Ngoại giao số không đơn thuần là sự thay đổi hình thức triển khai, áp dụng kỹ thuật số để tiến hành công tác đối ngoại, mà đòi hỏi tư duy số, cách tiếp cận số và lĩnh vực quản lý số.
Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong. |
Tư duy và tiếp cận số
Khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng trên thế giới, hầu hết chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ, các hội nghị quốc tế, các cuộc hội đàm, tham vấn chính trị, tiếp xúc ngoại giao không thể tiến hành theo phương pháp truyền thống mà phải tiến hành thông qua công nghệ số: điện đàm, tiếp xúc qua điện thoại hoặc các mạng công nghệ thông tin khác như WhatsApp, Viber, Twitter và các cuộc hội đàm, tham vấn chính trị trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, Microsoft team hoặc Googlemeet.
Hình thức ngoại giao số phải đi liền với tư duy số và cách tiếp cận số. Tư duy số đòi hỏi người thực hiện phải sắp xếp các vấn đề ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, khác hẳn với quan niệm cho rằng ngoại giao phải ý nhị, “ý tại ngôn ngoại” với những “câu chuyện bên lề”, có chính có phụ của ngoại giao truyền thống. Cách tiếp cận số là cách tiếp cận trực diện, đi thẳng vào vấn đề, với những thông điệp rõ ràng, dễ nhớ.
Một điểm sáng nổi bật trong ngoại giao kỹ thuật số giữa Việt Nam và Canada trong năm qua là năm cuộc điện đàm, gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo bộ, ngành hai nước, đặc biệt là cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagn và cuộc tham vấn chính trị (đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam với nước ngoài) giữa Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn với Thứ trưởng Ngoại giao Canada Marta Morgan.
Ngoài ra, bốn vị bộ trưởng của Canada đã tham gia bốn sự kiện quốc tế trực tuyến do Việt Nam tổ chức. Các cuộc điện đàm, tham vấn chính trị, hội nghị trực tuyến nói trên là những nhân tố hết sức quan trọng đưa quan hệ Hợp tác toàn diện Việt Nam-Canada (hình thành năm 2017) vượt qua những khó khăn do đại dịch, tiếp tục phát triển trong năm qua.
Trong tiếp xúc trực tuyến, “các nhà ngoại giao Zoom” chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ, cân nhắc từng câu nói, từng cách đặt vấn đề cho phù hợp với phương cách mới, truyền tải được thông điệp của mình, đồng thời nắm bắt được thông điệp của người đối thoại. Gần 70 cuộc tiếp xúc theo hình thức mới này đã được chúng tôi tiến hành trong năm qua, không kể các lần dự hội nghị, hội thảo trực tuyến hoặc tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh online của đại sứ quán các nước khác.
Ngoài ra, chúng tôi tham gia một số hoạt động ngoại giao trực tuyến với bánh kẹo, đồ uống được phía đối tác chuyển đến, thay thế cho hình thức cocktail trực tiếp.
Tuy nhiên, hình thức kết hợp giữa ngoại giao kỹ thuật số và ngoại giao truyền thống này không thuận tiện cho các cuộc trao đổi bên lề vốn rất quan trọng trong tiếp tân ngoại giao.
Vì vậy, khi những quy định về phòng chống dịch bệnh cho phép, chúng tôi vẫn tổ chức các hoạt động ngoại giao truyền thống. Ba sự kiện ngoại giao và gần 50 cuộc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp, tiệc trà, chiêu đãi phạm vi nhỏ với thời gian dài hơn rất nhiều so với dự kiến đã góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác trong công việc và thảo luận nhiều vấn đề.
Phương cách đa dạng
Ngoại giao kỹ thuật số còn bao gồm kết nối về kinh tế. Bên cạnh hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Canada trong giai đoạn hậu Covid-19” theo chương trình ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán đã nỗ lực phối hợp với các đối tác tổ chức thêm năm cuộc hội thảo khác trong đó có những hội thảo mang tính chất chuyên biệt, kết nối doanh nghiệp trong một ngành hàng cụ thể hoặc với một thành phố cụ thể của Canada. Những cuộc hội thảo đó đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển; kim ngạch thương mại tăng 11,2%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,1%.
Ngoại giao kỹ thuật số cũng thể hiện trong công tác bảo hộ công dân với ba đường dây nóng và 34 bản tin về lãnh sự, bảo hộ công dân đăng tải trên website, đặc biệt là Bộ tài liệu hỏi đáp về phòng chống Covid-19 đăng tải ngày 24/3/2020 mà đến nay có hơn 4.000 lượt truy cập.
