📞

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN hơn bao giờ hết phải tự mình mạnh lên!

Phương Hằng 08:18 | 23/08/2022
Bên lề Tọa đàm quốc tế “Nhìn lại 55 năm ASEAN và định hướng tương lai” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014) đã khái quát một bức tranh tổng thể về những thách thức cũng như cơ hội của ASEAN trong bối cảnh hiện nay.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí sáng ngày 18/8. (Ảnh: Quang Hòa)

Lạm phát, xung đột, cạnh tranh nước lớn, dịch bệnh... là những bài toán chung với nhiều khu vực trên thế giới. Với ASEAN, theo Đại sứ, ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào khi vừa bước qua "tuổi 55"?

Chúng ta đang kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, vì vậy, chúng ta có thể thấy một bức tranh rất tổng thể.

Một là, ASEAN đã đi một chặng đường dài với rất nhiều thành tựu làm cơ sở cho ASEAN có thể tiếp tục những nỗ lực và lĩnh vực ưu tiên của mình.

Hai là, rõ ràng ASEAN đứng trước một loạt những thách thức xảy ra đồng thời làm thay đổi cục diện của khu vực và thế giới, tác động đến con đường phát triển của ASEAN cũng như quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Ba là, ASEAN cần phải tiếp tục vươn tới những mục tiêu cao hơn. Cách nhìn của ASEAN không chỉ hướng tới Cộng đồng ASEAN với Tầm nhìn ASEAN 2025 mà còn phải cả sau 2025. Thêm nữa, trong những chuyển đổi hiện tại, ASEAN sẽ cần phải xem xét những cơ hội và thách thức đan xen như thế nào.

Những thách thức đang đặt ra có cả yếu tố về chính trị và kinh tế thì câu chuyện ở đây là ASEAN tự mình phải mạnh lên, cả về phát triển kinh tế của từng quốc gia thành viên cũng như xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đặc biệt, ngày nay người ta đang rà soát lại câu chuyện giữa tự cường và hội nhập để làm sao kết hợp một cách hài hòa, cùng một lúc một quốc gia vừa phải tự chủ, vừa phải hội nhập nhưng đồng thời phải đa dạng hóa để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đó là câu chuyện về tự chủ chiến lược, ở đây có cả tự chủ về chính trị, tự chủ về kinh tế, tự chủ về công nghệ.

Tại sao lại nói như vậy? Vừa rồi dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, vì vậy phát triển kinh tế là việc ASEAN phải làm để phục hồi, bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng.

Ví dụ, xung đột Nga-Ukraine là vấn đề an ninh chính trị nhưng đồng thời có tác động rất lớn về kinh tế. Chính việc đứt gãy các chuỗi cung ứng liên quan đến lương thực thực phẩm và dầu khí thúc đẩy các nước phải đa dạng hóa các nguồn cung, từ đó mới tự chủ được. Như vậy, câu chuyện tự chủ chiến lược ở đây có cả tự chủ về chính trị và tự chủ về kinh tế.

Không chỉ vậy, sự xuất hiện của những xu thế về cường quyền hay là những xu thế áp đặt, cạnh tranh những nước lớn cũng đặt ra cho ASEAN những thách thức mới. Làm sao ASEAN có thể đứng vững trước những thách thức đó? Điều quan trọng nhất là ASEAN phải đoàn kết trên cơ sở các mục tiêu của mình, đây là lợi ích cốt lõi và căn bản của khu vực.

ASEAN muốn đoàn kết được thì từng nước ASEAN phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của khu vực. Đây là một sự song hành, trong quá khứ ASEAN đã làm được điều đó thì bây giờ ASEAN càng phải làm được.

Khi ASEAN có thể kết hợp được lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực thì ASEAN sẽ đại diện cho khu vực này và tạo thành tiếng nói chung, theo đó ASEAN không chỉ là không chọn bên trong tranh chấp của các nước lớn mà ASEAN còn có tiếng nói về những vấn đề đúng và sai xảy ra trong khu vực, đồng thời phát huy vai trò phục vụ cho hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển.

Vừa qua, trong vấn đề Eo biển Đài Loan hay vấn đề Ukraine, ASEAN đã đề ra các nguyên tắc của mình. Ngay cả trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có rất nhiều chiến lược, sáng kiến của các nước đối tác của ASEAN và không hẳn họ đã song trùng với nhau.

