Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tình đoàn kết đặc biệt "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa"
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em thân thiết như trong một gia đình, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước của nhiều con sông đi qua và có đường biên giới tiếp giáp từ Bắc tới Nam dài hơn 2.000 km.
Hai nước có truyền thống đoàn kết, yêu thương, tương trợ lẫn nhau, cùng đồng cam cộng khổ trong nhiều thập kỷ, từ giai đoạn đấu tranh cứu quốc cho đến giai đoạn giữ gìn và bảo vệ đất nước. Từ đó, nhân dân hai dân tộc Lào và Việt Nam tiếp tục kề vai sát cánh chống lại sự xâm lược của kẻ thù chung.
Nhờ tình đoàn kết đặc biệt "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", cùng chung liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân hai nước từng bước giành được nhiều thắng lợi cho đến khi chính thức tuyên bố độc lập hoàn toàn trước thế giới. Trong khi Việt Nam tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945 thì Lào cũng tuyên bố độc lập ngày 12/10/1945. Hai sự kiện này đã làm cho cộng đồng thế giới công nhận sự ra đời của đất nước Lào và Việt Nam. Tiếp đó, hai nước còn cùng nhau đánh bại thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ nổi tiếng vào tháng 5/1954.
Từ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó, ngày 5/9/1962 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào (chính phủ liên hiệp 3 bên) đã thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá về mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào một cách sâu sắc như sau: “Hai dân tộc Việt Nam và Lào cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt-Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt”.
Cùng năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ phác họa ngắn gọn về tình hữu nghị Việt-Lào rằng:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt-Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”.
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15-18/7/1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam trao tặng Trung ương Đảng và Chính phủ Lào bức trướng thêu 4 câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”. (Nguồn: TTXVN) |
"Việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam ngày 18/7/1977 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước sang một trang mới". |
Sự hy sinh và cống hiến hiếm có ấy đã làm cho những di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong tạo dựng và nâng niu đã không ngừng được tăng cường và nâng cao giá trị.
Chủ tịch Souphanouvong cũng đã có những so sánh rất hay và ý nghĩa về quan hệ Lào-Việt Nam rằng: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”.
Cho dù nhiều thập kỷ đã trôi qua, mối quan hệ đó không chỉ trong sáng, rạng rỡ mà ngày càng được phát huy và nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, sau khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập vào ngày 2/12/1975 và Việt Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/04/1975, quan hệ hai nước càng được mở rộng.
Việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam ngày 18/7/1977 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước sang một trang mới.
Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp năm 1950. (Nguồn: TTXVN) |
Hợp tác sâu rộng trên mọi lĩnh vực
Trong suốt thời gian qua, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được tăng cường và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, quốc phòng, an ninh-ngoại giao, kinh tế-thương mại, giáo dục-văn hóa...
Tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Lào và Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, đặc biệt là trong hơn 35 năm hai nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Quan hệ chính trị ngày càng bền chặt, tin cậy lẫn nhau, góp phần quan trọng và củng cố quan hệ hai nước, là cơ sở cho quan hệ trên các lĩnh vực khác. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội Lào, hay chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua, đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ Lào-Việt Nam tiến lên tầm cao mới.
Hợp tác văn hóa - xã hội giữa Lào và Việt Nam ngày càng được tăng cường, nổi bật là công tác phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong nghiên cứu, bồi dưỡng về mối quan hệ đặc biệt cho nhân dân và thế hệ trẻ hai dân tộc bằng nhiều biện pháp và hình thức phong phú.
Đặc biệt trong dịp kỷ niệm lớn của hai nước vào năm 2022, hai bên đang phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, phối hợp trao đổi lý luận và thực tiễn về việc đổi mới, về những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cấp, giữa các tổ chức quần chúng và địa phương...
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư trong thời gian qua đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của hai bên, hợp tác liên doanh theo các dự án, kế hoạch đã ký kết hàng năm giữa hai Chính phủ, đề ra kế hoạch chiến lược hợp tác trong dài hạn như từ năm 2021-2030, chú trọng hợp tác có trọng tâm... Từ đó, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại thời gian gần đây đã có những bước phát triển đáng kể.
Từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào tổng cộng 417 dự án với tổng giá trị đầu tư là 4,3 tỷ USD, trong đó đầu tư của Việt Nam có 287 dự án, trị giá 3,5 tỷ USD, đứng thứ 3/54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào.
Hợp tác trong lĩnh vực y tế, nông, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính, xây dựng, văn hóa-thông tin, năng lượng, khoáng sản... đều đang mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Hợp tác quốc phòng và an ninh có sự chặt chẽ và trở thành trụ cột của quan hệ hai nước.