Trong điều kiện dịch bệnh, ngoại giao kỹ thuật số là công cụ để chúng tôi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị về năm Dân vận chính quyền với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những hành động cụ thể, chu đáo, trách nhiệm và nhân ái, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải quyết thấu tình đạt lý những yêu cầu của công dân, minh bạch liêm chính.
Mọi thủ tục xin phép bay và tổ chức các chuyến bay đón công dân hoặc làm việc với hiệp hội các trường đại học Canada đều được tiến hành qua hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, công tác bảo hộ công dân và công tác cộng đồng vẫn cần các hoạt động cụ thể như thăm hỏi người ốm đau, bệnh tật, gặp gỡ tiếp xúc với bà con trong cộng đồng…
Trong năm qua, Đại sứ quán đã phối hợp với các cơ quan chức năng Canada và các hội đoàn người Việt chăm sóc 7 công nhân bị nhiễm Covid-19, các cháu học sinh bị ốm, trầm cảm hoặc gặp khó khăn về nơi cư trú; cử cán bộ đến sân bay cách xa 500km để hỗ trợ công dân, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, đảm bảo 8 chuyến bay đón công dân tiến hành an toàn.
Đại sứ Phạm Cao Phong tham gia hội thảo trực tuyến “Phát triển quan hệ Đối tác Kinh doanh Việt Nam - Canada” do Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, chính quyền Quebec và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Canada đồng tổ chức. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Canada). |
Một nội dung quan trọng của ngoại giao kỹ thuật số là ngoại giao công chúng, trong đó truyền thông là một mũi nhọn nhằm truyền tải nhanh, rộng rãi những chủ trương chính sách, những thành tựu của Việt Nam - một điểm sáng trên toàn cầu về phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế, về năm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời đưa tin rộng rãi về những vấn đề thuộc lợi ích của Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2020, lãnh đạo Đại sứ quán đã 6 lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và Canada, đăng tải 87 tin tức trên website (30 tin tiếng Anh và 57 tin tiếng Việt) đồng thời phân phát các tài liệu quảng bá đất nước con người Việt Nam tại các sự kiện ngoại giao hoặc trình chiếu các đoạn video ngắn về năm Chủ tịch ASEAN, đời sống kinh tế, du lịch của Việt Nam tại các hội nghị, hội thảo mà Đại sứ quán tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
Ngoại giao kỹ thuật số còn bao gồm công tác quản lý nhân sự và công việc của Cơ quan đại diện. Đại sứ quán ban hành Quy định về các biện pháp phòng chống dịch và xây dựng Phương án chia nhóm làm việc trong bối cảnh giảm thiểu các hoạt động của cơ quan công quyền theo khuyến nghị của chính quyền Canada, trong đó quy định rõ các biện pháp thông tin liên lạc và theo dõi sức khoẻ, hoạt động của từng cá nhân thông qua hình thức trực tuyến.
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, khi dịch bệnh giảm, Đại sứ quán trở lại làm việc bình thường nhưng gần đây, chúng tôi lại quay trở lại chế độ làm việc theo nhóm khi làn sóng dịch bệnh lần thứ hai ngày càng dâng cao, chính quyền ban bố lệnh phong tỏa và yêu cầu ở nhà.
Những điều chỉnh trong bố trí nhân sự và công việc phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh đã làm tăng tính kết nối, phối hợp chặt chẽ trong công việc, đồng thời là biện pháp đào tạo cán bộ tại chỗ theo phương châm một người có thể đảm trách được nhiều công việc khác nhau, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên.
Như vậy, trong thời đại 4.0 nhất là trong thời kỳ dịch bệnh lan tràn, sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa ngoại giao kỹ thuật số với ngoại giao truyền thống trong đó công tác truyền thông, bảo hộ công dân được chú trọng và điều chỉnh về quản lý nhân sự và công việc đã tạo nên một phương cách hoạt động ngoại giao hiệu quả, là cơ sở để Đại sứ quán hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm qua.
Hình thức ngoại giao số phải đi liền với tư duy số và cách tiếp cận số. Tư duy số đòi hỏi người thực hiện phải sắp xếp các vấn đề ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, khác hẳn với quan niệm cho rằng ngoại giao phải ý nhị, “ý tại ngôn ngoại” với những “câu chuyện bên lề”, có chính có phụ của ngoại giao truyền thống. |