Do đó, ASEAN cũng tự mình đề ra những nguyên tắc trong quan hệ của ASEAN với các nước, liên quan đến khu vực rộng lớn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chủ động quan hệ, chủ động hợp tác với tất cả các bên đối tác là điều quan trọng để ASEAN tránh khỏi cái bẫy cạnh tranh các nước lớn.

Tóm lại rằng, ASEAN phải mạnh, phải đa dạng hóa quan hệ, đồng thời ASEAN không chỉ không chọn bên mà chơi được với tất cả các quốc gia lớn là những đối tác rất quan trọng của ASEAN cả về chính trị an ninh và kinh tế.

Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 29 tại Campuchia. (Ảnh: Tuấn Anh)

Giữa những "trùng trùng" khó khăn đó, rõ ràng chúng ta cũng thấy rằng có rất nhiều cơ hội để ASEAN phát triển chứ không chỉ có thách thức. Sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng tạo cơ hội cho ASEAN tham gia các chuỗi cung ứng lớn hơn, đặc biệt khi ASEAN hội nhập rất lớn mà khuôn khổ hợp tác của ASEAN với các nước về kinh tế rất nhiều, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, nếu ASEAN bắt kịp được các bước phát triển của khoa học công nghệ sẽ tạo cho từng nước ASEAN và khu vực phát triển rất nhanh. Thế nhưng, nếu chậm chân lại tụt hậu rất nhiều so với những lần "chậm chân" trước đây.

Các quốc gia đang đẩy mạnh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy năng lượng xanh và tài chính xanh. Nếu ASEAN không kịp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi sạch thì khó có thể bắt kịp chất lượng phát triển trong thời gian tới.

Trong thách thức có cả cơ hội, nếu ASEAN tiếp tục phát huy nỗ lực của mình vượt lên trên thách thức thì chắc chắn sẽ bắt kịp và phát triển rất nhanh.

Thưa Đại sứ, nhiều lo ngại cho rằng mục tiêu của Cộng đồng ASEAN trong Tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ bị kéo tụt trở lại hoặc bị chậm trễ, ASEAN có những giải pháp gì để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội?

Nếu chúng ta nhìn lại những năm gần đây đúng là có những thách thức chưa từng có không chỉ với ASEAN mà với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh các nước lớn tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng và gây ra những khó khăn hơn trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác quan trọng.

Nhưng chúng ta cũng thấy rằng dù khó khăn như vậy, ASEAN vẫn kiên trì những định hướng, ưu tiên của mình trong khi vẫn phải xử lý, giải quyết những vấn đề cấp bách nảy sinh. Đơn cử năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, cũng là thời điểm bùng nổ dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cùng với ASEAN đã nỗ lực dẫn dắt khu vực làm sao thúc đẩy kiểm điểm giữa mục tiêu Cộng đồng ASEAN tới năm 2025 nhưng cũng bắt đầu tham vấn về những định hướng, ưu tiên lớn sau năm 2025. Đó là điều rất quan trọng mà ASEAN tiếp tục làm.

ASEAN vừa thích ứng trong xử lý dịch bệnh, chẳng hạn như lập kho dự trữ về vật tư y tế hay những khung về hợp tác y tế cộng đồng nói chung nhưng ngay từ lúc đó Việt Nam đã cùng các nước ASEAN tính những bước đi để mở cửa và phục hồi sau dịch bệnh.

Tại thời điểm hiện tại, sau hơn 2 năm dịch bệnh, các nước ASEAN đã từng bước kiểm soát một cách có hiệu quả đại dịch và từng bước mở cửa. Đây cũng chính là thời điểm mà ASEAN phải phối hợp chặt chẽ với nhau.

Có một số điểm quan trọng cần phải nhấn mạnh. Trước tiên, ASEAN phải nối lại được chuỗi cung ứng, ASEAN đang bắt đầu rồi nhưng phải làm sao mạnh hơn. Thứ hai, từng nước ASEAN phải có chương trình phục hồi, phát triển mạnh mẽ, không chỉ để tạo thế và lực mới cho mình mà còn để bắt kịp những mục tiêu của ASEAN bị chậm trễ do đại dịch và những khó khăn khác gây ra.

Thứ ba, trong khi thực hiện những mục tiêu đề ra hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 và sau đó thì cũng lúc này ASEAN phải tính những bước đi mới cho phát triển cao hơn, đó là nắm bắt các cơ hội đã nêu trên. Vừa rồi ASEAN bàn rất nhiều về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, chính lúc này càng phải đưa vào những khung hợp tác với các biện pháp cụ thể.

