Đại sứ Peru tại Việt Nam Augusto Morelli trong cuộc trò chuyện với phóng viên TG&VN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xin chào Đại sứ. Ông có thể cho độc giả biết về ý nghĩa của Ngày Quốc khánh đối với người dân Peru?
Ngày Quốc khánh, hay Ngày Độc lập của chúng tôi bắt đầu vào ngày 28/7/1821. Đó là một ngày rất quan trọng với đất nước Peru.
Bởi trước khi trở thành một quốc gia độc lập, chúng tôi là một phần của Phó vương quốc (Viceroyalty) của Tây Ban Nha. Vào thời đó, đế quốc Tây Ban Nha có mặt ở khắp khu vực Nam Mỹ, tuy nhiên, trung tâm quyền lực của Tây Ban Nha được đặt ở thủ đô Lima của Peru.
Năm 1821, Peru quyết định giành độc lập khỏi Vương triều Tây Ban Nha, và trở thành nước Cộng hòa Peru như chúng ta gọi tên hiện nay. Và năm ngoái, chúng tôi đã có lễ kỷ niệm 200 năm ngày độc lập này.
Bởi trung tâm quyền lực hoàng gia Tây Ban Nha đặt ở Peru, nếu Peru không được độc lập, tất cả các nước trong khu vực như Argentina, Chile, Colombia, Ecuador sẽ không được độc lập. Đó là lý do tại sao Ngày Độc lập lại quan trọng với chúng tôi.
Ở Peru, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh ở khắp mọi nơi trên đất nước. Trong 2 ngày nghỉ lễ là 27 và 28/7, tất cả người dân Peru đoàn tụ với gia đình và cùng đi xem các chương trình biểu diễn văn hóa, hay các cuộc diễu hành của quân đội. Đó thực sự là dịp để tập hợp người dân Peru.
Việt Nam và Peru là hai nước cách xa nhau về mặt địa lý. Đại sứ có thể giới thiệu những điều thú vị về đất nước Peru?
Peru là một đất nước rất hấp dẫn, không chỉ vì có vị trí địa lý đặc biệt. Đất nước chúng tôi được chia thành ba vùng theo tự nhiên, đó là Amazonia – hay còn gọi là rừng rậm Amazon, vùng cao nguyên ở rất cao so với mực nước biển, và vùng bờ biển rất đặc biệt.
Ở Peru, bạn có thể tìm thấy những công trình có từ thời đế chế Inca, như Machu Picchu. Đó là một tòa thành bằng đá được xây dựng trên vùng cao. Mãi đến bây giờ vẫn không ai hiểu được làm thế nào người cổ đại có thể mang những khối đá khổng lồ đó lên cao và cắt, xẻ chúng. Họ cũng không có xi măng để gắn các tảng đá lại với nhau, nhưng chúng ta không thể nhét dù chỉ một sợi tóc vào giữa hai khối đá.
Thành phố cổ Machi Picchu được mệnh danh là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất hành tinh. |
Peru còn có Caral, thành phố có tuổi đời lớn nhất ở châu Mỹ - được xây dựng cách đây 5.000 năm. Chúng tôi còn có các kim tự tháp, giống như ở Ai Cập.
Peru là một nước nhiệt đới, giống Việt Nam, nhưng lại là một sa mạc. Tại sao? Bởi vì từ phía Nam, có một dòng hải lưu lạnh có tên gọi là Humboldt. Bởi vì dòng nước rất lạnh, nước không thể bốc hơi, do đó không có mây, và dẫn tới không có mưa.
Tuy nhiên, làn nước lạnh đó lại là nơi thích hợp nhất cho các loài cá. Bởi thế Peru có rất nhiều cá.
Ngoài ra, chúng tôi có nhiều thực phẩm khác. Dù bạn cần bất cứ thứ gì, bạn cũng có thể tìm thấy ở Peru.
Peru cũng rất yên bình. Ở đất nước chúng tôi không diễn ra cuộc chiến tranh nào, ngoại trừ đôi lúc diễn ra một số bất đồng nội bộ.
Trước khi người Tây Ban Nha xuất hiện, ở Peru đã có nền văn hóa tiền Colombia. Người dân hồi đó đã phát minh nhiều thứ mà chúng ta tận hưởng ngày nay - dệt may, công nghệ, hệ thống thủy lợi, cầu cống, trồng trọt và… khoai tây!
