Đại sứ Nguyễn Tuấn đón và thu xếp chỗ ở cho người Việt từ Ukraine lánh nạn sang Slovakia. |
Vừa ngược xuôi đón và lo hỗ trợ cho công dân Việt Nam lánh nạn từ Ukraine, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn đã dành chút thời gian trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam về những ngày tuy bận rộn nhưng thấm đượm cảm xúc này.
Xin Đại sứ cho biết các phương án bảo hộ công dân mà Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã triển khai nhằm hỗ trợ người Việt từ Ukraine sơ tán sang đây?
Trước khi xảy ra các chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ như đầu mối liên lạc từng lĩnh vực, công tác trao đổi thông tin với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, với các hội đoàn người Việt tại Kosice (Slovakia) và liên hệ với các đơn vị Bộ Ngoại giao Slovakia.
Nhờ đó, từ ngày 25/2, khi có làn sóng người di tản ra khỏi Ukraine vào các nước lân cận, Đại sứ quán đã phối hợp các hội đoàn cử thành viên Hội người Việt tại Kosice thay phiên túc trực tại biên giới với Ukraine; đồng thời kêu gọi quyên góp quỹ từ thiện để chuẩn bị kinh phí cho các loại thuốc men, thực phẩm và công tác hậu cần cần thiết.
Thông qua trang Facebook Hội người Việt tại Slovakia, Kosice và các phương tiện thông tin khác chúng tôi kết nối hội đoàn và phối hợp với gia đình, người thân giúp bà con sơ tán vào Slovakia được hỗ trợ thủ tục nhập cảnh thuận lợi, đón tiếp thu xếp nơi ăn ở chu đáo hoặc đưa về nhà người thân kịp thời.
Các hội đoàn người việt Slovakia rất nhiệt tình hợp tác, trao đổi thông tin, phối hợp với Đại Sứ quán, tham gia tích cực, hiệu quả đón tiếp làm thủ tục và thu xếp ổn định nơi ăn ở cho bà con sơ tán.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai xác minh để cấp các giấy tờ bị thất lạc cho người dân sơ tán từ Ukraine.
Trong quá trình sơ tán từ Ukraine sang Slovakia, công dân Việt Nam thường gặp phải vấn đề, khó khăn gì? Đại sứ quán đã giúp công dân tháo gỡ khó khăn như thế nào?
Hành trình sơ tán của bà con gặp muôn vàn khó khăn.
Khi đón bà con sơ tán sang Slovakia, chứng kiến hoàn cảnh di tản gấp rút trên xe mấy ngày từ Ukraine, chúng tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất cho bà con là tình trạng bị động. Mọi người đều không hình dung được trước mức độ khốc liệt của bom đạn.
Sơ tán khỏi nơi sinh sống là bỏ lại nhà cửa, phương tiên làm ăn sinh sống như cửa hàng, cửa hiệu, tất cả tài sản được tích lũy bằng sức lao động trong nhiều năm. Chính vì vậy, bà con có tâm lý nấn ná ở lại bám trụ, cho đến khi cảm thấy cái chết do bom đạn đang gần kề mới vội vã di tản.
Trong khi đó, nhà chức trách trung ương, địa phương Ukraine gặp nhiều khó khăn nên không kịp hỗ trợ hiệu quả cho người dân trong hoàn cảnh bom rơi đạn nổ. Do vậy, đồng bào Việt Nam khi di tản phải tự túc mọi thứ, kể cả tự lái xe của mình đi dưới bom đạn rất nguy hiểm.
Đây mới chỉ là những khó khăn chung ban đầu mà nhiều công dân gặp phải, chưa kể những tình huống éo le của từng cá nhân.
Đoàn người Việt từ Ukraine mừng rõ khi được người đồng hương ở Slovakia đón tiếp. |
Đại sứ quán đã phối hợp với chính quyền và các nhà chức trách Slovakia ra sao để tạo điều kiện tối đa cho người Việt từ Ukraine nhập cảnh?
Khi được Đại sứ quán đề nghị, Bộ Ngoại giao Slovakia đã nhanh chóng cung cấp thông tin chi tiết các quy định nhập cảnh cho người sơ tán.
