Nguyên Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh đã chia sẻ như vậy bên lề tại Hội nghị Ngoại giao 30.
Đại sứ Quang Vinh nhấn mạnh, chiến tranh nói chung và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nói riêng không đem đến lợi ích cho bất kỳ ai. Vì vậy, trước những bất đồng, Việt Nam luôn mong muốn có một cơ chế đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp cho hai bên khi giao dịch kinh tế, thương mại bị ngắt quãng bởi những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại này.
Mỹ, Trung Quốc là hai đối tác rất lớn của Việt Nam và khu vực, vì vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) và Giám đốc Học viện, Phó Đô đốc Hải quân Ronald Route. |
Theo ông Quang Vinh, giữa những bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải tăng cường nguồn lực, sẵn sàng có những biện pháp ứng phó. “Trong thế giới ngày càng tương tác tùy thuộc và hội nhập, chúng ta cần kiên trì chủ trương đổi mới, hội nhập quốc tế, cải cách kinh tế. Việc chúng ta ngày càng có vị thế hơn, song trùng lợi ích với các nước lớn nhiều hơn, đa dạng về nguồn cung về tài chính, vốn và kỹ thuật sẽ là giải pháp tốt nhất để chúng ta ứng phó với những rủi ro kinh tế, kể cả những cuộc chiến tranh”, Đại sứ khẳng định.
Nhận định về tương lai của cuộc chiến tranh, Đại sứ cho rằng, lợi ích tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc có những song trùng nhất định khi họ có hơn 60 cơ chế hợp tác để phối hợp với nhau, tuy nhiên, cách tiếp cận của mỗi một chính quyền mới ở Mỹ lại tạo ra những khác biệt trong cặp quan hệ giữa hai siêu cường này. Đại sứ đánh giá sự cọ xát Mỹ - Trung sẽ kéo dài, song đồng thời vì lợi ích của mỗi nước và sự tùy thuộc lẫn nhau, không loại trừ họ vẫn có những giải pháp nhất định.
Liên quan tới sáng kiến kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng và tự do, Đại sứ đánh giá, đây là sáng kiến bao trùm không chỉ về kinh tế. Theo đó, không gian chính trị và an ninh được mở rộng để tạo ra sự hợp tác giữa các đối tác nhiều hơn. Không những thế, môi trường an ninh, bao gồm cả an ninh, an toàn tự do hàng hải được bảo đảm, tôn trọng chủ quyền, cùng có lợi và không có sự áp đặt. Mục tiêu tiếp theo của sáng kiến mới là kinh tế, tạo sự kết nối, tăng cường giao lưu kinh tế thương mại giữa các nước.
“Những sáng kiến song trùng với lợi ích của các nước trong khu vực, tăng cường hợp tác và bảo đảm an ninh, cũng như môi trường phát triển, đồng thời tôn trọng các thể chế đã có, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN thì chúng ta nên tích cực tham gia và hướng nó vào những điểm đó”, Đại sứ nhấn mạnh.
Đặc biệt, Đại sứ Quang Vinh cho rằng Việt Nam cần kết nối các sáng kiến trong bối cảnh trong khu vực đang có rất nhiều sáng kiến khác nhau được đề ra bởi các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc.