Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, thời gian qua, thế giới đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh… Những vấn đề này đã có tác động sâu sắc, đa tầng nấc tới thế giới, mà minh chứng rõ nhất chính là đại dịch Covid-19.
Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Từ những tác động đó, thế giới đã có được nhận thức mới về các vấn đề ANPTT. Thứ nhất, vấn đề ANPTT đã thách thức đe dọa tới lợi ích toàn cầu và lợi ích của từng quốc gia.
Thứ hai, ANPTT đã trở thành vấn đề nghị sự của toàn cầu và các khu vực, vấn đề xuyên biên giới. Chính vì vậy, nó đã tạo ra sự đan xen lợi ích giữa thế giới và từng quốc gia, khiến những thách thức này không thể được giải quyết ổn thỏa bởi riêng một quốc gia nào. Do đó, để giải quyết các vấn đề ANPTT đòi hỏi tất cả các quốc gia phải vào cuộc, cùng nhau giải quyết.
Thứ ba, đại dịch Covid-19 là nhân tố làm bộc lộ những yếu điểm của hệ thống quản trị toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của xã hội. Quản trị toàn cầu chưa nhận thức rõ được những nguy hiểm mà Covid-19 mang lại, hậu quả là thế giới thiếu mất sự hợp tác quốc tế. Thêm vào đó, quản trị quốc gia là đa chiều, đa tầng nấc. Ví dụ, Covid-19 không chỉ là dịch bệnh, còn là dịch tễ, y tế, là kinh tế, xã hội.
Vậy làm sao để đan xen kết hợp những vấn đề đó? Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, có lẽ, đối với các thách thức ANPTT hiện nay, chúng ta phải nhìn nó thông qua tính cấp bách mới, đòi hỏi quản trị toàn cầu và quốc gia mới, có tính chất đa chiều đa tầng nấc.
Nhưng đồng thời, thông qua đại dịch lần này và nhiều vấn đề thách thức ANPTT khác, chúng ta thấy rằng, ANPTT không chỉ là thách thức của toàn cầu. Thách thức ở đây còn là yêu cầu chúng ta phải cùng nhau ứng phó, đối diện và giảm nhẹ hậu quả từ các vấn đề do ANPTT gây ra.
"Tuy nhiên, bên trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội. Ví dụ, từ biến đổi khí hậu, thế giới phải thích ứng để làm sao đảm bảo môi trường cho cuộc sống của người dân và từng quốc gia. Mặt khác, BĐKH cũng tạo ra những cơ hội kiến tạo và thúc đẩy nền kinh tế xanh, trong đó có công nghệ xanh, tài chính – đầu tư xanh và kể cả lối sống xanh.", Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích.
Covid-19 là ví dụ điển hình nhất về những tác động đa chiều, đa tầng nấc của các thách thức an ninh phi truyền thống tới thế giới. (Nguồn: Alamy) |
Thời gian qua, Việt Nam đã nhận thức sâu sắc câu chuyện về ANPTT trong nhiều vấn đề nóng bỏng. Cụ thể, thứ nhất là những vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường xanh, sạch; bảo đảm an ninh nguồn nước, đối phó với nước biển dâng... Đây là những điều rất cấp thiết, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sông Mekong.
Thứ hai, câu chuyện về y tế dịch bệnh, trước đây là dịch SARS và bây giờ là Covid-19, cũng như tìm kiếm những bước đi cho tương lai.
Thứ ba, vấn đề thách thức ANPTT mới nổi trong thời gian qua như an ninh mạng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, những dao động, biến đổi liên quan đến tài chính, lao động.
Nhìn lại, Việt Nam đã tham gia các hoạt động đa phương ở cả phạm vi quốc tế và khu vực để thúc đẩy các biện pháp đối phó với các thách thức ANPTT như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh nguồn nước.
Tuy nhiên, để có thể làm được tốt hơn, chúng ta nên có sự nhìn nhận kỹ càng, chi tiết về các thách thức ANPTT ở trong tầm chiến lược tổng thể chung, trong đan xen lợi ích giữa toàn cầu, khu vực và quốc gia, trong quản trị toàn cầu và từng quốc gia, trong phối hợp đa chiều, đa cơ quan ra sao.
Có thể nói, trong vấn đề đối phó với các thách thức ANPTT, Việt Nam đã làm được rất nhiều và đạt được nhiều thành tựu. Đầu tiên là câu chuyện về thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, phát triển đô thị, phát triển nông nghiệp... Đây là những chiến lược cơ sở để đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước trong thời đại mới.
Thứ hai, phối hợp với khu vực và quốc tế. Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình môi trường LHQ (UNEP) và cả ASEAN.
Thứ ba, Việt Nam đã phối hợp cả ở cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế để hình thành nên các khung chính sách, phối hợp giữa các quốc gia trên thế giới và tại khu vực để ứng phó với thách thức ANPTT.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao khẳng định, trong những câu chuyện đó cũng có rất nhiều vấn đề ANPTT mới, đòi hỏi chúng ta phải có sự phối hợp quốc tế mạnh mẽ để tạo ra những định hướng, chuẩn mực.
Ngoài ra, để có thể làm nhiều hơn nữa, Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh phối hợp liên ngành, bởi các vấn đề môi trường, BĐKH không chỉ là câu chuyện thích ứng mà còn tranh thủ những công nghệ xanh, sạch.