Người dân sinh sống tại vùng Andes đã trồng khoai tây hàng nghìn năm trước khi loài người biết đến nó. Tất cả các loại khoai tây trên thế giới hiện nay đều có xuất xứ từ vùng Andes, khu vực hiện nay là một phần của Ecuador, Peru và Bolivia.
Vì thế, có thể nói rằng Peru có rất nhiều đóng góp cho loài người. Peru rất quan trọng, đến mức mà nhất định bạn nên đến thăm!
Ngoài việc cùng là nước nhiệt đới, theo Đại sứ, hai nước Việt Nam và Peru còn có những điểm chung nào?
Peru và Việt Nam có rất nhiều điểm chung. Cả hai quốc gia đều là những nền kinh tế mới nổi, sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên. Chúng ta cùng tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương, vào toàn cầu hóa.
Chúng ta đều là những nước láng giềng tốt ở các khu vực tương ứng và là một phần của APEC và CPTPP. Việt Nam và Peru đã trở thành thành viên mới nhất của APEC và sau khi hai nước gia nhập, APEC đã ngừng kết nạp thành viên mới.
Do có nền văn hóa tiền Colombia, Peru cũng giống Việt Nam, có nền lịch sử lâu đời kéo dài hàng nghìn năm.
Hiện nay, mặc dù Covid-19 đã gần như được kiểm soát hoàn toàn, nhưng hai nước chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta cần phải khôi phục nền kinh tế, và một trong những giải pháp là thúc đẩy du lịch. Chúng ta đang cùng nhau hợp tác theo nghĩa đó.
Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1994. Trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển như thế nào, thưa Đại sứ?
Việt Nam và Peru có mối quan hệ lâu đời, dù không phải là trực tiếp. Về mặt chính thức, Đại sứ quán Peru đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2014.
Chúng tôi quyết định mở Đại sứ quán tại đây vì chúng tôi muốn là một phần, và muốn hiện diện ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á. Và chúng tôi tin rằng tương lai nằm trong các nền kinh tế Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam và Peru cách xa nhau về vị trí địa lý, nên việc giao thương không dễ dàng, mất nhiều thời gian và tốn chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, năm 2021, thương mại song phương đạt 630 triệu USD, con số cao nhất mà chúng ta từng có.
Sự hiện diện của Viettel và Petro Việt Nam tại Peru cũng có nghĩa là Việt Nam xem Peru là đối tác tin cậy. Bởi bạn chỉ đầu tư vào những nơi có thể sinh lời và việc đầu tư được an toàn. Về phía Peru, chúng tôi cũng coi Việt Nam là đối tác tin cậy, chính xác là như vậy.
Tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước có triển vọng xán lạn vì chúng ta đã xây dựng được nhiều khung hợp tác. Nhưng như vậy chưa đủ. Cần phải có con người để làm cho những khung hợp tác này thực sự hoạt động.
Bên cạnh đó, tương lai thường phải được xây dựng từ hai phía. Người Tây Ban Nha có câu: “Phải có hai người mới nhảy được điệu Tango”. Chúng tôi mong rằng Việt Nam cũng sẽ sớm mở Đại sứ quán tại Lima.
Đại sứ Augusto Morelli cùng phu nhân đến thăm làng Tranh Khúc và trải nghiệm việc gói bánh chưng ngày Tết, tháng 4/2018. (Nguồn: CAND) |
Để thúc đẩy người dân Việt Nam hiểu hơn về Peru, năm nay Đại sứ quán Peru tổ chức hoạt động gì để kỷ niệm Ngày Quốc khánh Peru tại Việt Nam?
Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức một cuộc triển lãm ảnh về QHAPAQ ÑAN - Con đường vĩ đại của người Inca. Đó là tên của hệ thống các con đường kết nối tất cả các thành phố dưới thời đế chế Inca.
Đại sứ quán muốn thực hiện cuộc triển lãm này vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới, tại một địa điểm nào đó gần Hồ Hoàn Kiếm. Thực ra, trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, chúng tôi từng mở một cuộc triển lãm ở quảng trường Lý Thái Tổ với một ban nhạc chúng tôi mời từ Peru.
Tôi thích triển lãm diễn ra ngoài trời như vậy. Bởi vì vào cuối tuần, Hà Nội sẽ ngăn một số đường phố không cho ô tô đi lại, mọi người dân có thể đi bộ cùng các thành viên gia đình, bạn bè và cùng xem triển lãm. Mục đích của tôi là làm sao tiếp cận với nhiều người dân nhất.
