Nhỏ Bình thường Lớn

Đại sứ Phan Chí Thành: Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á-Thái Bình Dương

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành chia sẻ với TGVN ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana thăm Việt Nam từ ngày 3-6/7. Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nêu bật ý nghĩa chuyến thăm và sự hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam và ESCAP.

Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP? Đại sứ có kỳ vọng gì vào chuyến thăm?

Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (LHQ), là tổ chức liên chính phủ lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 53 nước thành viên và 9 thành viên liên kết, trong đó gồm cả 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Chuyến thăm Việt Nam của bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP, tiếp nối chuyến thăm của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tháng 10/2022, thể hiện sự đề cao và coi trọng của LHQ nói chung và ESCAP nói riêng đối với vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mặt khác, việc Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mời Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP thăm Việt Nam cũng khẳng định ESCAP giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị trí của ESCAP tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là lời cảm ơn sự hỗ trợ thiết thực của ESCAP trong nhiều năm qua và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tăng cường hơn nữa hợp tác với ESCAP trong thời gian tới.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều mặt bất lợi, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Theo đánh giá của Liên hợp quốc, một số mục tiêu SDGs không thể hoàn thành đúng thời hạn đề ra là 2030, thậm chí nhiều tiến bộ bị đảo ngược và đẩy lùi lại vài thập kỷ.

"Chuyến thăm Việt Nam của bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP, tiếp nối chuyến thăm của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tháng 10/2022, thể hiện sự đề cao và coi trọng của LHQ nói chung và ESCAP nói riêng đối với vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Đại sứ Phan Chí Thành nhận định.

Tại Việt Nam, tiến trình thực hiện các SDGs thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, Việt Nam là một trong những nước đi đầu khu vực về các cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng không “net-zero” vào 2050 và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững gần đây. Để đạt được các mục tiêu và cam kết đề ra, Việt Nam rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, trong đó ESCAP đóng vai trò rất quan trọng.

ESCAP là tổ chức quốc tế hàng đầu khu vực về hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn hoạch định chính sách phát triển bền vững và là đầu mối của LHQ trong thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dự kiến trong chuyến thăm, bà Armida Salsiah Alisjahbana và đoàn công tác sẽ gặp lãnh đạo cấp cao của ta, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương Việt Nam.

Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ mang lại kết quả thiết thực cho cả hai bên, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ESCAP và Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực hiện SDGs tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana (bên trái) chủ trì phiên khai mạc Khoá họp thường niên ESCAP lần thứ 79 ngày 15/5.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia, đóng góp như thế nào tại ESCAP? Đặc biệt, việc được tín nhiệm bầu vào thành viên hội đồng điều hành các trung tâm của ESCAP cho thấy điều gì?

Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, thực chất các hoạt động và cơ chế của Ủy ban, thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của ESCAP. Hàng năm có rất nhiều cuộc họp về nhiều lĩnh vực khác nhau diễn ra tại Bangkok và tại một số nước thành viên.

Đoàn Việt Nam thường xuyên tham dự các Khóa họp cấp cao thường niên ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Đặc biệt trong năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) và 75 năm thành lập ESCAP (1947-2022), Đoàn cấp Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự trực tiếp Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan đại diện thường trú của Việt Nam tại ESCAP, tham gia điều hành, chủ tọa một số cuộc họp quan trọng, tham gia thường xuyên vào các cơ chế làm việc của ESCAP.

Ở cấp các bộ, ngành, ta cử các chuyên gia tham gia đóng góp xây dựng văn kiện, đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp trong quá trình thảo luận những chủ đề trong chương trình nghị sự. Việt Nam cũng là nước tích cực đóng góp niên liễm cho hoạt động của ESCAP và của các trung tâm.

ESCAP có 5 trung tâm khu vực về các lĩnh vực chuyên môn gồm: cơ khí hóa nông nghiệp bền vững (CSAM), thống kê (SIAP), công nghệ thông tin và liên lạc (APCICT), chuyển giao công nghệ (APCTT) và phòng chống thiên tai (APDIM). Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động của các trung tâm này với nhiều đóng góp và sáng kiến tích cực.

