bắc Australia Andrew Cowan, ngày 15/7. (Nguồn: Twitter) |
Thưa Đại sứ, nhân dịp Bộ trưởng Thương Mại, Du lịch và Đầu tư Australia có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến đi đối với quan hệ ngoại giao và thương mại hai chiều giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được từng bước kiểm soát?
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến trao đổi đoàn giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Australia.
Đây là chuyến thăm cấp Bộ trưởng đầu tiên của Australia đến Việt Nam trong gần 18 tháng, do đó có ý nghĩa quan trọng, là một sự khởi đầu mới tốt đẹp khi Covid-19 đang từng bước được kiểm soát.
Thứ nhất, hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, do đó, trao đổi đoàn và giao lưu nhân dân là yêu cầu cấp thiết.
Thứ hai, Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 cần phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực then chốt. Chương trình làm việc giữa hai bên đã thể hiện rất rõ các nội dung cụ thể hợp tác trong hai lĩnh vực này.
Thứ ba, đây là dịp hai nước phối hợp để thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, nhất là trong bối cảnh Australia đang mong muốn trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN.
Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, chuyến thăm của Bộ trưởng Dan Tehan giúp thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực y tế.
Nhân dịp này, Australia đã công bố hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 cho Việt Nam trước cuối năm nay.
Đây là sự hỗ trợ hết sức quý báu của Australia, ngoài các cam kết hỗ trợ tiếp cận vaccine trong khuôn khổ song phương và đa phương từ trước đến nay.
Quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Vậy đâu là lý do để hai nước đạt được con số ấn tượng này?
Chính xác thì 6 tháng đầu năm, thương mại hai chiều tăng trưởng 45,37%. Đây là con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh Covid-19. Các mặt hàng có kim ngạch lớn như dệt may, thuỷ sản, giày dép đều tăng trưởng trên 50%. Đáng lưu ý, mặt hàng nông sản, rau quả tăng trưởng hơn 52%.
Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhưng theo tôi có ba lý do chính.
Một là, nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực vượt bậc của các địa phương, bộ, ngành, Việt Nam vẫn duy trì và phát triển được sản xuất.
Chính phủ hai nước ngày càng tin cậy nhau và đều thực sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Khi trao đổi trực tuyến, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi cả biện pháp giải quyết khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Các cơ quan chuyên ngành rất chủ động, sáng tạo.
Vai trò của các địa phương thời gian qua nổi bật, trong đó, việc bang Victoria lập Văn phòng thương mại-đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh ngay trong đại dịch là một minh chứng.
Tôi cũng đặc biệt ấn tượng cách Austrade hỗ trợ doanh nghiệp Australia tiếp cận thị trường Việt Nam, cũng như rất vui khi thấy các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia quảng bá cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam hết sức sinh động, hiệu quả.
Thực tế, các Cơ quan đại diện đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát kế hoạch phục hồi kinh tế của Australia và cung cấp thông tin thường xuyên để hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, cơ quan thương vụ đã chủ động xây dựng chiến lược thị trường dài hạn, nghiên cứu ứng dụng kết nối thị trường và triển lãm trực tuyến, áp dụng hiệu quả suốt trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, do đó chúng tôi hoàn toàn không bị động khi Covid-19 xảy ra.
Hai là, quyết tâm, sự năng động và chủ động, tích cực của doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt. Càng khó khăn trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp càng nhanh nhạy, chủ động hơn.
Suốt nhiều tháng qua, kim ngạch thương mại với các nước liên tục tăng. Riêng với Australia, doanh nghiệp hai nước ngày càng thấy rõ sự bổ sung lẫn nhau, có thể nói là lý tưởng, giữa hai nền kinh tế.
Càng tìm hiểu, cơ hội mở rộng thị trường càng rõ. Có lẽ vì vậy, vừa qua Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Australia (AVBC) đã được thành lập nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Tehan.
Ba là, những chuyển dịch trong dòng thương mại tại khu vực tuy phức tạp nhưng lại những có những tác động khách quan, giúp mở rộng giao thương giữa hai nước.
Những chuyển dịch này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, nhất là xu hướng mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa các hình thức liên kết song phương và tiểu đa phương tại châu Á-Thái Bình Dương.
Vốn đầu tư đăng ký của Australia tại Việt Nam hiện nay là khoảng 1,92 tỷ USD, trong khi đó, đầu tư của Việt Nam sang Australia còn khá khiêm tốn, hiện ở mức chưa đến 200 triệu USD.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để tăng dòng đầu tư vào thị trường của nhau?