Đại sứ đã có hơn 4 năm ở Việt Nam. Ông có ấn tượng thế nào về đất nước chúng tôi? Ông có thể chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ trong thời gian sinh sống và làm việc tại đây?
Từ khi mới đến, tôi đã nghĩ Hà Nội là một thành phố khắt khe, mọi thứ không dễ dàng.
Thứ nhất, thành phố có rất đông người. Thứ hai, ai cũng muốn làm mọi thứ trong cùng một thời điểm. Bạn sẽ nhận thấy điều đó khi lái xe ở trên đường phố. Lúc nào cũng vậy, người Việt Nam trông như những dòng nước của một con sông đang tìm mọi cách đổ ra biển.
Tôi đã hiểu được điều này, nên đã không gặp khó khăn gì khi lái xe. Nhưng nhiều người phương Tây không làm được như vậy. Họ thậm chí còn không thể băng qua các con phố.
Ở Việt Nam, tôi có hai chiếc xe đạp. Một chiếc là xe đạp điện Vinfast. Tôi là đại sứ đầu tiên mua xe Vinfast, trước cả lúc họ bán sản phẩm ra thị trường. Tôi đã sử dụng nó trong suốt 2 năm và đi được 15.000 km. Sau đó, tôi mua một chiếc xe máy lớn hơn. Cùng với các Đại sứ Thụy Sỹ, Áo và EU, chúng tôi đã lập ra một đội và lái xe thăm thú ngoại thành Hà Nội. Trước Covid-19, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi, đến Phú Quốc, Đà Lạt, Lào, Campuchia, Singapore, Thái Lan…
Tôi cũng gặp khó khăn trong giao tiếp. Tiếng Việt quả là phức tạp. Tôi và vợ đã cố gắng học tiếng Việt, nhưng không thể. Đầu tiên, để hiểu và học tiếng Việt, bạn phải biết cách thở cũng như cách sử dụng cổ họng của mình. Vì việc phát âm phụ thuộc vào ngữ điệu của các từ, nên rất khó để phát âm tiếng Việt một cách chính xác.
Thứ hai, bạn có thể nghĩ rằng bạn biết tiếng Việt, nhưng khi bạn đến Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ chẳng ai hiểu bạn vì họ nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác.
Thực sự tôi cũng thấy lạ lùng vì người Việt nói tiếng Pháp hay hơn tiếng Anh. Tôi cho rằng người Việt Nam có đôi tai rất thính. Ngữ điệu là việc sử dụng đôi tai. Nếu bạn sử dụng tốt đôi tai, bạn mới có thể hát hay, cũng như biết cách chơi các nhạc cụ.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam có một tương lai rộng mở và rõ ràng. Việt Nam biết rất rõ mình sẽ đi về đâu. Điều duy nhất chỉ là đất nước các bạn sẽ tiến nhanh như thế nào. Các bạn có thể đề ra những kế hoạch phát triển đất nước trong từ 15 đến 20 năm và chịu trách nhiệm về chúng.
Đại sứ Peru cùng gia đình tham gia Chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật nằm trong khuôn khổ ‘’Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 - Miền Di sản, Tâm thân an tịnh’’ tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử, tháng 4/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Khi đi du lịch khắp nơi, tôi đã thấy nhiều ngôi trường rất đẹp. Những học sinh nam ăn mặc chỉnh tề, không có dấu hiệu của bạo lực. Còn về hệ thống y tế ở Việt Nam, tôi đã có những trải nghiệm ở cả bệnh viện công và bệnh viện bán tư nhân. Cả hai đều rất tốt. Ca phẫu thuật rất tuyệt vời. Và tôi cũng không có vấn đề gì về ngôn ngữ bởi cả bác sĩ và y tá đều nói tiếng Anh tốt.
Mỗi người đều sẽ gắn bó với những mảnh đất mà họ sinh sống trong thời gian dài. Nếu phải nói điều gì đó khi rời Việt Nam, Đại sứ sẽ nói gì?
Khoảnh khắc rời Việt Nam, tôi sẽ nói: “Tôi sẽ nhớ Việt Nam”. Tôi rất chắc chắn về điều đó.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
| Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1 Nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Lào giai đoạn 2012-2016 và khi nghỉ hưu lại tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội hữu ... |
| Việt Nam là đối tác quan trọng của Hungary ở Đông Nam Á Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi ... |