Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan tổ chức buổi Quyên góp ủng hộ Việt Nam chống dịch Covid-19. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan) |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phương hướng hoạt động đối ngoại, dù ở bất cứ địa bàn nào dường như cũng có sự điều chỉnh nhất định. Ở Ba Lan, sự điều chỉnh này được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?
Tôi sang nhận nhiệm vụ vào thời điểm Ba Lan và châu Âu bắt đầu trải qua đợt lây nhiễm Covid-19 nặng nề, kéo dài hơn nửa năm.
Đại dịch đã đặt ra những thách thức mới đối với Cơ quan đại diện trong việc thực thi trách nhiệm kép là đảm bảo tốt sức khỏe của cán bộ và gia đình, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại được giao trong tình hình “bình thường mới”.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ trong một năm qua, chúng tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm quý báu.
Trước hết, có thể khẳng định việc Đại sứ quán (ĐSQ) quán triệt rõ nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng Kế hoạch hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình mới, là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thực thi thành công các nhiệm vụ mới đề ra, đồng thời tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Ba Lan.
Cụ thể, trong từng giai đoạn khác nhau, ĐSQ luôn xác định rõ các trọng tâm phù hợp với tình hình. Khi làn sóng dịch Covid-19 tại Ba Lan tăng cao và diễn biến phức tạp trong Quý III và Quý IV năm 2020, Đại sứ quán luôn đặt công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ công dân về nước làm nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian qua, Đại sứ quán đã phối hợp và hỗ trợ đưa công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay đón công dân tại châu Âu do Chính phủ tổ chức.
Trong tháng 5 vừa qua, Đại sứ quán cũng đã phối hợp tổ chức 1 chuyến bay đón công dân tại Ba Lan trở về Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Đại sứ quán đã ứng biến linh hoạt áp dụng ngoại giao kỹ thuật số nhằm duy trì tiếp xúc với các Cơ quan chức năng của bạn.
Bước vào năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tại Ba Lan dần được kiểm soát, Đại sứ quán nối lại các hoạt động ngoại giao thông thường, đồng thời nhanh chóng triển khai nhiệm vụ ngoại giao vaccine nhằm góp phần thực thi Chiến lược vaccine của Việt Nam và phục vụ mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế.
Hai là, Đại sứ quán vận dụng linh hoạt ngoại giao truyền thống với ngoại giao trực tuyến để các hoạt động đối ngoại không bị gián đoạn.
Trong bối cảnh Ba Lan ban hành các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ liên quan đến dịch Covid-19, nhận thức rõ "ngôn ngữ ngoại giao" trong thế kỷ XXI là sự thành thạo các công cụ và nền tảng số, chúng tôi nhanh chóng tận dụng các nền tảng kỹ thuật số để triển khai các hoạt động ngoại giao trực tuyến cũng như tương tác với chính quyền sở tại.
Tôi cho rằng, việc áp dụng chính sách ngoại giao kỹ thuật số có thuận lợi lớn là mở rộng phạm vi tiếp cận các sự kiện trực tuyến tới khán giả toàn cầu, đồng thời mời được nhiều diễn giả tham dự.
Đối với ngoại giao văn hóa, Đại sứ quán tận dụng các trang mạng xã hội để triển khai các công tác tuyên truyền, tổ chức Tết cộng đồng theo hình thức trực tuyến, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Hình thức này nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo bà con trong Cộng đồng và bạn bè sở tại.
Đại sứ Nguyễn Hùng tham dự Hội thảo giao thương trực tuyến. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan) |
Đặc biệt hoạt động ngoại giao kinh tế có nhiều cơ hội lẫn thách thức mới.
Cơ hội lớn là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Thách thức là dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy, giá thành vận chuyển cao.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán tích cực triển khai các chương trình hội thảo trực tuyến nhằm kết nối các doanh nghiệp và địa phương; tổ chức thành công 2 hội thảo kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông sản và các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống siêu thị bán buôn bán lẻ tại Ba Lan.
Mỗi buổi Hội thảo có trên 100 doanh nghiệp tham dự, các diễn giả đến từ các cơ quan ban ngành, các Hiệp hội tại cả Việt Nam và Ba Lan.
Thời điểm Ba Lan dần kiểm soát được dịch bệnh và dỡ bỏ các quy định hạn chế liên quan đến dịch Covid-19, Đại sứ quán tranh thủ nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp, thực hiện thăm làm việc tại các tỉnh có tiềm năng hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy các lĩnh vực cả hai bên có lợi thế và có nhu cầu hợp tác như nông nghiệp, dược phẩm, lao động, du lịch…
Song song với đó, chúng tôi tranh thủ tổ chức hội thảo trực tiếp.
Trong tháng 9, Đại sứ quán phối hợp triển khai Đại hội Quốc tế châu Á và Tổ chức Hội thảo hợp tác kinh tế Việt Nam-Ba Lan, trong đó có việc kết nối doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai Hiệp định EVFTA, đặc biệt khai thác thế mạnh của hai bên trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp và du lịch.
Chúng tôi cũng đi thăm Công ty Tân Việt, một trong 3 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Ba Lan, chuyển tặng bằng khen Bộ trưởng Ngoại giao về việc khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và động viên doanh nghiệp triển khai kế hoạch đưa hàng thủy sản của Việt Nam trở lại thị trường Ba Lan; tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam khác có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Ba Lan và EU.
Đồng thời, chúng tôi tranh thủ các cuộc tiếp xúc các cấp để vận động Ba Lan sớm thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là EU và các nước thành viên EU (EVIPA).
Đáng chú ý, Lithuania, địa bàn Đại sứ quán kiêm nhiệm, vừa mới thông qua EVIPA.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn người Việt tại Ba Lan.
Việc triển khai các hình thức ngoại giao tại sở tại vào thời điểm nào cũng cần sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lớn từ các Hội đoàn.
Ngay từ thời kỳ đầu của dịch Covid-19, Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các Hội đoàn trong Cộng đồng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch và hỗ trợ bà con trong công tác phòng chống dịch, như việc xét nghiệm, khám chữa, tiêm vaccine…
Khi kêu gọi đóng góp cho hoạt động phòng chống dịch trong nước, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ lớn của của cộng đồng và các doanh nghiệp của người Việt tại Ba Lan.
Chỉ tính riêng năm 2021, cộng đồng tại Ba Lan ủng hộ Quỹ phòng chống dịch tại Việt Nam 38.000 USD, trong đó Tập đoàn Tân Việt tại Ba Lan đóng góp 20.000 USD vào Quỹ vaccine.
Chỉ tính riêng năm 2021, cộng đồng tại Ba Lan ủng hộ Quỹ phòng chống dịch tại Việt Nam 38.000 USD, trong đó Tập đoàn Tân Việt tại Ba Lan đóng góp 20.000 USD vào Quỹ vaccine. |
Ngoài ra, ĐSQ cũng tích cực khuyến khích cộng đồng đóng góp cho công tác phòng chống dịch ở sở tại, hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ.
Những nỗ lực này đã gây được tiếng vang và nhận được cảm tình từ người dân cũng như chính quyền sở tại, tạo thêm nền móng vững chắc trong việc phát triển quan hệ Việt Nam-Ba Lan.
Đại sứ Nguyễn Hùng làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Paweł Jabłoński đề nghị Ba Lan hỗ trợ và nhượng lại vaccine cho Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan) |
Bốn là, Đại sứ quán đẩy mạnh công tác nghiên cứu và xử lý thông tin để xác định đúng hướng triển khai công việc.
Ngay từ đầu mùa dịch, Đại sứ quán luôn bám sát các chương trình phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cũng như theo dõi sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng sở tại và các hội đoàn triển khai công tác thông tin tuyên truyền trong cộng đồng và thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Đặc biệt, đối với hoạt động ngoại giao vaccine, Đại sứ quán theo dõi và bám sát chương trình vaccine của Ba Lan, từ đó báo cáo kịp thời về kinh nghiệm của Ba Lan trong việc kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch.
Để triển khai chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm mới - ngoại giao vaccine, ngay sau khi nắm bắt được thông tin Ba Lan có khả năng dư thừa một lượng vaccine, Đại sứ quán nhanh chóng xúc tiến các cuộc gặp với các cơ quan chức năng của bạn để vận động chính phủ Ba Lan xem xét viện trợ và nhượng lại vaccine cho Việt Nam.
Do đây là lĩnh vực mới, các cán bộ Đại sứ quán gặp thách thức không nhỏ trong việc sàng lọc các nguồn thông tin cả chính thức và phi chính thức nhằm tập trung nỗ lực vận động đi đúng hướng và hiệu quả.
Ngày 23/8 vừa qua, lô vaccine với hơn 500 nghìn liều do chính phủ Ba Lan viện trợ đã về đến Việt Nam. Dự kiến lô thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trị giá khoảng 4 triệu USD sẽ được Ba Lan chuyển sang Việt Nam trong đầu tháng 9 tới.
Ngày 23/8 vừa qua, lô vaccine với hơn 500 nghìn liều do chính phủ Ba Lan viện trợ đã về đến Việt Nam. Dự kiến lô thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trị giá khoảng 4 triệu USD sẽ được Ba Lan chuyển sang Việt Nam trong đầu tháng 9 tới. |
Đồng thời, các cơ quan chức năng hai nước cũng đang tích cực trao đổi để sớm tiếp nhận hơn 3 triệu liều vaccine Ba Lan cam kết nhượng lại cho Việt Nam. Đây là sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên Ba Lan viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế.
Ngoại giao vaccine đã được Bộ Ngoại giao ta xác định là ưu tiên hàng đầu với phương châm “chủ động tiến công”, Đại sứ quán đã hiện thực hóa chiến lược này như thế nào, thưa Đại sứ?
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, việc tiếp cận nguồn vaccine là vấn đề cấp bách với Việt Nam.
Nhận thức rõ vai trò của cơ quan đại diện tại nước ngoài trong cuộc chiến chống Covid-19 và thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam xác định vaccine là yếu tố quyết định để đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa và phục hồi phát triển kinh tế, Đại sứ quán đặt việc tiếp cận nguồn vaccine và các thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021.
Đại sứ Nguyễn Hùng thăm và làm việc tại Scszecin sau khi Ba Lan dỡ bỏ các quy định giãn cách liên quan đến dịch Covid-19. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan) |
Đại sứ quán sớm chủ động tiếp xúc với các đầu mối trong việc quản lý và triển khai chương trình vaccine tại Ba Lan để thúc đẩy Ba Lan có sự chia sẻ và ủng hộ kịp thời. Những kết quả bước đầu trong đợt vận động ngoại giao vaccine vừa qua, theo tôi xuất phát từ một số nhân tố thuận lợi sau:
Trước hết, Đại sứ quán luôn nhận thức rõ và vận dụng linh hoạt nhân tố hữu nghị truyền thống với bề dày lịch sử trên 70 năm và tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam trong suốt quá trình triển khai ngoại giao vaccine.
Đồng thời, những chia sẻ và đoàn kết kịp thời của Việt Nam và cộng đồng người Việt dành cho Ba Lan ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát với nhiều khó khăn đã được chính phủ và nhân dân Ba Lan ghi nhận và đánh giá cao.
Đây cũng là cơ sở thuận lợi để Ba Lan xem xét đề xuất của ta và luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam; giúp hai nước cùng sớm vượt qua dịch bệnh và tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế nhiều mặt cùng có lợi.
Hai là, sự chủ động và bám sát mục tiêu đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù được phía Ba Lan ủng hộ cao, nhưng quy trình hỗ trợ/nhượng lại vaccine cũng rất phức tạp do đây là vấn đề mới và Ba Lan cần phải tuân theo các quy chuẩn chung của châu Âu. Chúng tôi luôn bám sát và phối hợp chặt chẽ với Ba Lan để tháo gỡ các vướng mắc thủ tục , đẩy nhanh tiến trình bàn giao vaccine.
Ba là, việc theo sát tình hình và có kiến nghị kịp thời trình Lãnh đạo cấp cao có trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Ba Lan đã có tác động quyết định đến quá trình đàm phán và vận động.
Ngay sau khi nhận được Thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đề nghị giúp đỡ, chính phủ Ba Lan đã quyết định hỗ trợ và nhượng lại vaccine ngay cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán luôn bám sát theo dõi các thông tin không phản ánh đúng tình hình, báo cáo trực tiếp lãnh đạo Bộ và đề xuất có hướng giải quyết phù hợp để không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán.
Trong thời gian tới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhưng với sự quan tâm và động viên to lớn, kịp thời của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói riêng và của Chính phủ và các bộ, ban ngành trong nước nói chung, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan với sự quyết tâm cao sẽ tiếp tục bám sát tình hình và phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.