Năm 2022, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng điều hành của của CSAM nhiệm kỳ 2022-2024 và SIAP nhiệm kỳ 2022-2024 với số phiếu rất cao. Các chuyên gia của Việt Nam thuộc các lĩnh vực trên đã và đang tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động, đóng góp nhiều về công việc chuyên môn của các trung tâm và của ESCAP nói riêng được bạn đánh giá rất cao.

Việc Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các hội đồng điều hành các trung tâm ESCAP là kết quả của sự hội nhập sâu rộng và hiệu quả vào các cơ chế quốc tế và năng lực, trình độ của các bộ, ngành Việt Nam.

Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại khóa họp thường niên lần thứ 79 của ESCAP tại Thái Lan vào tháng 5.

Việc tích cực tham gia ESCAP tác động ra sao đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm của Việt Nam?

Việt Nam và ESCAP có mục tiêu chung quan trọng nhất là thực hiện SDGs.

ESCAP là tổ chức quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương về thúc đẩy phát triển bền vững, đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển cho các nước trong khu vực. Việt Nam và các nước đang phát triển ở khu vực được hưởng lợi nhiều từ các hoạt động tư vấn, phối hợp chính sách, các dự án của ESCAP…

Những năm gần đây, ESCAP ưu tiên các sáng kiến hợp tác khu vực nhằm ứng phó với các thách thức như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, phục hồi bền vững sau đại dịch và thực hiện các SDGs.

"Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ mang lại kết quả thiết thực cho cả hai bên, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ESCAP và Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Đại sứ Phan Chí Thành chia sẻ.

ESCAP và ASEAN cũng đã thiết lập cơ chế đối thoại cấp cao thường xuyên nhằm thực hiện 5 mục tiêu ưu tiên về phát triển bền vững là: giảm nghèo; hạ tầng và kết nối; quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; sản xuất và tiêu dùng bền vững; và khả năng chống chịu.

Những lĩnh vực này phù hợp với các ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành Việt Nam hiện nay là lồng ghép một cách hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững vào từng loại hình chính sách phát triển của Việt Nam.

Theo hướng đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường khả năng tham gia và tư vấn từ ESCAP, đồng thời khai thác và ứng dụng sáng tạo các giải pháp và mô hình phát triển đã được chia sẻ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thời gian qua Việt Nam đã triển khai nhiều hợp tác và tranh thủ được sự hỗ trợ thiết thực từ ESCAP, đặc biệt trên 3 phương diện: Hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể; Nâng cao năng lực cán bộ thông qua các khoá đào tạo, hội thảo chuyên đề về chính sách kinh tế vĩ mô, các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin - truyền thông, thống kê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…

Một số dự án gần đây có thể kể đến như: Nghiên cứu toàn cảnh về mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam, Đánh giá tính sẵn sàng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại phi giấy tờ xuyên biên giới, Xây dựng hệ thống dữ liệu về thực hiện SDGs ở cấp quốc gia.

Thông qua các dự án hợp tác này, Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới đối tác trong khu vực. Điều này đã góp phần nâng cao hiểu biết và năng lực của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm cũng như giúp cải thiện hiệu quả và tính bền vững của các chính sách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiến xa hơn trong việc đạt được SDGs.

Tôi tin rằng chuyến thăm chính thức của bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ, Thư ký điều hành ESCAP đến Việt Nam sẽ là cột mốc mới trong việc củng cố sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và ESCAP, tiếp tục mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Đại sứ Phan Chí Thành (bên trái) và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana tại một buổi làm việc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, tự hào về những kết quả đã đạt được của các ...

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP sắp thăm Việt Nam

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP sắp thăm Việt Nam

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao.

Liên hợp quốc hỗ trợ Haiti đối phó với khủng hoảng nhân đạo

Liên hợp quốc hỗ trợ Haiti đối phó với khủng hoảng nhân đạo

Ngày 1/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đến Haiti, quốc gia đang bị bạo lực băng đảng tàn phá, khiến ...

Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO nêu bật kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Việt Nam

Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO nêu bật kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Việt Nam

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ 43 của Hội nghị cấp Bộ trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp ...

Trưởng Ban Nội chính Trung ương thăm và làm việc tại Thụy Sỹ

Trưởng Ban Nội chính Trung ương thăm và làm việc tại Thụy Sỹ

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã hội kiến, làm việc với lãnh đạo Quốc hội, chính quyền và các cơ quan ...

(thực hiện)