Cuối cùng, chúng ta cũng phải thấy rằng các đối tác lớn của ASEAN có hợp tác nhưng cũng có cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh các nước lớn gia tăng rất nhiều. Tuy họ cạnh tranh nhau nhưng vẫn rất cần tranh thủ ASEAN. Mà trên thực tế, có rất nhiều các sáng kiến để họ tranh thủ hợp tác với khu vực này và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, đó chính là điều kiện mà ASEAN cần phải tranh thủ hơn rất nhiều.

Các sáng kiến của các nước lớn không nhất thiết là song trùng một cách hoàn toàn với mục tiêu của ASEAN, cho nên ASEAN cần phải chủ động dựa trên lợi ích của chính bản thân, làm sao để tranh thủ được các sáng kiến đó. Đừng có quá sợ bẫy cạnh tranh của các nước lớn để rồi mà không dám tham gia hợp tác, can dự với các nước lớn trong các sáng kiến này.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Mỹ ngày 4/8 tại Campuchia. (Ảnh: Tuấn Anh)

Dư luận hiện nay rất quan tâm tới vai trò trung tâm của ASEAN, đây cũng là một giá trị chiến lược của hiệp hội. Trong bối cảnh hiện nay và hướng tới cả tương lai, làm thế nào để ASEAN giữ được vai trò trung tâm trong chiến lược của các nước lớn, thưa Đại sứ?

Cạnh tranh các nước lớn ngày càng gia tăng, họ có những mục tiêu chiến lược riêng nhưng rõ ràng chúng ta biết họ đều cần ASEAN và ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực này. Cho nên đứng giữa cạnh tranh giữa các nước lớn có mấy điểm rất quan trọng.

Đầu tiên, ASEAN cần phải đoàn kết. ASEAN gồm các quốc gia khác biệt nhau cho nên là muốn đoàn kết được chắc chắn ASEAN phải kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích chung trong khu vực. Để đạt được điều đó, ASEAN phải đồng thời tiếp tục thúc đẩy quá trình ra quyết định của mình thông qua thương lượng, tham vấn để đi đến đồng thuận. Đây là một quá trình truyền thống của ASEAN nhưng nếu ASEAN làm tốt sẽ tạo ra cái thế mới cho ASEAN.

Thêm nữa, một ASEAN đoàn kết sẽ đại diện cho tiếng nói chung của khu vực, điều đó làm cho ASEAN có ý kiến với cả các đối tác lớn của mình dù họ cạnh tranh nhau. Nhắc lại, khi ASEAN thông qua tuyên bố về 6 nguyên tắc liên quan đến Biển Đông hay khi thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tất cả các nước bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ đều ủng hộ những tuyên bố này mặc dù họ có những lợi ích khác nhau và thậm chí khác cả với ASEAN. Do vậy khi ASEAN có được những cái đồng thuận sẽ tạo cơ sở cho ASEAN tham vấn và “chơi” được với tất cả các nước.

Bên cạnh đó, các nước đều có các sáng kiến khác nhau mà chúng ta vừa nói. Trong các sáng kiến đó, ASEAN phải tranh thủ những cái mà ASEAN thấy phù hợp với lợi ích của mình và nguyên tắc của mình. Đơn cử rằng Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ đều có những sáng kiến về hạ tầng, kinh tế... ASEAN cần kết nối những sáng kiến này để tranh thủ những mặt có lợi nhất cho ASEAN về xây dựng hòa bình và hợp tác phát triển cũng như xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Cuối cùng, chắc chắn là trong khu vực này, ASEAN phải phát huy hội nhập khu vực cũng như là chủ nghĩa đa phương vì những câu chuyện đang đặt ra thuộc lợi ích chung của khu vực. Những thách thức đang đặt ra cũng không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, vì vậy, hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế vẫn là con đường duy nhất.

Câu chuyện ở đây là làm sao ASEAN có thể tiếp tục tạo ra được môi trường chiến lược cho các quốc gia dù họ có lợi ích khác nhau, tiếp tục gắn kết với ASEAN, tiếp tục chia sẻ, quản trị những cạnh tranh của họ phù hợp với lợi ích chung của khu vực về hòa bình an ninh và phát triển.