Theo tôi, việc quảng bá cơ hội đầu tư của cả hai nước đều chưa được quan tâm đúng mức. Doanh nghiệp lớn thường tự tìm hiểu, đánh giá để đi đến quyết định đầu tư, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được các cơ quan trong nước cũng như các Cơ quan đại diện ở nước ngoài quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hơn.
Năm qua, mặc dù khó khăn do Covid-19, điều đáng ghi nhận là một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Sovico, Vietcombank, TH True Milk... vẫn tiếp tục đầu tư vào Australia, trong khi một số công ty của xứ sở kangaroo cũng mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam, như Quancom đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Để tăng cường đầu tư hai chiều, theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau.
Tôi tin rằng, nếu hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp Australia sẽ tới đây đầu tư.
Tương tự, một số lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, khai khoáng, bất động sản tại Australia sẽ được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nếu họ hiểu rõ vì sao Australia được ví là một nơi “đất lành chim đậu”. Chính phủ Australia và chính quyền các bang rất mong có đầu tư trực tiếp từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần giải quyết tốt hơn một số vấn đề như tạo thuận lợi hơn nữa cho việc chuyển vốn đầu tư và cải thiện logistic.
Doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thông thường sẽ hướng đến xuất khẩu, trong khi đó, chi phí logistics từ Việt Nam đi các nước còn khá cao.
Trên tất cả, tôi tin rằng, sự chủ động của doanh nghiệp mang ý nghĩa quyết định. Hy vọng AVBC mới được thành lập sẽ có nhiều thành viên và phát huy được vai trò cầu nối, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đại sứ nhận định như thế nào về triển vọng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nước cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, ASEAN-Australia-New Zealand, và RCEP?
Tại cuộc hội đàm trực tuyến ngày 25/5, Thủ tướng hai nước nhất trí nỗ lực để hoàn tất, ký kết Chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường Việt Nam-Australia (EEES) trong năm nay. Quá trình các bộ, ngành của cả hai bên phối hợp để cùng xây dựng Chiến lược này hết sức công phu.
Xin chia sẻ, tôi rất hy vọng vào một chiến lược hợp tác vừa mang tầm vĩ mô, toàn diện, mang tính đổi mới-sáng tạo và thể hiện rõ quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, vừa hết sức cụ thể này.
Vai trò của hai bộ chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam cùng Bộ Thương mại, Du lịch và Đầu tư của Australia là hết sức quan trọng.
Khi đi vào thực hiện, EEES sẽ giúp sớm đẩy mạnh thực chất hợp tác kinh tế hai nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Australia và Việt Nam chưa có thỏa thuận mậu dịch tự do song phương, nhưng bù lại, cả hai nước cùng tham gia ba FTA quan trọng tại khu vực là CPTPP, AANZFTA và RCEP.
Thực tế, thương mại hai nước tăng trưởng mạnh mẽ những năm qua nhờ một phần quan trọng vào ba thỏa thuận này.
Cũng trên cơ sở các FTA, hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới đã và đang được mở ra, như lao động, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, phát huy vai trò của phụ nữ…
Trên cơ sở đó và nhờ vào sự quan tâm của hai Chính phủ cũng như việc triển khai tốt EEES, chúng ta có quyền hy vọng hai nước sẽ đạt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư và trở thành đối tác thương mại trong top 10 của nhau trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.
Việt Nam đang mong muốn thời gian tới có thể xuất khẩu sang Australia các sản phẩm tôm nguyên con, chanh leo, và mong muốn được nhập khẩu một số sản phẩm quặng mỏ, than, sắt thép, đất hiếm từ Australia. Đại sứ quán sẽ làm gì để giúp kết nối các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này?
Thời gian qua, Đại sứ quán đã phối hợp thúc đẩy phía Australia sớm cấp phép nhập khẩu hai sản phẩm trên cũng như nhiều nông, thủy sản khác.
Phản ứng của Australia bước đầu khá tích cực. Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy phía Australia hoàn tất các thủ tục cuối cùng.
Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, các diễn đàn kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên và hỗ trợ những doanh nghiệp Australia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh, các Cơ quan đại diện ngoại giao là ngôi nhà chung của người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoại giao kinh tế, trong đó có kết nối doanh nghiệp, luôn là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi.
Như tôi đã chia sẻ với các địa phương và doanh nghiệp trước khi lên đường sang Australia nhận nhiệm vụ, Đại sứ quán luôn lắng nghe và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.