Theo đó, bạn cho phép nhập cảnh vào lãnh thổ Slovakia mọi công dân đến từ Ukraine, kể cả những người không đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh thông thường; mọi giấy tờ tùy thân đều được chấp nhận ngay cả khi chúng đã hết hạn hoặc bị hỏng. Các quy định về kiểm dịch Covid-19 đều được dỡ bỏ. Tuy nhiên, họ chỉ cho phép những người có quốc tịch Ukraine cùng vợ/chồng, con cái của những người này được đăng ký quy chế tị nạn chiến tranh.
Trên cơ sở những quy định đó, chúng tôi đã xây dựng thủ tục phải thực hiện khi bà con sơ tán từ Ukraine nhập cảnh. Khi sang tới cửa khẩu Slovakia, Đại sứ quán có hướng dẫn khai báo tạm trú và được cấp giấy tạm trú.
Đồng thời, chúng tôi cũng lên mọi phương án có thể xảy ra. Nếu công dân có người nhà đón thì có thể về thẳng nhà người đó; nếu không có người đón thì được ở lại các khu trại bố trí cho người sơ tán từ Ukraine. Chính phủ Slovakia sẽ đảm bảo nơi ở và đồ ăn tại đây. Tuy nhiên, các nhà chức trách Slovakia cho biết, họ khuyến khích công dân nước ngoài và những người đi cùng hồi hương nhanh chóng.
Tôi đã làm việc với Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Slovakia xây dựng kênh liên lạc trực tiếp 24/24, để trao đổi thông tin về tình hình nhập cảnh của người dân sơ tán. Nếu có sự cố, khó khăn xảy ra sẽ kịp thời xử lý.
Đại sứ hãy chia sẻ một vài kỉ niệm và cảm xúc của mình khi giúp đỡ được những bà con đồng hương trong lúc khó khăn, hoạn nạn?
Kỷ niệm khó quên nhất là khi chúng tôi đón nhóm gia đình 27 người nhưng đi bằng một xe 9 chỗ và một xe 5 chỗ, tự lái từ Ukraine sau 5 tiếng đồng hồ mới đến Slovakia ngày 3/3. Nhóm này đặc biệt có cả trẻ em và phụ nữ mang thai.
Khi quyết định ra đi, các gia đình chỉ có thể mang theo những đồ dùng thiết yếu vì phương tiện vận chuyển hạn hẹp. Những hoàn cảnh như vậy rất phổ biến trong mấy ngày qua.
Tận mắt chứng kiến sự lo âu, hoang mang và nỗi vất vả, khó khăn chạy nạn của bà con, tôi vô cùng xúc động và tự nhủ làm sao để có thể giúp nhiều hơn nữa đồng bào gặp nạn.
Ngay từ khi chiến dịch quân sự bùng nổ tại Ukraine, Bộ Ngoại giao ta đã xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài công bố Thư ngỏ thông tin rộng rãi về số điện thoại các viên chức phụ trách bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga, Ukraine, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Romania; đồng thời thông báo các quy định, chính sách cho người tị nạn của các nước trên.
Bộ cũng đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện liên hệ mật thiết với các hội đoàn người Việt nước sở tại, làm việc với Bộ Ngoại giao nước sở tại để nắm mọi thông tin cần thiết hỗ trợ người dân sơ tán kịp thời.
Hiện đã có quyết định tổ chức hai chuyến bay cho bà con hồi hương. Chuyến ngày 7/3 sẽ cất cánh tại Bucharest (Romania) và chuyến ngày 9/3 sẽ khởi hành từ Warsaw (Ba Lan).
Trong những ngày qua, người Việt sinh sống tại Slovakia đã thể hiện tình đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái sâu sắc với những người đồng hương. Các hội đoàn còn phân công các hội đồng hương theo tỉnh, thành đón tiếp người đồng hương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các bà con gặp nạn ở nơi đất khách quê người.
Đây cũng chính là biểu tượng đẹp đẽ về tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương, tình đồng bào của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Thông tin người Việt tại Ukraine cần biết khi sơ tán sang Slovakia. |