Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Tuấn làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm nhiệm Cộng hòa Latvia, tháng 2/2023. |
Chính vì vậy, ông sẽ cùng tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Thụy Điển ngày càng thêm bền chặt.
Người bạn lâu năm của Việt Nam
Về quan hệ Việt Nam-Thuỵ Điển, Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết, Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/1/1969. Thế nhưng, từ trước đó rất lâu, khoảng tháng 8/1966, Thuỵ Điển cũng chính là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất.
Trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, ngay từ tháng 10/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, với sự giúp đỡ của bạn, đã thành lập Phòng Thông tin tại Stockholm. Đến tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và sau đó chỉ một tháng, Việt Nam cũng mở Đại sứ quán tại thủ đô Stockholm.
Tin liên quan |
Khai thác hiệu quả EVFTA và EVIPA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Thụy Điển |
Đại sứ Tuấn cho biết thêm, trong nhiều thập niên qua, kể từ năm 1967 đến năm 2013, Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu của đất nước ta như y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền…
Trong thập niên 1970, Thụy Điển đã giúp Việt Nam xây dựng dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng - một trong những nhà máy giấy lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Đầu thập niên 1980, dưới sự giúp đỡ của Thụy Điển, Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em chính thức được khánh thành tại Hà Nội với mục tiêu "Sức khỏe trẻ em hôm nay là sự phồn vinh của xã hội ngày mai".
Chương trình "rừng, cây và con người" cuối thập niên 1980 cũng đã góp phần tạo ra vùng nguyên liệu với hàng ngàn hec-ta rừng và phát triển kinh tế - xã hội 5 tỉnh vùng trung tâm miền núi phía Bắc. Đây chính là những điểm nhấn rất ý nghĩa, minh chứng sống động cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Đến đối tác bình đẳng cùng phát triển
Kể từ năm 2013, khi hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi, Thụy Điển mới ngừng cung cấp các khoản viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam. Tuy nhiên, Thụy Điển sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới… giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ như ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới…
Về hợp tác kinh tế - thương mại hai bên, Đại sứ Trần Văn Tuấn thông tin, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển ngày một phát triển. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 đạt trên 1,5 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thụy Điển sang Việt Nam là dược phẩm, máy móc và phụ tùng cho ngành công nghiệp và viễn thông.
Các sản phẩm nhập khẩu chính của Thụy Điển từ Việt Nam là nông sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại thông minh các loại và linh kiện điện tử…
Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tính tới 20/5/2023, Thụy Điển có tổng số 104 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 680,49 triệu USD, đứng thứ 29/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với quy mô kinh tế và tiềm lực của Thụy Điển. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia Bắc Âu đã sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux… Hãng sản xuất xe hơi Volvo và hãng thời trang bình dân H&M của Thụy Điển đã mở cửa hàng tại Việt Nam và rất được ưa chuộng, nhất là giới trẻ và tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông lên ở Việt Nam.
Sáng 13/3/2023, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023 – 2026. Đại sứ Trần Văn Tuấn (trái) phát biểu tại buổi gặp. (Nguồn: quochoi.gov) |
Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Thụy Điển cũng còn khá khiêm tốn, chỉ có 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Mặc dù vậy, truyền thống hợp tác về văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ giữa hai nước lại là một điểm nhấn rất ấn tượng. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực truyền thông đại chúng.
Thụy Điển cũng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ ở các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, công nghệ sinh học, y học… Hiện tại, hai bên cũng đang thúc đẩy việc thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Những ưu tiên thúc đẩy hợp tác
Đại sứ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng có hiệu quả nhằm giữ vững và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Trong tổng thể đường lối chung, Đảng ta khẳng định đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy.
Theo Đại sứ, trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đang tiến triển rất tốt đẹp giữa hai nước, những định hướng lớn, trọng tâm mà cá nhân ông cùng tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán tập trung triển khai sẽ là gia tăng công tác nghiên cứu, tham mưu nhằm đẩy mạnh quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.
