Đại sứ Doãn Khánh Tâm (bên trái) và thầy Gungaajav, Hiệu trưởng ngôi trường danh giá bậc nhất của Mông Cổ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Ulaanbaatar nhân Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ) |
Đại sứ Doãn Khánh Tâm cho biết, Việt Nam và Mông Cổtuy xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt nhân dân hai nước có tình cảm gắn bó. Mông Cổ chính là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm, vào ngày 17/11/1954, chỉ mấy tháng sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chưa đầy một năm sau, vào tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mông Cổ, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm đó có ý nghĩa hết sức đặc biệt với đất nước và người dân Mông Cổ, đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Để ghi nhớ chuyến thăm đặc biệt quan trọng đó của Người, tiếp tục vun đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ đã ra Quyết định số 155, cho phép Trường số 14 - ngôi trường danh giá bậc nhất của đất nước thảo nguyên, toạ lạc giữa thủ đô Ulaanbaatar được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt hơn nữa, vào năm 2009, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trọng đặt tại vị trí trung tâm trong khuôn viên của Trường, nhìn ra đại lộ Hòa bình lớn nhất của thủ đô Ulaanbaatar. Cũng trong năm này, Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh được thành lập tại Trường với nhiều hình ảnh, kỷ vật về Người và quan hệ hai nước, tạo không gian ấm áp để tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của đất nước và nhân dân Mông Cổ.
Một buổi lễ dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trang trọng của Trường số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ) |
Nói về lịch sử ngôi trường danh giá mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Ulaanbaatar, Đại sứ Tâm cho biết, đây là ngôi trường có lịch sử lâu đời bậc nhất của Mông Cổ, được thành lập từ năm 1949 với tên gọi ban đầu là Trường số 14, là một trong những trường điểm nổi tiếng, xuất sắc nhất của Mông Cổ. Trường đào tạo cả 3 cấp học, 1, 2 và 3, hiện có hơn 250 giáo viên và trên 6.000 học sinh. Vì là trường chuẩn quốc gia, có tiếng tăm nên nhiều bậc phụ huynh ở những địa bàn khác của thành phố cũng mong muốn con em mình được học tập tại đây.
Trong hơn 70 năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao và nhân tài trong mọi lĩnh vực của Mông Cổ đã trưởng thành từ ngôi trường này. Trong số đó có vị Tổng thống đầu tiên của Mông Cổ P. Ochirbat, Thủ tướng P. Amarjargal, Thủ tướng S. Batbold và rất nhiều chính trị gia, đại biểu quốc hội, các nhà khoa học hàng đầu của Mông Cổ. Trường 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam mỗi khi đến thăm Mông Cổ như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An...
Với những thành tích xuất sắc trong vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc và thành tích trong sự nghiệp "Trăm năm trồng người" như lời dạy của Bác, Trường Hồ Chí Minh đã được Nhà nước Mông Cổ trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt vinh dự được Nhà nước Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị vào năm 1987 và Huân chương Hữu nghị vào năm 2000.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm chia sẻ, việc Chính phủ và nhân dân Mông Cổ, đặc biệt là tập thể giáo viên, học sinh Trường 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ luôn chăm nom, giữ gìn và bảo tồn công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Ulaanbaatar đã biểu hiện một cách chân thực nhất những tình cảm yêu thương và kính trọng của Chính phủ và nhân dân hai nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Trường 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có Câu lạc bộ tiếng Việt, với sự tham gia đông đảo của nhiều học sinh của trường. Từ năm 1960, Trường Hồ Chí Minh ở Ulaanbaatar đã kết nghĩa với Trường PTTH Chu Văn An và đến năm 2011, kết nghĩa thêm với Trường PTTH Nguyễn Tất Thành của Hà Nội.
Học sinh Trường số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu diễn văn nghệ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ) |
Đại sứ Doãn Khánh Tâm thông tin, với vai trò là chi hội của Hội Hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam, hằng năm Trường 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam như Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc khánh 2/9 thông qua các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mông Cổ, góp phần thiết thực tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước.
Chính vì thế, điều thú vị là tất cả các học sinh của trường đều có những hiểu biết nhất định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết hát bài hát Việt Nam, múa điệu múa của Việt Nam. Các thầy cô giáo tự giới thiệu cho học sinh lớp mình về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã thành thông lệ, lễ tốt nghiệp ra trường cho học sinh đều được tổ chức vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để học sinh làm lễ dâng hoa, báo công và trở thành một nét đẹp văn hóa của trường.
Với những hoạt động ý nghĩa như thế, ngay chính tại ngôi trường có đủ cả 3 cấp học duy nhất ở nước ngoài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao sự hiểu biết của giáo viên, học sinh về Bác Hồ, về bản sắc văn hóa của đất nước và con người Việt Nam, càng làm cho người dân Mông Cổ và Việt Nam hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn...
Đó là một câu chuyện rất đặc biệt và ý nghĩa trong bề dày lịch sử quan hệ hơn 7 thập kỷ qua giữa hai quốc gia, dân tộc, là sợi dây gắn kết bền chặt giữa người dân hai nước, như nhấn mạnh của Đại sứ Doãn Khánh Tâm.