Hệ thống y tế tại Italy đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung cho một số bệnh viện đang trở nên cạn kiệt. (Ảnh: Forbes) |
Phản ứng về việc đóng cửa trường học, chuyên gia WHO cho rằng, việc đóng cửa “không có tác dụng và gây hại” vì thời gian đóng cửa (10 ngày) ngắn hơn thời gian ủ bệnh là 14 ngày. Do tình hình dịch bệnh, Italy quyết định hoãn cuộc trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 29/3 về quyết định giảm số lượng nghị sĩ tại Quốc hội (theo đó nghị sĩ tại Hạ viện giảm từ 630 xuống 400 ghế, tại Thượng viện giảm từ 315 xuống 200). Italy hạn chế thăm người thân ở nhà dưỡng lão, khuyến cáo người già nên ở trong nhà trừ khi có việc thực sự cần thiết.
Giám đốc Cơ quan bảo vệ dân sự Luigi D’Angelo cho biết, Italy không sản xuất khẩu trang, đang nhận 800.000 chiếc từ Nam Phi nhưng cần ít nhất 10 triệu chiếc hoặc nhiều hơn. Italy sẽ cần vài triệu chiếc khẩu trang FFP2 và FFP3 để sử dụng cho nhân viên y tế đang trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. FFP2 và FFP3 bảo vệ tốt hơn loại khẩu trang phẫu thuật có màu xanh thường gặp. Với bất cứ loại khẩu trang nào, không nên đeo quá 6 tiếng. Khẩu trang đã được cung cấp vào giai đoạn đầu nhưng với sự lây lan nhanh chóng của bệnh dịch, hệ thống y tế đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung cho một số bệnh viện đang trở nên cạn kiệt, tại vùng tâm dịch Lombardy cần 200.000 khẩu trang/ngày.
Italy cũng đã tiếp cận các nước sản xuất khẩu trang như Romania, Thụy Sỹ và Hà Lan. Các bệnh viện dã chiến đã được thiết lập gần Rome và Turin, sẽ được thành lập thêm gần Milan để trợ giúp cho việc cách ly. Một số lều y tế cũng được dựng lên để đảm bảo các trường hợp nghi nhiễm không tiếp xúc các bệnh nhân khác (330-350 lều trước khu vực cấp cứu của các bệnh viện, 130 lều trước các trại giam). Điều này nhằm tránh sự việc đã xảy mà Italy gọi là “bệnh nhân số 0” (được điều trị viêm phổi cấp tại bệnh viện mà không được cách ly với các bệnh nhân khác).