Về ngoại giao kinh tế, Cơ quan sẽ gia tăng các hoạt động mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên. Một trọng tâm khác mà Đại sứ Tuấn nhấn mạnh, đó là cần phải tiếp tục duy trì và phát huy, chú trọng hợp tác trong công tác ngoại giao văn hóa, qua đó tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế Việt Nam.
Trên tinh thần chung như vậy, Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết, những lĩnh vực hợp tác cụ thể, mong muốn thúc đẩy chính là những lĩnh vực là thế mạnh của Thuỵ Điển và Việt Nam đang cần, đó là hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và sử dụng công nghệ xanh, năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ chú trọng hợp tác trong đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số, hướng tới công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường… những lĩnh vực mà Thuỵ Điển rất mạnh để tận dụng ngoại lực, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững ở trong nước.
TIN LIÊN QUAN | |
Quyền Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 |
Kết nối, phối hợp chặt chẽ trong - ngoài
Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ông đã cùng đoàn các Trưởng Cơ quan đại diện có nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đây là những hoạt động mà năm nào Bộ Ngoại giao cũng tổ chức cho các Trưởng Cơ quan đại diện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, với mục đích giúp các Trưởng Cơ quan đại diện nắm bắt được thông tin về nhu cầu hợp tác của trong nước với nước ngoài, định hướng phát triển của địa phương, doanh nghiệp, nhu cầu mở rộng thị trường... để từ đó các Trưởng Cơ quan đại diện có thể đề ra các giải pháp, kế hoạch hỗ trợ tốt nhất trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Ông nhấn mạnh, đây là hoạt động hết sức quan trọng và ý nghĩa đối với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện được bổ nhiệm, giúp cho công tác kết nối, phối hợp giữa Cơ quan đại diện với các cơ quan, tổ chức trong nước được thuận lợi, hiệu quả.
Chiều 16/3/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026, Đại sứ Trần Văn Tuấn tham dự cùng các Trưởng Cơ quan đại diện. |
Đại sứ Tuấn cho rằng, chính thông qua các hoạt động như vậy, sự phối hợp giữa bên trong triển khai nhiệm vụ nói chung thời gian qua đã được cải thiện. Các Cơ quan đại diện luôn ý thức rõ nhiệm vụ của mình, nhất là trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, do thông tin đặt hàng từ địa phương, doanh nghiệp nhiều khi còn chung chung, không cụ thể, nên hiệu quả của việc hỗ trợ, kết nối chưa đạt được như mong muốn.
Trong thời gian tới, Đại sứ Trần Văn Tuấn mong rằng, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khi cần kết nối, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài nên đưa ra những yêu cầu hết sức cụ thể và khi đặt hàng cho các Cơ quan đại diện thì nên thông qua đầu mối là Bộ Ngoại giao để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp công tác thống nhất, hiệu quả.
Cảm nhận về đất nước Thuỵ Điển, Đại sứ Tuấn chia sẻ, mặc dù chưa đặt chân tới đất nước Thụy Điển, nhưng ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa, con người ở đất nước Bắc Âu xinh đẹp này. Ông đã rất ấn tượng trước các thông tin về sự hiền hòa, hiếu khách của người dân Thụy Điển, những cảnh quan tuyệt đẹp và những nét văn hóa truyền thống rất đặc biệt, như văn hóa Fika, văn hóa xếp hàng, văn hóa lễ hội...
Chính những nét văn hóa đặc sắc này đã tạo ra tính cách con người Thụy Điển với lối sống lành mạnh, hướng thiện và khiêm nhường. Đó chính là lối sống hạnh phúc mà tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới mong muốn hướng tới và đạt được.
| Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 Ngày 23/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã có cuộc làm việc với Đoàn Trưởng cơ ... |
| Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 Ngày 24/2, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có buổi gặp ... |
| Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 thăm làm việc tại các địa phương phía Nam Ngày 17/3, đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn ... |
| Thụy Điển coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á Quốc vụ khanh Robert Rydberg khẳng định Thụy Điển coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á, mong ... |
| Điện mừng Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |