Đại sứ Tào Thị Thanh Hương phát biểu tại một dịp Tết cộng đồng tổ chức ở Singapore. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ ấn tượng gì nhất với đất nước và con người “đảo quốc sư tử”?
Nhiệm kỳ tại Singapore (từ 3/2018 đến tháng 4/2021) đưa tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là một đất nước nhỏ bé nhưng đã vươn lên đạt những thành tựu đáng kinh ngạc. Singapore rộng hơn 700 km2, chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, không chỉ khan hiếm về đất đai mà tài nguyên thiên nhiên cũng hạn hẹp. Vậy mà Singapore đã nỗ lực vượt bậc, trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới trong thời gian chưa đầy một thế hệ.
Khi đã trở thành một trong những “con rồng” châu Á, Singapore không tự hài lòng mà luôn nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Mỗi khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn… Singapore luôn tìm mọi cách vượt qua, và vươn lên mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do đại dịch Covid-19, vốn FDI vào Singapore tiếp tục tăng: đạt 78 tỷ USD năm 2020, 138 tỷ USD năm 2021, 140 tỷ USD năm 2022.
Điều giúp Singapore vượt qua rất nhiều thách thức phải kể đến:
Một là, quốc gia có định hướng chiến lược phát triển sáng suốt.
Hai là, pháp luật nghiêm minh.
Ba là, không tham nhũng, bộ máy công quyền hiệu quả, minh bạch.
Bốn là, trọng dụng nhân tài (meritocracy) và thu hút nhân tài.
Năm là, tính thực tế cao, lấy hiệu quả làm thước đo.
Tôi có một kỷ niệm thú vị khi Đại sứ quán phối hợp tổ chức triển lãm tranh Việt Nam nhân Lễ kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam tại Singapore năm 2019. Họa sĩ Việt Nam ngỏ ý trao tặng bà Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Josephine Teo, một bức tranh mà bà rất thích. Thật ngạc nhiên khi biết sau khi được tặng tranh, bà Bộ trưởng chưa mang nó về nhà mà chuyển tới cơ quan chức năng để định giá trước, sau đó bà phải trả khoản tiền theo mức định giá khi sở hữu nó.
Đó là vì quy định của Singapore không cho phép cán bộ, công chức nhận quà dù là vật phẩm hay tiền, nhằm phòng chống tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Sau sự kiện, tôi rất cảm động khi biết Bộ trưởng mong muốn được trao số tiền 20 triệu VND của cá nhân mình cho một cơ sở thiện nguyện của Việt Nam do họa sĩ lựa chọn và cuối cùng món quà đó đã đến được với chương trình Cặp lá yêu thương của VTV 24 với các suất học bổng hỗ trợ trẻ em nghèo.
Đại sứ Tào Thị Thanh Hương trong một dịp gặp gỡ tập đoàn YCH, tập đoàn hàng đầu về chuỗi cung ứng và logistics của Singapore. (Ảnh: PA) |
Đại sứ đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các diễn đàn doanh nghiệp có tiếng vang. Đại sứ chia sẻ gì về công tác này và đánh giá những bước chuyển trong hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua?
Điều lý thú là tại sao Singapore nhỏ bé, dân số ít ỏi, vậy mà GDP lại lớn hơn nhiều quốc gia lớn hơn nhiều về diện tích, dân số? Chính là vì Singapore biết phát huy lợi thế vị trí địa lý, định vị quốc gia là một trung tâm khu vực về tài chính, thương mại, đầu tư, dịch vụ, giao thông vận tải, trên cơ sở duy trì nền kinh tế mở, tương tác với thị trường quốc tế rộng lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thấm nhuần nhiệm vụ ngoại giao kinh tế và thấy được vai trò của hợp tác kinh tế với Singapore, Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan Việt Nam tại địa bàn có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư, quảng bá xuất khẩu hàng Việt Nam, và thúc đẩy mọi khả năng hợp tác kinh tế.
Bên cạnh việc gặp gỡ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan để vận động thúc đẩy hợp tác kinh tế, Đại sứ quán phối hợp với sở tại và cơ quan trong nước, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối cho các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam với các cơ quan, doanh nghiệp ở sở tại, chú trọng các tập đoàn đa quốc gia.
Hoạt động ngoại giao kinh tế rất nhộn nhịp, chiếm khoảng 70% về số lượng và thời lượng trong hoạt động đối ngoại tại địa bàn. Kể cả khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các hoạt động này vẫn tiếp tục được tổ chức trực tuyến trên không gian mạng.
Tôi còn nhớ, trong chuyến thăm chính thức Singapore của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 4/2018, Đại sứ quán tổ chức sự kiện kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp sở tại, trong đó có tập đoàn YCH Logistics của Singapore. Chính từ sự kết nối mang tính chất mở đường này, năm 2020, hai Thủ tướng Việt Nam và Singapore đã bấm nút khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)” do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) và Tập đoàn YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư. Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất châu Á, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam có những bước tăng trưởng vượt bậc, trong năm năm, đưa Singapore vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn của tình hình thế giới, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tính theo từng năm tại Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký là 9 tỷ USD (2020), 10,7 tỷ USD (2021) và 6,45 tỷ USD (2022).
Đại sứ Tào Thị Thanh Hương trong sự kiện đánh cồng khai trương sàn chứng khoán Singapore SGX. (Ảnh: PA) |
Thương mại song phương tăng trưởng đều trong những năm qua, đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2021, tăng 18,7% so với năm 2020. Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam sang Singapore ngày càng tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến có giá trị cao và giảm các mặt hàng xuất thô. Nếu xét riêng giá trị hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Singapore, năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử thương mại hai nước, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ SGD sang Singapore.
Điểm mới đáng chú ý là hai nước nỗ lực hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo. Singapore hỗ trợ học bổng cho các sinh viên ưu tú của Việt Nam sang học tập tại các trường đại học hàng đầu tại Singapore liên quan đến lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hai bên phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án với các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong quản lý đô thị thông minh, chiếu sáng đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông minh, chuyển hoá rác thải thành năng lượng.
Mối “nhân duyên” với Singapore có lẽ vẫn là một phần trong cuộc sống của Đại sứ đến bây giờ? Đại sứ kỳ vọng thế nào về tương lai quan hệ hai nước?
Đúng vậy, những năm tháng gắn bó với Singapore đã trở thành một phần không thể nào quên trong cuộc đời ngoại giao của tôi và mối “nhân duyên” ấy tiếp tục hiện diện trong cuộc sống của tôi đến bây giờ. Những kỳ tích Singapore đạt được là nguồn cảm hứng khơi dậy sự tìm tòi, khám phá trong tôi về quan hệ kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại. Tôi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về những chính sách của Singapore trong phát triển kinh tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, nhằm “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ.
Nhìn vào sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Singapore, tôi tin tưởng rằng, quan hệ hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ và đầy sức sống.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến Bộ trưởng cao cấp Singapore Tiêu Chí Hiền Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách của Việt Nam tiếp tục coi trọng củng cố và thúc đẩy quan hệ ... |
| Singapore mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam Ngày 18/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao ... |
| Thông điệp thịnh vượng dưới ‘mái nhà’ ASEAN Chuyến thăm chính thức Singapore của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngày 17-18/7) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng ... |
| Duyên nợ với ‘ngôi nhà’ thứ hai Tôi đến đảo quốc sư tử lần đầu tiên năm 18 tuổi, vào tháng 7/2007, để nhập học tại trường Đại học quốc gia Singapore ... |
| Tìm kiếm cơ hội, khai phá tiềm năng hợp tác về nông sản giữa Việt Nam-Singapore Thương vụ Việt Nam tại Singapore luôn nỗ lực xây dựng quan hệ chặt chẽ với không chỉ FairPrice mà còn các hệ thống siêu ... |