Hợp tác ngoại giao luôn nhịp nhàng, Lào và Việt Nam đã có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN và trong khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN như Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), các dự án Hành lang kinh tế Đông Tây (EWCP), hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV)…
Tất cả những hợp tác này vừa giúp cả Lào và Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế, vừa nâng cao vị thế và vai trò của hai nước trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời xây dựng tiềm năng và tăng cường sức mạnh cho hai nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, xu thế chung của thời đại hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nâng cốc chúc mừng tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào tháng 6/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Vun đắp tình hữu nghị mãi xanh tươi
Trong thời đại mới, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang biến động nhanh chóng, khó lường, nhân dân hai nước đang phát triển đất nước theo đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước chúng ta đã khẳng định lại quyết tâm và trách nhiệm trong việc cùng nhau tiếp tục gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Lào và Việt Nam, được tạo dựng bằng máu thịt của nhân dân hai nước, ngày càng hiệu quả, đơm hoa kết trái hơn nữa. Qua đó, hai nước cùng nhau tiến lên trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự lực tự cường, tăng cường năng lực bản thân, phát huy tiềm lực và thế mạnh của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, đồng thời cũng ưu tiên, nới lỏng lẫn nhau một cách hợp lý, phù hợp với tính chất đặc biệt của quan hệ hai nước.
Hai nước luôn coi tình hữu nghị Lào-Việt Nam là di sản quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là yếu tố bảo đảm thắng lợi trong sự nghiệp giữ gìn và xây dựng đất nước của mỗi quốc gia ngày nay.
Đặc biệt, trong hai năm qua khi dịch đại dịch Covid-19 bùng phát, khắp thế giới, bao gồm cả Lào và Việt Nam, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, làm cho đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi nước trở nên phức tạp về nhiều mặt. Tuy vậy, tôi rất vui mừng nhận thấy mối quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục là một điển hình về quan hệ quốc tế có một không hai trên thế giới, không những tiếp tục trong sáng, chân thành, mà còn ngày càng đặc biệt hơn.
Lào và Việt Nam là hai trong số ít quốc gia có thể duy trì các chuyến thăm và trao đổi cấp cao trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt, năm ngoái đã có 2 chuyến thăm cấp cao gồm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith từ ngày 28-29/6/2021 và chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 9-10/8/2021.
Cả hai chuyến thăm đều đóng góp quan trọng vào việc củng cố và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa kết trái hơn nữa. Ngoài ra, hai nước còn có thể duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác bằng hình thức phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith ngày 9/8/2021. |
Nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, hai nước đã hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hết sức mình và có hiệu quả trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù cũng đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn đã cử đoàn chuyên gia, hỗ trợ trang thiết bị y tế và tiền mặt sang Lào, còn chúng tôi cũng đã gửi giúp đỡ lại Việt Nam theo khả năng của mình.
Ngoài ra, hai nước cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của nhau, đồng thời đảm bảo vững chắc các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Do vậy, hàng hóa vẫn được vận chuyển bình thường và đảm bảo duy trì kim ngạch thương mại tăng trưởng ở mức khá tốt.
"Tình hữu nghị Lào-Việt Nam là di sản quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là yếu tố bảo đảm thắng lợi trong sự nghiệp giữ gìn và xây dựng đất nước của mỗi quốc gia ngày nay". |
Đặc biệt năm 2022 được chọn là Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).
Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 là một dấu mốc vô cùng ý nghĩa để ôn lại truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, tái khẳng định đây là yếu quan trọng trong việc quyết định thắng lợi của cách mạng Lào-Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cứu quốc trước kia cũng như xây dựng phát triển của cả hai nước hiện nay.
Đây cũng là dịp để phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bộ đội, công an và nhân dân các dân tộc hai nước Lào-Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu đúng đắn, sâu sắc và tiếp tục nâng niu, duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Đồng thời, đây còn là dịp để tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, chiến sĩ và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam đã hy sinh ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh cứu quốc, cũng như ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cần duy trì công giác giáo dục bồi dưỡng chính trị-tư tưởng thông qua gặp mặt trao đổi văn hóa, ngoại giao nhân dân để làm cho toàn Đảng, toàn dân nhất là thế hệ trẻ của hai nước được hiểu ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. (Ảnh: Gia Phú) |
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, tôi thấy rằng hai nước chúng ta trước hết nên tiếp tục tăng cường, thắt chặt hợp tác chính trị, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và các bộ ngành cấp Trung ương và địa phương của hai bên. Thứ hai, cần tăng cường và nâng cao nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước về tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. Thứ ba, cần duy trì công giác giáo dục bồi dưỡng chính trị-tư tưởng thông qua gặp mặt trao đổi văn hóa, ngoại giao nhân dân để làm cho toàn Đảng, toàn dân nhất là thế hệ trẻ của hai nước được hiểu ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho Lào cũng như quan tâm tăng cường hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư nhằm tương xứng với quan hệ hợp tác tốt đẹp về chính trị.
Trên cơ sở đó, hai nước sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam mãi mãi tươi đẹp như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam mãi mãi bền vững”.
Nhân dịp này, tôi xin chúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào-Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Hy vọng rằng các đảng viên, cán bộ, bộ đội, công an và nhân dân các dân tộc hai nước chủ động trong việc kỷ niệm để Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022 trở nên sôi nổi, toàn diện và ý nghĩa.
Xin chúc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đoàn Bộ Ngoại giao đến Đại sứ quán Lào tại Việt Nam chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào. (Ảnh: Anh Sơn) |
| Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Năm 2022 là dấu mốc mới của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 có ý nghĩa vô cùng trọng đại trong quan ... |
| Tiểu sử Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounthong Chitmany Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đồng chí Bounthong Chitmany Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí ... |