Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander. |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết, là một người mẹ có hai con nhỏ, bà thực sự lo lắng đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ em Việt Nam khi tham gia giao thông. Bà chia sẻ: "Ở Thụy Điển, chúng tôi đội mũ bảo hiểm để bảo vệ ngay cả khi đi xe đạp. Điều này đơn giản bởi vì đây chính là phương cách bảo vệ tính mạng khi có tai nạn xảy ra. Tôi kêu gọi các bạn, hãy là những tấm gương sáng cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, và luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe máy hoặc xe đạp điện. Là các bậc cha mẹ, chúng ta cần ngăn chặn các ca chấn thương sọ não xảy ra với các bé thơ".
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, là đối tượng luôn cần được chăm sóc và bảo vệ. Ông mong muốn, cùng với sự nỗ lực các cơ quan chức năng, sự ủng hộ và giúp đỡ của đông đảo các Tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ, những hành động cụ thể xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ, mọi trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đều được đội mũ bảo hiểm.
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ AIP cũng nhấn mạnh: "Những nỗ lực mạnh mẽ, nhiệt thành của các bộ, ngành, cơ quan và các đối tác nhằm nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam là rất đáng khích lệ. Các hoạt động triển khai ngày hôm nay đã tạo ra sự khác biệt trong việc thúc đẩy hành vi tham gia an toàn giao thông và khuyến khích học sinh luôn luôn đội mũ bảo hiểm. Những nỗ lực của Đại sứ quán Thụy Điển và các doanh nghiệp Thụy Điển góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm cho các trẻ em".
Tại đây, ca sỹ-nhạc sỹ Thanh Bùi, trong vai trò Đại sứ thiện chí của chương trình cho biết: "Sự kiện ngày hôm nay đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy đảm bảo an toàn giao thông từ nhà đến trường, đặc biệt việc thực hiện đội mũ bảo hiểm đối với các bạn trẻ và các em học sinh, những thế hệ tương lai. Các hình thức giáo dục nâng cao nhận thức cũng có thể được thực hiện một cách sáng tạo và thông qua âm nhạc để khuyến khích việc tiếp thu hiệu quả của các em".
Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các công ty đa quốc gia Thụy Điển như ABB, AstraZeneca, Electrolux, IKEA, SKF và Tetra Pak. Các công ty này bày tỏ sự ủng hộ và cam kết góp phần gia tăng việc sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn và ngăn ngừa chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em Việt Nam.
Tai nạn giao thông là một vấn nạn lớn về y tế công cộng tại Việt Nam. Hàng năm, có khoảng 22.000 trường hợp tử vong do các chấn thương gây ra bởi tai nạn giao thông. Người sử dụng xe máy chiếm đến 58% các ca tử vong, trong đó có tới 78% bị chấn thương ở vùng đầu. Trong khi tỷ lệ người lớn tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc khá cao, việc đội mũ bảo hiểm ở trẻ em vẫn còn rất thấp. Nghiên cứu của Quỹ AIP cho thấy, tại thời điểm tháng 3/2014, chỉ có 38% trẻ em có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch hành động quốc gia và nhằm hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ 3 do Liên hợp quốc kêu gọi tổ chức, Việt Nam hướng tới mục tiêu tập trung nâng cao nhận thức và nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trẻ em lên 80% trên toàn quốc trong năm 2015. Chương trình hành động này do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì và phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan và các đối tác.
PV.