📞

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cập nhật tình hình dịch Covid-19

11:15 | 11/03/2020
TGVN. Tính đến 18h ngày 10/3, Pháp ghi nhận 1784 ca nhiễm Covid-19, tăng 372 so với ngày 9/3, 33 ca tử vong (14 nữ, 19 nam; 23 ca trên 75 tuổi) và 86 ca đang trong tình trạng nghiêm trọng. 
Pháp được xem là quốc gia châu Âu đang phải chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 chỉ sau Italy. (Nguồn: AFP)

Tại Pháp hiện có 7 ổ dịch lớn, gồm: tỉnh Oise, hai ổ tại tỉnh Haute-Savoie, tỉnh Morbihan, thành phố Mulhouse (Haut-Rhin), nhóm người trở về từ Ai Cập và ổ mới bùng phát tại Ajaccio (thủ phủ đảo Corse), trong đó, đáng lo ngại nhất là các ổ dịch tại Mulhouse và Ajaccio.

Đáng lưu ý, tại Hạ viện Pháp, 5 nghị sĩ có kết quả dương tính với virus corona chủng mới. Bộ trưởng Văn hoá Pháp cũng có kết quả dương tính với virus. Chánh văn phòng Phủ Tổng thống hiện đang tự cách ly do trước đó tiếp xúc với một người nhiễm bệnh.

Trước đó, Phủ Tổng thống đã thông báo huỷ các chuyến công tác nước ngoài và ngoài Paris. Sáng 10/3, Tổng thống Macron đã đến thị sát bệnh viện nhi Necker và trung tâm tiếp nhận thông tin cấp cứu tổng đài 15. Ông kêu gọi người dân nâng cao ý thức công dân, áp dụng các biện pháp đã được khuyến cáo nhằm hạn chế lây nhiễm, giảm tải cho công việc tại tổng đài 15, dành ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Phủ Tổng thống cũng tăng cường tối đa các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Nhân viên Phủ Tổng thống được yêu cầu giảm thiểu các hoạt động nơi công cộng, bố trí hai nhân viên theo dõi một hồ sơ nhằm đảm bảo tính liên tục trong giải quyết công việc.

Trong khi đó, Bộ Thể thao Pháp thông báo, kể từ ngày 9/3, tất cả các trận thi đấu trên lãnh thổ Pháp sẽ không được mở cửa cho khán giả. Bộ Giáo dục cho biết khoảng 350.000 học sinh phải nghỉ học. Tại Paris, sáng ngày 9/3, một trường học đã phải đóng cửa sau khi phát hiện một học sinh 8 tuổi nhiễm Covid-19.

Về kinh tế, sáng ngày 9/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Le Maire đã làm việc với nghiệp đoàn các ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng để tìm biện pháp vực dậy ngành này. Ngành dịch vụ ăn uống đã sụt giảm 60% doanh số, nhà hàng 45%, khách sạn 25%, thậm chí, tại một số địa phương tỷ lệ này là 100%.

Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Kinh tế thông báo các biện pháp chính nhằm giúp các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp cỡ nhỏ (TPE) bao gồm: Giảm trừ thuế trực thu và hỗ trợ một phần các loại phí bảo hiểm xã hội cho từng trường hợp bị thiệt hại cụ thể; Ngay lập tức trợ cấp theo ngày cho các trường hợp buộc phải nghỉ việc theo diện "thất nghiệp kỹ thuật" do có con phải nghỉ học; Tối giản hoá việc các doanh nghiệp khai báo để được hưởng 3 biện pháp trên bằng việc gửi email, điền mẫu trực tuyến hoặc chỉ cần gọi điện thoại...

Thị trường tài chính Paris đóng cửa ngày 9/3 với mức sụt giảm 8,39%. Hãng hàng không Air France - KML thông báo huỷ toàn bộ các chuyến bay đến và từ Italy từ ngày 14/3 - 3/4. Bộ trưởng Kinh tế Tài chính cũng cho biết, trong bối cảnh hiên nay, nhiều chuyến bay không khách vẫn thực hiên, đồng thời đề nghị các nước Liên minh châu Âu (EU) huỷ bỏ quy định buộc các hãng hàng không vẫn phải bay tối thiểu 20% chuyến bay nếu không muốn bị tước thương quyền đối với đuòng bay đó trong năm sau do bay không đủ chuyến.

Trước đòi hỏi về trang bị y tế phục vụ công tác của nghiệp đoàn cảnh sát (với đe doạ thực thi quyền nghỉ việc sau ngày 9/3 nếu không được đáp ứng), Bộ Nội vụ Pháp đã có phương án bố trí 1 triệu khẩu trang y tế tại tất cả các vùng lãnh thổ nhằm phục vụ công tác của cảnh sát.

Bộ Y tế Pháp cho biết, năng lực xét nghiệm hiện nay của các phòng thí nghiệm và bệnh viện tại nước này là khoảng 1.000 ca/ngày và sẽ nâng cao trong những ngày tới. Hệ thống các bệnh viện đã sẵn sàng 5.000 giường bệnh hồi sức cấp cứu cho các trường hợp nghiêm trọng. Theo Bộ Y tế Pháp, hiện 98% các ca tại Pháp được chữa khỏi, 80-85% các ca có dấu hiệu bệnh rất khó phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)