Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho với các đại biểu sau hội đàm tại Hà Nội, ngày 25/3. (Nguồn: TTXVN) |
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam (24-26/3), Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những điểm nhấn nổi bật của chuyến thăm cũng như kỳ vọng về bước phát triển mới trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Xin Đại sứ nêu bật những điểm nhấn trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho?
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan (1973-2023). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định, củng cố và phát triển quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia, hai cơ quan nghị viện, góp phần tạo đà mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, nước, môi trường…
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Đại sứ Phạm Thị Thanh Bình bắt tay Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho. (Ảnh: NL) |
Nội dung trọng tâm các cuộc trao đổi trong chuyến thăm gồm: Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội Việt Nam và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; phối hợp triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển;
Tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư song phương nhất là trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, môi trường, nông lâm nghiệp;
Tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo các cấp và giao lưu nhân dân và cùng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho đã dành thời gian tham dự Lễ chứng nhận hoàn thành xây lắp Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long - Bắc Ninh tại tỉnh Bắc Ninh (công trình sử dụng công nghệ của Phần Lan trong phân loại rác đầu vào kết hợp lò đốt tầng sôi tuần hoàn) và Trường tiểu học Tân Thời đại (cơ sở áp dụng mô hình giáo dục Phần Lan). Đây là những minh chứng cụ thể cho việc triển khai thành công các ưu tiên hợp tác trong quan hệ hai nước.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Phần Lan ở Đông Nam Á. Vậy theo Đại sứ, đâu là những thế mạnh trong hợp tác giữa hai nước và triển vọng trong các lĩnh vực hợp tác mới theo xu hướng phát triển chung như kinh tế số, kinh tế xanh giữa hai nước?
Phần Lan ca ngợi Việt Nam là một điển hình trong chuyển đối mối quan hệ từ nước nhận viện trợ sang đối tác bình đẳng trong thương mại, đầu tư của Phần Lan và hiện tại là đối tác thương mại quan trọng nhất của Phần Lan ở Đông Nam Á.
Tính đến hết tháng 12/2023, đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam đứng thứ 58 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 35 dự án còn hiệu lực. Phần Lan có thế mạnh trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu lớn như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế và giáo dục.
Cả hai nước đều đặc biệt quan tâm đến phát triển công nghệ và sáng tạo. Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số, có thể mang lại nhiều cơ hội mới và thúc đẩy sự đổi mới trong cả hai nền kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam và Phần Lan đều cam kết với việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh có thể bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo và quản lý tài nguyên.
Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho tham quan Dự án Nhà máy điện rác Thăng Long-Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN). |
Trong trao đổi cấp cao, lãnh đạo hai nước nhiều lần nhấn mạnh vai trò của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) trong thúc đẩy kinh tế hai nước. Theo bà, những lợi ích cụ thể mà EVFTA đang tạo ra là gì?
Việc Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) là một lợi thế rất lớn. Chỉ trong 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ tháng 8/2020), bên cạnh kim ngạch thương mại song phương tăng đáng kể, riêng xuất khẩu của Phần Lan sang Việt Nam đã tăng lên 4 lần và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Phần Lan.
Với các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế quan, tăng cường đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, hợp tác khoa học kỹ thuật, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của hai nước sẽ được tạo thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước được tạo điều kiện tiếp cận thị trường đối tác trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.
Trao đổi thương mại và đầu tư song phương tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng với cơ hội khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA mang lại, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh, hợp tác kinh tế hứa hẹn sẽ là trụ cột vững vàng trong quan hệ hai nước.
Điều Đại sứ mong mỏi nhất trong quan hệ Việt Nam-Phần Lan là gì, khi hai nước vừa kỷ niệm dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao, bước vào một hành trình mới của hợp tác song phương?
Với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Phần Lan, tôi sẽ nỗ lực để mối quan hệ hữu nghị truyền thống gần gũi, bền chặt hai nước tiếp tục được tục củng cố, phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Trong bối cảnh hai bên cùng bước sang một hành trình mới của quan hệ song phương, tôi tin rằng cơ hội đang mở ra rất thuận lợi cho Việt Nam và Phần Lan cùng nhau tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; mở rộng hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế xanh; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục - đào tạo; giao lưu văn hóa; phối hợp và củng cố hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương...
Chắc chắn, các hoạt động hợp tác này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!